Tại Hội nghị chuyên đề về quản lý hải quan đối với loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu (SXXK), chế xuất do Tổng cục Hải quan tổ chức tại Bình Dương ngày 7-4, các đơn vị hải quan địa phương đã nhận định, phân tích những thuận lợi và khó khăn, vướng mắc, đồng thời kiến nghị các giải pháp quản lý hải quan đối với loại hình đặc thù này.
Thủ tục thông thoáng
Đánh giá kết quả gần 1 năm triển khai Luật Hải quan 2014 và các quy định mới có liên quan đến loại hình gia công, SXXK, chế xuất, ông Vũ Lê Quân, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan– Tổng cục Hải quan cho rằng, phương thức quản lý hải quan đối với loại hình gia công, SXXK, DN chế xuất đã thay đổi cơ bản theo hướng tạo thuận lợi, thông thoáng cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp; đơn giản hóa hồ sơ hải quan; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan Hải quan đối với loại hình này; triển khai biện pháp quản lý, theo dõi DN phù hợp với phương thức quản lý mới…
Đáng chú ý, các quy định hiện hành đã bãi bỏ một số thủ tục hải quan về quản lý hàng gia công, SXXK, như: Không thông báo hợp đồng gia công, SXXK; không thông báo định mức sử dụng và tỷ lệ tiêu hao cho từng sản phẩm; không truyền dữ liệu và thanh khoản theo từng hợp đồng gia công, SXXK với cơ quan Hải quan.
Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý đối với loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất; chia sẻ những thủ đoạn gian lận, vi phạm của DN, cũng như kinh nghiệm trong công tác kiểm tra, ngăn chặn các hành vi vi phạm, trốn thuế của DN đối với loại hình đặc thù này. Là các đơn vị hải quan trực tiếp triển khai các quy định mới, các đơn vị hải quan địa phương cho rằng, thực hiện các quy định mới, phương thức quản lý hải quan đối với loại hình gia công, SXXK, chế xuất đã thay đổi cơ bản theo hướng tạo thuận lợi, thông thoáng cho hoạt động XNK của các DN. Theo đó, các DN thực hiện theo nguyên tắc tự tuân thủ các quy định, thực hiện đầy đủ chế độ quản lý, kế toán, thống kê, lưu giữ, bảo quản các chứng từ, sổ sách… có liên quan đến quá trình sản xuất, gia công hàng hóa với thương nhân nước ngoài và xuất trình khi cơ quan Hải quan kiểm tra.
Một trong những thay đổi lớn nhất về phương thức quản lý hải quan đối với loại hình gia công, SXXK là thực hiện báo cáo quyết toán sử dụng nguyên vật liệu theo năm tài chính. Mục đích của báo cáo quyết toán theo năm tài chính là tôn trọng quản trị nội bộ của DN. Hiện nay một số DN sử dụng hệ thống quản trị nội tốt để có thể kết xuất dữ liệu trình cho cơ quan Hải quan khi có yêu cầu. Tuy nhiên, vẫn còn một số DN thực hiện quản trị nội bộ chưa tốt, chủ yếu theo dõi thủ công, nhất là đối với loại hình gia công dẫn đến sự chênh lệch số liệu giữa các bộ phận trong nội bộ DN, việc kết xuất số liệu báo cáo theo năm tài chính rất khó khăn.
Theo Cục Hải quan Bình Dương, nếu như trước đây, khi làm thủ tục hải quan theo loại hình gia công và nhập sản xuất XK, người khai hải quan phải thực hiện nhiều thủ tục, với nhiều loại giấy tờ, chứng từ thì nay đã cắt giảm đáng kể các khâu thủ tục, nhằm tạo thuận lợi, thông thoáng, giảm chi phí về thời gian, giấy tờ, đi lại… cho DN. Cụ thể, quy định mới đã bỏ thủ tục thông báo và tiếp nhận hợp đồng gia công; bỏ thủ tục thông báo, tiếp nhận định mức gia công, sản xuất XK; định mức thực tế sử dụng nguyên vật liệu được lưu tại DN và chỉ xuất trình khi có thanh tra, kiểm tra. Bỏ thủ tục thông báo mã nguyên liệu vật tư NK và mã sản phẩm XK. Hiện nay, DN chủ động và tự chịu trách nhiệm về việc chuyển giao nguyên vật liệu giữa các hợp đồng gia công và chỉ phản ánh trong bảng nhập-xuất-tồn. Thủ tục thanh khoản theo từng hợp đồng gia công cũng được bỏ, DN chỉ thực hiện báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên vật liệu, máy móc thiết bị theo năm tài chính của DN.
Theo ông Vũ Lê Quân, bên cạnh những hiệu quả đạt được, việc triển khai quản lý theo quy định mới vẫn còn một số hạn chế, như: Thủ tục hải quan đã được đơn giản hóa đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, tuy nhiên cách áp dụng có nơi, có chỗ còn máy móc, còn có hiện tượng yêu cầu DN xuất trình giấy tờ, chứng từ nằm ngoài hồ sơ hải quan; việc triển khai các biện pháp quản lý DN theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan còn chậm
Gỡ vướng để quản lý chặt chẽ
Theo các đơn vị Hải quan địa phương, hiện công tác quản lý của cơ quan Hải quan đã phát sinh một số vấn đề khó thực hiện, cần tháo gỡ, sửa đổi cho phù hợp với thực tế. Đại diện của Cục Hải quan Đồng Nai cho biết, tại điểm 5 công văn số 1501/TCHQ–GSQL ngày 29-2-2016 của Tổng cục Hải quan hướng dẫn: Việc triển khai theo dõi, thu thập, phân tích thông tin, đánh giá quá trình tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp được thực hiện thường xuyên, liên tục. Trong khi đó, hiện tại mỗi Chi cục có khoảng trên 200 DN thực hiện loại hình gia công, SXXK và chế xuất, nếu quy định thu thập thông tin thường xuyên, liên tục sẽ không đủ nhân lực để thực hiện và cũng không có mốc thời gian cụ thể. Từ vướng mắc này, Cục Hải quan Đồng Nai kiến nghị Tổng cục Hải quan có hướng dẫn khống chế cụ thể thời gian thu thập thông tin là thường xuyên, liên tục và định kỳ tối đa 3 tháng, công chức phải báo cáo Chi cục trưởng 1 lần đối với 1 DN về kết quả thu thập thông tin (trừ trường hợp có thông tin dấu hiệu vi phạm thì phải báo cáo ngay).
Đối với việc theo dõi, kiểm tra hoạt động của DN gia công, SXXK, chế xuất, đại diện một số cục hải quan địa phương cho rằng, hiện nay, cơ quan Hải quan chưa có hệ thống thông tin nào để theo dõi tình hình sử dụng nguyên vật liệu, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu tồn kho và sản phẩm đã xuất khẩu, sản phẩm tồn… làm cơ sở để đối chiếu với Báo cáo quyết toán theo năm tài chính của DN. Việc thông báo cơ sở sản xuất của DN thực hiện thủ công, hệ thống chưa có chức năng tiếp nhận và kết quả kiểm tra cơ sở sản xuất nên công chức hải quan phải mở sổ theo dõi. Để thực hiện tốt việc quản lý, theo dõi DN có hoạt động gia công, SXXK, DN chế xuất, Cục Hải quan Bình Dương kiến nghị, thực hiện theo nguyên tắc quản lý rủi ro; tổ chức tốt việc thu thập thông tin DN; định kỳ hàng tháng phải có đánh giá mức độ rủi ro của từng DN để có biện pháp kiểm tra cho phù hợp, đảm bảo mỗi DN phải được kiểm tra ít nhất 1 lần. Đồng thời lập danh sách DN chưa được kiểm tra cơ sở sản xuất, năng lực sản xuất để có biện pháp sàng lọc, đánh giá và thực hiện kiểm tra cơ sở sản xuất.
Việc kiểm tra hồ sơ trước, hoàn thuế, không thu thuế sau, theo Cục Hải quan Long An, theo quy định tại Khoản 6 Điều 129 Thông tư 38/2015/TT-BTC được thực hiện tại trụ sở người nộp thuế. Vấn đề này gây khó khăn cho cả DN và Hải quan vì mất rất nhiều thời gian nhưng hiệu quả quản lý mang lại không cao. Theo phân tích của Cục Hải quan Long An, trên thực tế, nhiều DN có trụ sở rất xa trụ sở cơ quan Hải quan. Qua tìm hiểu, đa số DN đều mong muốn kiểm tra tại trụ sở cơ quan Hải quan. Để tạo thuận lợi cho DN, Cục Hải quan Long An kiến nghị sửa đổi theo hướng: Kiểm tra tại trụ sở cơ quan Hải quan, DN có trách nhiệm mang hồ sơ đến xuất trình cho cơ quan Hải quan. Trường hợp qua kiểm tra tại trụ sở cơ quan Hải quan nếu chưa đủ điều kiện hoàn thuế, không thu thuế thì tiến hành kiểm tra tại trụ sở DN.
Về kiểm tra cơ sở sản xuất, theo đại diện Cục Hải quan TP.HCM, khi Thông tư 38/2015/TT-BTC có hiệu lực, có bắt buộc phải tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất của tất cả DN đang làm gia công, SXXK hay không. Trên thực tế các DN này đã hoạt động nhiều năm (trước khi Thông tư 38/2015/TT-BTC có hiệu lực) và đang thực hiện thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công, SXXK, Hải quan Khu chế xuất. Cục Hải quan TP.HCM đề xuất chỉ kiểm tra DN gia công, SXXK mới phát sinh. Các trường hợp trước đây đã kiểm tra cơ sở sản xuất thì trước mắt chưa kiểm tra, Cục sẽ có kế hoạch kiểm tra khi có thông tin thay đổi cơ sở sản xuất của DN.
Ngoài ra, một số vướng mắc, kiến nghị liên quan đến thanh khoản hợp đồng gia công chuyển tiếp; tiêu chí kiểm tra đối với DN ưu tiên; phân loại hồ sơ hoàn thuế mới chỉ có văn bản hướng dẫn, chưa có quy định trong văn bản pháp quy… tất cả vướng mắc, kiến nghị đã được Cục Giám sát quản lý về hải quan ghi nhận và trao đổi tại hội nghị. Đồng thời, Cục Giám sát quản lý về hải quan cũng đưa ra những định hướng trong việc tổ chức quản lý doanh nghiệp thực hiện hoạt động gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu, như: Hoàn thiện cơ chế pháp lý để quản lý loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu trên cơ sở những vướng mắc phát sinh từ thực tế; tăng cường công tác quản lý, theo dõi DN; tăng cường năng lực quản lý của cơ quan hải quan; chú trọng phát triển công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra, kế toán, kiểm toán cho công chức hải quan; tăng cường công tác kiểm tra, nắm tình hình triển khai các quy định; sớm xây dựng phần mềm hỗ trợ theo dõi, quản lý DN để thống nhất quản lý một cách chặt chẽ, đúng quy định.