Thời gian gần đây, thuật ngữ “Uber” nhận được sự quan tâm không chỉ của người kinh doanh và sử dụng dịch vụ vận tải mà còn cả các nhà quản lý và hoạch định chính sách. Vậy “Uber” là gì? Uber đã và đang thay đổi diện mạo của lĩnh vực vận tải như thế nào? Và VN cần làm gì để có thể kiểm soát được mô hình kinh doanh mới mẻ này?
UBER LÀ GÌ? Uber được Travis Kalanick và Garrett Camp thành lập vào tháng 3.2009, tại thành phố San Francisco, bang California, Mỹ. Về bản chất, Uber được ví giống như Agoda trong lĩnh vực khách sạn, Expedia trong lĩnh vực đặt vé máy bay hay Foodpanda trong lĩnh vực đồ ăn. Điều đó có nghĩa là Uber là dịch vụ kết nối giữa các chủ phương tiện, tài xế với người cần di chuyển dưới dạng một ứng dụng di động. Cụ thể, người cần di chuyển chỉ cần dùng ứng dụng Uber trên smartphone của mình để đăng ký hành trình. Hệ thống của Uber sẽ hiển thị bản đồ các phương tiện trong khu vực, ước tính thời gian và chi phí di chuyển và sau đó kết nối người này với một chủ xe phù hợp. Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa Uber và Agoda hay Expedia là ở chỗ Uber quyết định giá cước vận chuyển chứ không phải là chủ xe. Uber có khả năng tối ưu hóa dịch vụ và chi phí cho cả hành khách và tài xế. Đối với hành khách, Uber giúp họ quản lý hành trình một cách dễ dàng, minh bạch do hệ thống sẽ hiển thị đầy đủ thông tin về chiều dài quãng đường, giá cước, biển số, thông tin của tài xế… trên màn hình điện thoại của hành khách. Đối với chủ xe, Uber cho phép họ có thể tìm kiếm khách hàng dễ dàng, tăng thu nhập thông qua việc chở thêm khách. Không chỉ vậy, tỉ lệ phân chia trên doanh thu giữa Uber và chủ xe cũng được cho là hấp dẫn hơn so với các hãng taxi vì Uber không phải đầu tư xe hay hệ thống tổng đài điều phối. Mô hình doanh thu chung của Uber trên toàn thế giới là khi khách hàng thanh toán (đều thông qua thẻ tín dụng), số tiền này sẽ được chuyển cho Uber trước. Sau đó, Uber sẽ giữ lại 20% và 80% còn lại được trả cho các chủ xe. Sau 5 năm hình thành và phát triển, với một phần mềm đơn giẩn và một ý tưởng kinh doanh táo bạo trên Internet, giờ đây Uber đã tập hợp được hàng chục triệu nhân viên và phương tiện vận tải mà không tốn kém chi phí bảo hiểm, trả lương, bảo dưỡng xe… Uber cũng đang dần chiếm lĩnh thị trường taxi tại hơn 200 thành phố thuộc 53 quốc gia trên toàn cầu. Không những thế, Uber cũng đã nhận hơn 300 triệu USD từ các công ty đầu tư mạo hiểm như Google Ventures, Benchmark, cùng các nhà đầu tư cá nhân như Jeff Bezos – CEO của Amazon.com. XU HƯỚNG “UBER HÓA” trong LĨNH VỰC LOGISTICS Tại các quốc gia có mạng lưới logistics chưa phát triển, việc “Uber hóa” lĩnh vực này sẽ giúp các cá nhân và DN tổ chức dòng vận động của hàng hóa một cách tối ưu hơn thông qua việc giảm đáng kể hành trình không tải (hành trình ngược lại khi xe di chuyển mà không có hàng); từ đó góp phần tăng năng suất, giảm chi phí vận tải, giảm mật độ lưu thông, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Theo dự báo của các chuyên gia về công nghệ, với những ưu điểm vượt trội đó, năm 2015 sẽ xảy ra hiện tượng “Uber hóa” lĩnh vực logistics tại rất nhiều quốc gia. Bằng chứng của dự báo này là việc Uber đã và đang nghiên cứu mở rộng dịch vụ vận tải hàng hóa chứ không chỉ là vận tải hành khách để kết nối các phương thức kinh doanh vận tải. Chẳng hạn như, hiện tại Uber đang thử nghiệm giao hàng cho website bán hàng trực tuyến lớn nhất thế giới Amazon. Uber cũng vừa hợp tác với Kiehl’s và aCommerce để phân phối các sản phẩm của Kiehl ở Bangkok. Tại Philippines, Uber đã phối hợp với LBC Express – một trong những công ty vận chuyển hàng hóa và dịch vụ logistics lớn nhất Philippines – để giao quà giáng sinh theo yêu cầu của khách hàng. Ngoài ra, Uber đã bắt đầu triển khai kết nối giao nhận vận tải hàng hóa đường bộ tại Hồng Kông, góp phần làm giảm chi phí vận tải và giá cả các loại thực phẩm. Việc kết nối vận tải hàng hóa bằng trực thăng, đường biển cũng đang được Uber thí điểm tại 6 quốc gia. Thêm vào đó, Uber sẽ nhận khoảng 600 triệu USD từ Baidu của Trung Quốc để thúc đẩy mở rộng thị trường của họ ở châu Á. Đặc biệt, gần đây Uber cũng đã mở một dịch vụ chuyển phát nhanh UberRUSH. Đây là những lĩnh vực rất tiềm năng, đáp ứng được nhu cầu của người dân và các DN. UBER TẠI VN Uber đã chính thức có mặt ở thị trường VN vào tháng 6.2014 tại TP.HCM và cuối tháng 10.2014 tại Hà Nội. VN được đánh giá là một thị trường có tiềm năng rất lớn đối với Uber do dân số đông, nhu cầu vận tải cao, mạng lưới giao thông chưa hoàn thiện và đặc biệt là số lượng người sử dụng Internet và smartphone tăng nhanh chóng. Những yếu tố này sẽ tạo cơ hội về thị trường cho Uber phát triển. Nhưng cũng giống như ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, Uber đang phải đối diện với những vấn đề liên quan đến tính pháp lý và phản ứng của loại hình kinh doanh vận tải truyền thống như taxi tại VN. Bởi lẽ, hiện tại, VN chưa có hệ thống văn bản pháp luật nào quy định về loại hình kinh doanh như của Uber, đồng thời với ưu thế về giá cước và sự tiện lợi Uber và một số mô hình kinh doanh tương tự khác như Grabtaxi, Easytaxi đã và đang tạo ra áp lực cạnh tranh trực tiếp đối với các loại hình vận tải truyền thống. Tuy nhiên, với những ưu thế mà Uber có thể mang lại trong việc đáp ứng nhu cầu vận tải một cách thuận lợi, hiệu quả cho người dân và các DN, đặc biệt là khả năng kết nối các chủ thể và loại hình phương tiện để giải quyết bài toán logistics đô thị thì VN không nên cấm loại kinh doanh vận tải như Uber. Vấn đề quan trọng là chúng ta phải tạo ra được một hành lang hoạt động thuận lợi để có thể quản lý tốt những loại hình kinh doanh này và đảm bảo sự an toàn cho người sử dụng dịch vụ của Uber. Cụ thể các công cụ quản lý cần tập trung vào một số vấn đề cơ bản như sau: – Yêu cầu Uber chỉ ký hợp đồng với DN có giấy phép kinh doanh vận tải đáp ứng các yêu cầu về phương tiện, con người và các quy định được nêu tại Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ban hành ngày 10.9.2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. – Đảm bảo Uber phải đóng thuế VAT và thuế thu nhập DN đầy đủ, theo đúng quy định của pháp luật hiện hành; tránh tình trạng trốn thuế hoặc chuyển giá gây thất thoát nguồn thu cho Nhà nước. – Yêu cầu Uber cung cấp giá cước vận tải rõ ràng (bao gồm cả giá cước giờ cao điểm), đảm bảo không phá giá dịch vụ vận tải và lợi dụng sức mạnh độc quyền khi DN này chiếm được thị phần đủ lớn. – Khuyến khích Uber sử dụng công nghệ của mình để hình thành các sàn giao dịch điện tử cho dịch vụ vận tải hoặc trung tâm logistics đô thị nhằm kết nối các loại hình vận chuyển, góp phần giải quyết bài toán vận tải tại các thành phố lớn của VN như Hà Nội và TP.HCM. – Thực hiện việc thanh tra đột xuất và định kỳ đối với các DN kinh doanh vận tải sử dụng Uber. Rõ ràng, sự ra đời của Uber đã tạo ra một bước đột phá về công nghệ và dịch vụ đối với hoạt động vận tải và xu hướng “Uber hóa” lĩnh vực logistics chắc chắn sẽ diễn ra trong tương lai không xa. Do đó, hơn lúc nào hết chúng ta cần nghiên cứu kỹ về xu hướng này và nhanh chóng ban hành những quy định liên quan đến việc ứng dụng Uber trong lĩnh vực vận tải Trần Thị Thu Hương
Theo vlr |