Trên thế giới hiện nay, Logistics (dịch vụ đa phương thức) đã được xác định là một ngành kinh tế quan trọng mang tính đặc thù của hệ thống cảng biển. Đối với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, một tỉnh có lợi thế về các cảng nước sâu, logistics đã được xác định là động lực, nguồn lực phát triển mới nên tỉnh đã phê duyệt “Đề án Phát triển dịch vụ Logistics từ 2011 đến 2020”. Tuy nhiên, cho đến nay, việc triển khai ngành công nghiệp dịch vụ mới này ở tỉnh vẫn rất chậm chạp.
Hệ thống Logistics hiện đại là hình thức cung cấp dịch vụ trọn gói, bao gồm hoạt động vận tải quốc tế với các hệ thống thông tin được tích hợp ở mức độ tiêu chuẩn giữa các hoạt động quản lý kho hàng và vận tải. Trong số hơn 20 cảng nước sâu đang hoạt động trên sông Thị Vải huyện Tân Thành, chỉ có 4 cảng thuộc Công ty cổ phần Tân Cảng- Cái Mép là đạt hiệu quả do đã triển khai được các chuỗi cung ứng dạng logistics.
Ngoài hệ thống cầu tàu chuẩn, hệ thống kho bãi trung chuyển 13 ngàn m2, công ty xây dựng hệ thống tiếp vận với các loại phương tiện thủy- bộ phục vụ cho các chủ hàng các tỉnh miền Đông Nam bộ. Năm nay, công ty sẽ đạt khoảng 900 ngàn TEU container, tăng 40% so với năm ngoái.
Ông Cao Xuân Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Tân Cảng- Cái Mép, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho biết, để phát triển dịch vụ Logistics, quan trọng là nguồn hàng, việc phủ đầy khu công nghiệp phải quan tâm đầu tư.
“Bà Rịa – Vũng Tàu có lợi thế khu công nghiệp, được đầu tư tương đối đầy đủ về mặt hạ tầng, tuy nhiên chưa có cơ chế thu hút các nhà đầu tư họ đầu tư, xây dựng phủ đầy hơn. Hai nữa là kết nối giao thông, phục vụ logistics, cần phải khẩn trương đầu tư”, ông Dũng chỉ rõ.
Tuy nhiên, ngoài công ty này, các công ty khác của tỉnh đang trong tình trạng “ngả cờ im trống”. Nhiều cảng nằm không chờ hàng, chờ tàu, nhiều nhà sản xuất phải tăng chi phí lưu thông phân phối.Lý do chính là thiếu nguồn hàng, thiếu sự đầu tư chuỗi cung ứng logistics. Chính sách về thuế, phí, lệ phí, giá thuê hạ tầng của tỉnh chưa hấp dẫn để lôi kéo các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp. Hàng hóa xuất xứ từ tỉnh xuất khẩu qua cảng chỉ chiếm 10% tổng sản lượng hàng hóa xuất khẩu. Chân hàng ở tỉnh chủ yếu là hàng công nghiệp nặng như sắt thép, không phải là hàng công nghiệp nhẹ, công nghiệp phụ trợ, gia dụng như các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương; Trung tâm sản xuất, phân phối nguồn hàng vẫn tập trung chủ yếu ở TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương.
Hạ tầng giao thông chưa kết nối đồng bộ đến các cảng. Công trình đường liên cảng 18 km vẫn chưa hoàn thành; Trung tâm logistics tập trung quy mô cấp vùng Cái Mép Hạ rộng 800 ha vẫn còn trên giấy…Chi phí cho vận tải đường bộ qua quốc lộ 51 còn cao, nhiều chủ hàng chọn cách chuyển tải hàng bằng sà lan từ Thị Vải qua sông Đồng Tranh kết nối với các cảng TP HCM vì hiệu quả hơn vận tải đường bộ.
Do dịch vụ giao nhận container ở tỉnh chưa có nên nhiều chủ hàng phải vận tải hàng ngược lên TP HCM đóng gói xuất qua cảng Cát Lái vừa tiện, chi phí lại rẻ hơn. Nhìn sang nước bạn, khi phát triển cảng Laem Chabang ở Thái Lan hay cảng Tanjung Pelepas ở Malaysia, chính phủ các nước này đã áp đặt chính sách dồn tàu và hàng cho các cảng mới này, nhằm tạo điều kiện để thu hút các hãng tàu vào làm hàng, làm tiền đề cho cảng phát triển.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần tư vấn thiết kế cảng- kỹ thuật biển (Portcoast) cho biết, cần phải có chíến lược cụ thể đề phát triển nguồn hàng tại chỗ tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Hơn nữa cần có chính sách mang tầm quốc gia đề tận dụng được độ sâu, cũng như quy mô của các cảng lớn ở đây. Điều này sẽ có thể trực tiếp đưa hàng hóa xuất khẩu đi thẳng sang châu Âu và châu Mỹ mà không phải trung chuyển qua các trung tâm trung chuyển của khu vực.
Từ kinh nghiệm nước bạn và từ thực trạng hiện nay, để logistics nhanh chóng triển khai trên địa bàn, cần phải có chính sách mang tầm quốc gia. Làm sao để tận dụng độ sâu, qui mô lớn của các cảng ở Thị Vải- Cái Mép để tàu cỡ 100.000 tấn chở nguồn hàng trực tiếp đi thẳng đến các cảng châu Âu, châu Mỹ mà không cần phải qua cảng trung chuyển. Đây là lợi thế mà các cảng ở TP HCM không thể có được.
Ngoài ra, việc tập trung các đầu mối phân phối hàng hóa vào một khu vực như TP HCM cũng dẫn đến hiện tượng rối loạn giao thông, ảnh hưởng chất lượng hạ tầng như hiện nay…
Từ nay đến năm 2015, hàng container dự báo qua cảng biển Việt Nam sẽ đạt khoảng 12 triệu TEU, đến năm 2020 sẽ đạt 19 triệu TEU, nếu không giải quyết các vướng mắc để xây dựng và vận hành tốt hệ thống logistics, các cảng nước sâu Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ bỏ qua cơ hội làm ăn lớn./.