Vốn xã hội hóa “thay da đổi thịt” hạ tầng giao thông

Tính đến hết tháng 6, Bộ GTVT đã và đang triển khai 71 dự án đầu tư BOT, BT.

sd
Dự án nâng cấp mở rộng BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và người dân. Ảnh: Tạ Tôn.

Với số vốn huy động được lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng từ khu vực tư nhân, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của đất nước đang từng ngày thay đổi diện mạo, đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và người dân.

Chủ lực đường bộ

Tính đến hết tháng 6, Bộ GTVT đã và đang triển khai 71 dự án đầu tư BOT, BT ở lĩnh vực đường bộ với tổng mức đầu tư (TMĐT) khoảng  202 nghìn tỷ đồng. Trong đó, 20 dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác với chiều dài 410 km (TMĐT 24 nghìn tỷ đồng). Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã tổ chức bán đấu giá quyền thu phí 7 trạm thu phí sử dụng đường bộ do Nhà nước đầu tư, gồm: Trạm thu phí Nam Cầu Giẽ (QL1), Trạm Bãi Cháy (QL18), Trạm Hoàng Mai (QL1), Trạm Bàn Thạch (QL1), đường cao tốc TP Hồ Chí Minh-Trung Lương,…

“Thông qua đấu giá quyền thu phí đã làm lợi cho ngân sách Nhà nước khoảng 416 tỷ đồng. Đây là số tiền chênh lệch giữa doanh thu do các công ty Nhà nước được giao quản lý trước đây và giá đấu thầu. Với việc thu ngay được khoản tiền thông qua đấu thầu, ngân sách Nhà nước có điều kiện đầu tư cho các công trình xây dựng hạ tầng giao thông cấp bách”, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng, Trưởng ban PPP (Bộ GTVT) cho biết.

Đối với hệ thống bến xe, trạm dừng nghỉ trên đường bộ, hiện đã có 213 bến xe thực hiện XHH do doanh nghiệp quản lý, khai thác và có 20 trạm dừng nghỉ trên các tuyến quốc lộ thực hiện theo hình thức XHH, trong đó có ba trạm do tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ bàn giao cho địa phương.

Lan tỏa khắp các lĩnh vực

Không rầm rộ và mạnh mẽ như đường bộ nhưng hàng hải lại là một trong những lĩnh vực thu hút vốn đầu tư tư nhân từ khá sớm vào hệ thống cảng biển. Đặc biệt, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, nguồn vốn huy động ngoài ngân sách đầu tư cho hệ thống cảng biển phát triển rất mạnh mẽ với sự tham gia của nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới để hình thành các liên doanh đầu tư xây dựng và khai thác cảng biển.

Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2011-2015, lĩnh vực Hàng hải đã huy động được khoảng 121,4 nghìn tỷ đồng để đầu tư vào 58 cảng biển. Trong đó, nhiều cảng quy mô hiện đại như: Bến cảng container Tân Cảng Cát Lái (Công ty Tân Cảng), Bến cảng container trung tâm Sài Gòn SPCT (liên doanh DP World – Ả rập Saudi), Bến cảng container quốc tế Sài Gòn Việt Nam SITV (liên doanh Hutchison Hongkong), Bến cảng quốc tế SP-PSA (liên doanh PSA Singapore)…

Thời gian qua, Bộ GTVT đã triển khai nhượng quyền vận hành khai thác bốn cảng, bến được đầu tư từ nguồn vốn ODA và nguồn vốn TPCP gồm: Cảng Cái Lân (cầu 5,6,7), Cảng tổng hợp Thị Vải, Bến cảng container Cái Mép, Cảng biển An Thới với thời hạn 30 năm. Bên cạnh đó, một số cảng biển được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách do Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và một số doanh nghiệp Nhà nước quản lý cũng đã và đang được XHH thông qua hình thức cổ phần hóa (CPH).

Đặc biệt, thời gian qua, Bộ GTVT đã hoàn thành công tác CPH 12 cảng biển với tổng vốn Nhà nước sau khi xác định giá trị doanh nghiệp để CPH tăng 3.872 tỷ đồng, đồng thời tiến hành thoái một phần vốn Nhà nước tại 14 công ty cổ phần và giá trị thặng dư bán cổ phần lên tới 411 tỷ đồng.

“Các cảng biển được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách khi CPH phần vốn Nhà nước được đánh giá lại đều cao hơn so với vốn điều lệ trước đó. Đặc biệt, các doanh nghiệp cảng biển sau khi CPH, nhượng quyền khai thác đều làm ăn có hiệu quả, đảm bảo quyền lợi của Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động”, ông Huy đánh giá.

Đối với lĩnh vực kết cấu hạ tầng hàng không, nhiều công trình, hạng mục đã được các nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư quản lý khai thác như: ga hàng hóa Nội Bài do Công ty CP Logistics Hàng không (ALS) đầu tư, nhà kho hàng hóa tại Tân Sơn Nhất do Vietnam Airlines liên doanh với Công ty phục vụ mặt đất của Singapore đầu tư,… Cùng với đó, một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không đã và đang kêu gọi đầu tư bằng hình thức PPP như: Dự án xây dựng khu hàng không dân dụng Sân bay Phan Thiết (Bình Thuận) được khởi công đầu năm 2015 với tổng mức đầu tư 16.694 tỷ đồng, do Tập đoàn Rạng Đông làm nhà đầu tư; Dự án CHK Quảng Ninh với tổng mức đầu tư 7.494 tỷ đồng, nhà đầu tư được lựa chọn là Tập đoàn Sun Group,…

Những lĩnh vực trước đây thuộc dạng ế ẩm như: Đường sắt, đường thủy nội địa thì nay cũng có sự chuyển biến mạnh mẽ, tạo được sức hút lớn đối với các doanh nghiệp. Trong đó, nhiều công trình cảng, bến thủy nội địa đã được XHH theo hình thức doanh nghiệp tự đầu tư. Ngoài ra, công tác đầu tư nâng cấp, bảo trì luồng đường thủy nội địa cũng đã được triển khai theo cả hình thức nạo vét tận thu và hình thức BOT.

Tương tự, lĩnh vực đường sắt trước đây mới chỉ dừng ở mức cho thuê kết cấu hạ tầng (mặt bằng) để kinh doanh dịch vụ ở các ga hành khách lớn như: Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng,… nay đã có nhà đầu tư quan tâm đến việc đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt mới. Điển hình, liên danh Công ty CP đầu tư khai thác cảng và Tập đoàn ITATIAN-THAI Develoment PLC đang nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội-Hải Phòng và Công ty CP Đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành cũng tham gia nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Biên Hòa-Vũng Tàu.

Doanh nghiệp và người dân hưởng lợi lớn

Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác đầu tư hệ thống hạ tầng cơ sở đồng bộ, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông. Để thực hiện chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2010-2020, cần nguồn vốn đầu tư lên tới 200 tỷ USD, riêng vốn đầu tư cho ngành GTVT đã chiếm gần 50%. Với nhu cầu lớn như vậy, nếu không thu hút các nguồn vốn từ xã hội thì không có cách gì đảm bảo đủ vốn để phát triển hạ tầng.

“Lĩnh vực giao thông đường bộ phát triển mạnh mẽ, trong đó có sự đóng góp lớn của các dự án được triển khai bằng hình thức XHH. Nếu chỉ trông chờ vào nguồn vốn ngân sách, nhiều dự án hạ tầng giao thông phải mất nhiều năm nữa mới có thể được triển khai”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói.

Trong khi đó, đánh giá về hiệu quả của công tác này, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: “Việc huy động vốn XHH đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng là rất cần thiết. Trong những năm qua, nếu không có các hình thức đầu tư bằng nguồn vốn XHH, chúng ta không thể có bộ mặt kết cấu hạ tầng như hiện nay”.

Ông Nguyễn Danh Huy khẳng định, các dự án đầu tư bằng vốn XHH đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp trong việc rút ngắn được thời gian vận chuyển hàng hóa, hành khách, tiết kiệm nhiên liệu, giảm chi phí sửa chữa, khấu hao phương tiện. Đơn cử, với cao tốc Nội Bài-Lào Cai, TP Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, ước tính giảm 50% thời gian đi lại và 30% chi phí; QL1 đoạn Hà Nội-Vinh giảm khoảng 30% thời gian đi lại và 20% chi phí; QL14 qua Đắk Nông giảm khoảng 30% đi lại và 6% chi phí,…

Cùng đó, các doanh nghiệp nhà nước được giao quản lý kết cấu hạ tầng sau khi chuyển từ sở hữu Nhà nước sang đa sở hữu, tình hình tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đều cải thiện tốt.

“Việc thoái toàn bộ vốn Nhà nước không chỉ thu hồi nguồn vốn Nhà nước đầu tư cho doanh nghiệp, mà còn tạo điều kiện cho các đơn vị chủ động huy động nguồn lực, đầu tư chiều sâu, mở rộng quy mô hoạt động, tạo môi trưởng kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, giúp doanh nghiệp và người dân được lựa chọn những dịch vụ, sản phẩm có chất lượng với giá cả hợp lý”, ông Huy nhấn mạnh.

Đình Quang