Bán sân bay, cảng biển: Nguy cơ tăng phí vô tội vạ

“Sau khi nhượng quyền khai thác là không để chủ khai thác nâng phí vô tội vạ trên những con đường mà dân, DN bắt buộc phải đi”.

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội, ngày 23/5, khi trao đổi với báo chí về việc “bán” sân bay, cảng biển.

Bên cạnh đó, ông cho rằng, việc chuyển nhượng như vậy phải kiểm soát để không tạo ra độc quyền, tạo ra gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp.

Ông Phúc cho biết: “Thực ra, một số trường hợp từ ngữ dùng chưa chính xác như là “bán” sân bay, “bán” bến cảng nên đã gây hiểu lầm, lo ngại. Từ chính xác ở đây là nhượng quyền khai thác. Và không phải chúng ta “bán” hết cả sân bay hay bến cảng. Trong nhượng quyền, phải phân loại tài sản, có chọn lọc chứ không phải cái nào cũng cho nước ngoài khai thác”.

 

Thế nhưng, phải cân bằng các lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và đặc biệt là lợi ích của người dân. Phải có giải pháp để kiểm soát không tạo ra độc quyền, tạo ra gánh nặng cho người dân.

Ví như một con đường do Nhà nước đầu tư, bây giờ Nhà nước cần chuyển nhượng quyền khai thác để lấy vốn đầu tư vào con đường khác. Đó là chủ trương rất đúng, giải pháp hay.

Trước đó, vấn đề chuyển nhượng quyền khai thác sân bay, nhà ga hành khách cũng đã được các chuyên gia hàng không bày tỏ lo ngại ưu thế độc quyền, tăng giá vé.

Tiêu biểu là ngày 23/3, Bộ trưởng Thăng đã kiến nghị Thủ tướng việc nhượng quyền khai thác cảng hàng không Phú Quốc theo hình thức hợp đồng Kinh doanh – Quản lý (hợp đồng O&M).

Hai hãng hàng không cùng xin mua nhà ga hành khách T1

Hai hãng hàng không cùng xin mua nhà ga hành khách T1

Chủ trương thí điểm nhượng quyền quản lý, khai thác sân bay Phú Quốc cho các nhà đầu tư trong nước, giá trị nhượng quyền sẽ được dùng để tạo nguồn kinh phí đầu tư vào Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Một diễn biến liên quan khác, ngày 2/3, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa có đề xuất gửi Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng xin mua nhà ga hành khách T1-Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài để quản lý điều hành và sử dụng phục vụ cho hành khách, chuyến bay đi/đến (quốc nội) sân bay Nội Bài.

Cách đó không lâu, Công ty cổ phần Hàng không Vietjet cũng có đề xuất tương tự và Bộ trưởng Thăng đã yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thí điểm bán dứt điểm quyền khai thác sảnh E sân bay quốc tế Nội Bài cho hãng hàng không Vietjet Air.

Về vấn đề này, ông Lê Trọng Sành – Nguyên trưởng phòng quản lý bay sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, bày tỏ sự không đồng tình nếu cho phép VNA khai thác độc quyền nhà ga T1.

Bởi lẽ, “từ đó, VNA không phát triển hệ thống ngành hàng không, cứ tự tin một mình một chợ, không có sự cạnh tranh giá vé, dần dần thị trường hàng không chất lượng sẽ giảm”.

Cùng quan điểm, chuyên gia Nguyễn Thiện Tống – Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Hàng không, trường ĐH Bách khoa TP.HCM cho biết: “Hiện nay, ở các nước cũng có việc cạnh tranh quyền khai thác các nhà ga hành khách, nhưng các hãng cạnh tranh công bằng. Vì thế, nêu hầu hết tất cả các nhà ga đều được nhượng lại cho các hãng bay nhỏ, khai thác 1 phần”.

Bởi theo ông Tống thì nếu như 1 hãng mua toàn bộ, thì sẽ biến thành độc quyền, lúc đó thị trường giá vé sẽ bị thao túng.
Mà đã đi vào độc quyền, đang độc quyền mà còn độc quyền lớn hơn, thì sẽ vô cùng khó khăn. Lúc đó, VNA một mình một sân, hành khách có muốn đi thì đi, không thì mặc kệ, các hãng khác muốn vào cạnh tranh thì cũng phải bỏ thêm các loại tiền thương phí. Khi đó, điều tất yếu giá vé cho hành khách phải tăng lên để bù cho chi phí ban đầu, người cuối cùng chịu thiệt lại là người sử dụng dịch vụ”.Mặt khác, nếu như mua được toàn bộ nhà ga hành khách T1, chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn lo ngại: “Chắc chắn sẽ thêm sự độc quyền, cũng không có cửa cho các đối thủ cạnh tranh với VNA. Đơn giản, VNA chỉ cần nâng tiền hạ cánh, cất cánh, các thủ tục, vì họ là người kiểm soát cơ sở hạ tầng, lúc đó các hãng bay khác sẽ vô cùng khó khăn.

Giải thích tất cả những lo ngại này, tại buổi họp bàn về việc xã hội hoá đầu tư nhà ga, cảng hàng không ngày 2/4, Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh: “Chúng ta đừng sợ độc quyền vì còn hợp đồng, có điều khoản rõ ràng… Chuyển nhượng quyền khai thác nhưng phải đảm bảo vai trò quản lý Nhà nước, chỉ chuyển nhượng sân bay, còn các hạng mục khác như đường lăn, đài không lưu, cấp phép bay, giá cả sẽ do Nhà nước quản lý.

Không có chuyện tùy tiện nâng giá. Chỉ chuyển nhượng quyền khai thác, trên quy tắc làm nhanh nhưng hiệu quả, phải đúng quy định của pháp luật”.

Thái Linh (Tổng hợp TPO, ĐVO)