Nhiều FTA được ký, hàng xuất khẩu VN sẽ thêm rủi ro?

Việt Nam tham gia đàm phán và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) đem lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, nhưng cũng có thể làm gia tăng các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam ở các nước đối tác trong FTA.

Tại hội thảo “Việt Nam trong thế giới thương mại không biên giới – Cơ hội và thách thức” do công ty tư vấn luật Mayer Brown và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TPHCM tổ chức hôm qua, ông Matthew J. McConkey, luật sư thành viên của Mayer Brown tại Mỹ cho biết, với việc có thêm nhiều FTA, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng lên nhưng cũng sẽ có thêm nhiều khả năng doanh nghiệp Việt Nam bị kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp. Bởi lẽ, tăng xuất khẩu vào một nước sẽ khiến ngành sản xuất trong nước đó cảm thấy bị đe doạ.

Theo bà Phạm Châu Giang, Trưởng phòng điều tra vụ kiện phòng vệ thương mại của doanh nghiệp trong nước, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), thông thường chu kỳ của các vụ kiện phòng vệ thương mại (như kiện chống bán phá giá – CBPG) không liên quan đến các FTA mà liên quan đến chu kỳ kinh tế. Tức là, giai đoạn nào mà các nền kinh tế gặp khó khăn họ sẽ sử dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại.

Tuy nhiên, các thống kê, như đối với khu vực ASEAN, lại cho thấy các FTA ảnh hưởng lớn đến biện pháp phòng vệ thương mại, bà Giang cho biết thêm. Chẳng hạn, với Malaysia, từ năm 2007 đến 2011, nước này không điều tra bất kỳ vụ kiện CBPG nào. Tuy nhiên, khi hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA) có hiệu lực từ tháng 5-2010, trong một năm đầu, do giảm thuế nhập khẩu, doanh nghiệp Malaysia bị ngấm đòn, chịu sức ép từ hàng nhập khẩu, nên cuối năm 2011, nước này đã chuẩn bị rất nhiều hồ sơ khởi kiện đối với hàng hoá nhập khẩu.

Trong năm 2012, Malaysia đã tiến hành 11 vụ điều tra chống bán phá giá, 8 vụ trong năm 2013. Trong năm 2014, nước này cũng tiến hành 8 vụ kiện chống bán phá giá từ Indonesia, Trung Quốc, Hàn Quốc – tức các đối tác FTA.

Theo bà Giang, các đối tác FTA sắp tới của Việt Nam như Mỹ và Nga là những nước đã tiến hành nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, do đó khi xuất khẩu vào các nước này doanh nghiệp phải chú ý và chuẩn bị (chẳng hạn như có một bộ phận phụ trách riêng về phòng vệ thương mại) vì có khả năng các vụ kiện đối với hàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam vào hai nước này sẽ tăng lên. Trong khi đó, Hàn Quốc là nước định hướng xuất khẩu, hàng hoá nhập khẩu là để phục vụ sản xuất trong nước, nên họ ít tiến hành các vụ kiện phòng vệ thương mại.

Một khi bị kiện, doanh nghiệp sẽ thấy rất phiền toái, nhưng nếu doanh nghiệp không theo đuổi vụ kiện, họ có thể bị mất thị trường xuất khẩu. Và sau khi từ bỏ thị trường này, chuyển sang thị trường khác, thì khoảng 2 năm sau đó dù ở bất cứ thị trường nào doanh nghiệp này cũng sẽ gặp phải một vụ kiện tương tự, bà Giang cho biết.

Ngoài ra, theo ông Matthew J. McConkey, trong nhiều năm qua Việt Nam đối mặt nhiều vụ kiện từ châu Âu, Mỹ, và các nước láng giềng, chẳng hạn cách đây vài tuần Việt Nam bị kiện từ Malaysia (Bộ Công nghiệp và Thương mại Quốc tế Malaysia hôm 28-4 khởi xướng điều tra chống bán phá giá thép cuộn sơn phủ màu nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc). Một trong những nguyên nhân hàng hoá Việt Nam hay bị kiện là do Việt Nam vẫn bị xem là nền kinh tế phi thị trường.

Đến hết năm 2018, tức đầu năm 2019, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ phải xem Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, ông Matthew J. McConkey băn khoăn không biết liệu đến năm 2019 Mỹ có xem Việt Nam là nền kinh tế thị trường hay không.

“Nếu đến năm 2019 mà Mỹ vẫn xem Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường thì có thể sẽ có một vụ kiện từ Việt Nam đối với Mỹ lên WTO”, vị luật sư này cho biết.

Ở chiều ngược lại, tức hàng hoá xuất khẩu vào thị trường Việt Nam, bà Giang cho biết, với hầu hết các hiệp định đã và chuẩn bị ký, đến khoảng năm 2020, đa số hàng hoá xuất và nhập khẩu của Việt Nam đều có thuế suất về 0%, trừ một số mặt hàng nhạy cảm như ô tô, một số mặt hàng nông nghiệp. Do đó, nếu không chuẩn bị từ bây giờ, như không tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh thì đến thời điểm này doanh nghiệp sẽ dễ gặp khó khăn.

“Phòng vệ thương mại được xem như cái van cuối cùng để doanh nghiệp sử dụng khi thuế đưa về 0%. Bản thân Chính phủ không muốn sử dụng những hàng rào thuế quan mà chúng ta đã cố gắng đàm phán để đưa về 0%, mà muốn doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, trong trường hợp doanh nghiệp cảm thấy khó khăn trong cạnh tranh thì họ có thể sử dụng các hàng rào mà WTO cho phép, đó là hàng rào kỹ thuật và phòng vệ thương mại”, bà Giang cho biết.

Sắp tới Mỹ có thể dựng hàng rào đối với hàng dệt may vào thị trường này, như hàng dệt may xuất khẩu vào đây phải có chứng nhận không sử dụng lao động trẻ em. Ngoài ra, nước này cũng sẽ tăng cường sử dụng hàng rào về bản quyền phần mềm, như mọi công đoạn sản xuất một sản phẩm may mặc, từ sản xuất sợi đến cắt may, các máy móc có liên quan đều phải sử dụng phần mềm hợp pháp, thậm chí các phần mềm trên máy tính để bàn của một nhân viên hành chính của công ty sản xuất cũng phải có bản quyền sử dụng, nếu không, hàng hoá sẽ không thể xuất khẩu vào Mỹ, theo bà Phạm Châu Giang, Trưởng phòng điều tra vụ kiện phòng vệ thương mại của doanh nghiệp trong nước, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương).