Transimex –Saigon: Chiến lược M&A và mục tiêu chuỗi logistics trọn gói

(NDH) Những miếng ghép đang dần được Transimex-Saigon bổ sung một cách vững chắc vào chuỗi cung ứng theo tiêu chuẩn quốc tế, định hướng mô hình chiến lược 3PL.

Kế hoạch M&A chiến lược: Thâu tóm VNF

Mới đây, vào tháng 7/2015, CTCP Transimex- Saigon (TMS) thông báo sẽ mua thêm 787.700 cổ phiếu VNF, tăng sở hữu tại CTCP Vinafreight từ 37% lên 51,5%. Nếu có thể mua thành công số cổ phần trên, Vinafreight sẽ “về cùng một nhà” với Transimex – Saigon. Sở hữu VNF sẽ bổ sung thêm “mảnh ghép quan trọng trong chuỗi cung ứng dịch vụ của Transimex – Saigon.

Được biết, Vinafreight là doanh nghiệp rất mạnh trong lĩnh vực vận tải qua đường hàng không, và sự hợp tác giữa TMS và VNF khá chặt chẽ từ năm 2012.

Nói về chiến lược Transimex – Saigon theo đuổi, Chủ tịch HĐQT Bùi Tuấn Ngọc cho biết: “Tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là logistics và phát triển và mở rộng qui mô hoạt động thông qua mua bán sáp nhập và hợp nhất khi có đủ điều kiện. Đồng thời công ty đặt mục tiêu phát triển trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại với nguồn nhân lực chất lượng cao và quản trị theo chuẩn mực quốc tế”

Lãnh đạo Trasimex – Saigon đặt ra mục tiêu của Transimex – Saigon là trở thành một tập đoàn Logistics đa năng, có phạm vi hoạt động quốc tế.

Mục tiêu này đang được TMS hiện thực hóa thông qua việc đầu tư nâng cao năng lực hoạt động trong nhiều năm qua.

Năm 1998, Transimex – Saigon thành lập cảng trung chuyển ICD Transimex và là một trong những doanh nghiệp tiên phong khai thác loại hình cảng thông quan nội địa này. Chính thức khánh thành vào năm 2002, ICD Transimex sau đó liên tục được mở rộng, nâng cấp thêm kho CFS, kho lạnh, kho mát.

Năm 2012, Transimex – Saigon tiếp tục đầu tư vào Trung tâm phân phối (TMS DC) có diện tích 18.000 m2 tại KCN Sóng thần 2, tỉnh Bình Dương. TMS DC đã được hoàn thành vào giữa tháng 4/2013, bổ sung thêm một mắt xích trong chuỗi cung ứng logistics.

Không dừng lại ở đó, năm 2014, Transimex – Saigon đã quyết định đầu tư dự án Kho ngoại quan và Dịch vụ hậu cần Khu công nghệ cao (KCNC) Transimex. Dự án có diện tích lớn 10 ha, chiếm tới 75% tổng diện tích quy hoạch cho dịch vụ logistics trong toàn bộ khu công nghệ cao, giúp tăng đáng kể năng lực hoạt động của công ty.

Với vị trí thuận lợi gần các nhà máy của các Tập đoàn lớn hàng đầu thế giới như Intel, Samsung, Nidec,..Kho ngoại quan và dịch vụ hậu cần của TMS đã thu hút nhiều khách hàng lớn.

Ngoài ra, ngay trong cuối năm 2015, công ty sẽ đưa vào hoạt động dự án Trung tâm logistics Transimex-Saigon tại Đà Nẵng với diện tích đất là 1,6 ha.

Kho bãi của TMS không chỉ mở rộng về diện tích mà còn thường xuyên được cải tiến về điều kiện chất xếp. Ngay từ năm 2010, cảng ICD Transimex đã được bổ sung Kho lạnh & Kho mát. Tiếp đến Dự án KCNC Transimex mới đây cũng đang được đầu tư bổ sung kho lạnh.

Theo bộ phận phân tích của CTCK Sài Gòn – SSI, ngành logistics sẽ có được tốc độ tăng trưởng rất cao nếu có thể tham gia chuỗi giá trị của ngành hàng tiêu dùng và nông lâm ngư nghiệp. Việc đầu tư kho mát, kho lạnh của Transimex –Saigon chính là đón đầu nhu cầu tăng trưởng sẽ rất lớn trong tương lai của hoạt động xuất khẩu nông, thủy, hải sản, điều mà chưa nhiều doanh nghiệp logistic hiện nay làm được.

Đến nay, Transimex – Saigon vẫn giữ vững vị trí là một trong các doanh nghiệp có ICD lớn nhất khu vực thành phố Hồ chí Minh với thị phần khoảng 20% tại miền Nam và 15% cả nước. Chiếm được thị phần lớn từ cảng ICD là tiền đề cho các hoạt động giao vận sau đó của các doanh nghiệp logistics.

Cùng với mở rộng kho bãi, đội vận tải cũng được công ty tăng cường với việc khai trương hai tàu container trong năm 2014. Transimex – Saigon hiện cũng đang sở hữu đội xe hùng hậu gồm 44 xe đầu kéo container và 100 rơ moóc.

Năm 2015, công ty đặt ra các mục tiêu cụ thể nhằm phát triển dịch vụ logistics hàng không Freight Forwarding (thu xếp ký hợp đồng vận tải) và phát triển hệ thống công nghệ thông tin, phần không thể thiếu của logistics hiện đại.

Tại Việt Nam, có khoảng 1.200 doanh nghiệp làm ngành logistics, nhưng phần lớn chỉ có quy mô nhỏ và thực hiện các dịch vụ logistics cơ bản như dịch vụ cảng, bốc dỡ và thực hiện các thủ tục thông quan.

Còn mô hình mà Transimex – Saigon hướng tới là dịch vụ logistics trọn gói 3PL, tại đó doanh nghiệp logistics sẽ thay mặt cho chủ hàng quản lý và thực hiện trọn gói các dịch vụ logistics. Chuỗi cung ứng của TMS hiện đã có giao thông trên bộ, đường thủy nội địa, đường hàng không, các dịch vụ kho bãi, giao nhận… Dự kiến nếu có thể thâu tóm Vinafreight, TMS sẽ gia tăng doanh thu đáng kể từ dịch vụ vận chuyển hàng không.

“Trái ngọt” hút vốn đầu tư

Nhờ sự kiện định với chiến lược đầu tư tập trung và phát triển lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, đã giúp Transimex – Saigon thu về “trái ngọt” trong suốt 15 năm niêm yết trên thị trường chứng khoán

Quy mô kinh doanh của Transimex – Saigon luôn giữ được đà tăng ổn định bất chấp khó khăn của khủng hoảng kinh tế. Từ năm 2003 tới 2014, trong hơn 10 năm, lợi nhuận của Transimex- Saigon lớn gấp 10 lần từ 15,5 tỷ đồng lên 155,5 tỷ đồng.

Cùng với sự gia tăng về quy mô kinh doanh, vốn điều lệ của Transimex-Saigon cũng đã tăng gấp 10,5 lần so với ngày đầu thành lập. Vốn điều lệ tăng tuy nhiên Transimex – Saigon vẫn đảm bảo duy trì mức thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu ở mức cao. EPS năm 2014 đạt hơn 5.900 đồng/cổ phiếu.

Có thể nói, nếu không có “bà đỡ” thị trường chứng khoán để huy động vốn, Transimex-Saigon chắc hẳn sẽ không có điều kiện thể “lớn“ nhanh như vậy. Năm 2014, công ty đã được bình chọn là 1 trong 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam

Sức hấp dẫn từ kết quả kinh doanh tăng trưởng ổn định cùng chiến lược phát triển bền vững, đi vào chiều sâu ngành kinh doanh lõi của Transimex- Saigon đã sớm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, tỷ lệ sở hữu đã lên tới 41%. Trong đó, Casco Investment Capital, tham gia từ năm 2013 nắm giữ hơn 24% vốn, là cổ đông lớn nhất của công ty này.

Không chỉ có sức hút đối với khối ngoại, Transimex- Saigon, cũng được SSI, CTCK hàng đầu tại Việt Nam, rót vốn đầu tư từ năm 2009 và tham gia vào HĐQT từ 2012.

SSI đã đồng hành với TMS từ những ngày đầu DN này niêm yết với vai trò tư vấn phát hành và sau đó tham gia bảo lãnh phát hành ở một số đợt tăng vốn. Các đợt tăng vốn của Transimex – Saigon đều cho thấy hiệu quả đầu tư cao như đợt huy động vốn để đầu tư cao ốc TMS Building, góp vốn đầu tư Công ty TNHH Vận tải &Xếp dỡ Hải An (nay là CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An niêm yết trên HoSE)…

Có thể nói, chính việc SSI đầu tư đã giúp Transimex – Saigon có cấu trúc HĐQT cân bằng hơn với sự tham gia của các thành viên HĐQT có chuyên môn và mạng lưới quan hệ trải rộng từ các lĩnh vực từ logistics, xuất nhập khẩu, luật, xây dựng và tài chính. Từ đó giúp lãnh đạo Transimex – Saigon có những góc nhìn đa dạng cùng hoạt động động quản trị minh bạch, tác động tích cực đến các quyết định đầu tư.

Đứng trước những vận hội mới từ tiến trình hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam, ngành logistics có tiềm năng tăng trưởng rất lớn. Tuy nhiên, hội nhập cũng mang lại những thách thức không nhỏ đối khi từ 11/1/2014, Việt Nam đã cho phép các công ty dịch vụ hàng hải, logistics 100% vốn nước ngoài hoạt động bình đẳng theo cam kết WTO.

Theo ý kiến của một chuyên gia phân tích thuộc CTCK hàng đầu Việt Nam, doanh nghiệp logistics trong nước không thể cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài về vốn và kinh nghiệm quản lý. Nhưng chiến lược sở hữu hạ tầng, mở rộng độ phủ, đa dạng hóa dịch vụ và liên kết với các doanh nghiệp trong ngành xây dựng chuỗi cung ứng hứa hẹn sẽ tạo ra năng lực cạnh tranh bền vững cho các doanh nghiệp trong nước. Đây là điều mà một số các doanh nghiệp đầu ngành như Gemadept, Transimex – Saigon, Vinafco… đã và đang thực hiện.

Thanh Thủy