Trước những vướng mắc trong quá trình triển khai Luật Thuế XK, thuế NK và Nghị định 134/2016/NĐ-CP, Hải quan một số tỉnh, thành phố đã đề xuất một số giải pháp trong việc thực hiện quản lý hải quan đối với một số loại hình để nhằm tạo thuận lợi hơn cho cả DN và cơ quan Hải quan thực thi.
Quản lý hàng gia công
Theo phản ánh của một số Cục Hải quan, việc xử lý phế liệu, phế phẩm và nguyên liệu vật tư dư thừa NK để gia công, tại Khoản 4 Điều 10 Nghị định 134/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1-9-2016 quy định: “Phế liệu, phế phẩm và nguyên liệu, vật tư dư thừa đã NK để gia công không quá 3% tổng lượng của từng nguyên liệu, vật tư thực NK theo hợp đồng gia công được miễn thuế NK khi tiêu thụ nội địa, nhưng phải kê khai nộp thuế GTGT, thuế Tiêu thụ đặc biệt, thuế Bảo vệ môi trường (nếu có) cho cơ quan Hải quan”. Vậy trong trường hợp này DN thực hiện kê khai ra sao, có phải mở tờ khai chuyển tiêu thụ nội địa hay không?
Đề xuất giải pháp xử lý trường hợp này, một số đơn vị Hải quan cho rằng, nên quy định khi tiêu thụ nội địa DN đăng ký tờ khai mới và sử dụng mã loại hình A42 về việc mã loại hình XNK trên hệ thống VNACCS. Còn Hải quan Hải Phòng lại đề xuất, thực hiện khai thay đổi mục đích sử dụng quy định tại Điều 21 Thông tư 38/2015/TT-BTC.
Một vướng mắc nữa về quy định thời điểm và hình thức thông báo cơ sở gia công, Hải quan một số tỉnh, thành phố cho biết, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định 134/2016/NĐ-CP thì: “Người nộp thuế hoặc tổ chức, cá nhân nhận gia công lại cho người nộp thuế có cơ sở gia công, sản xuất hàng hóa XK trên lãnh thổ Việt Nam và thực hiện thông báo cơ sở gia công, sản xuất theo quy định của pháp luật về hải quan và thông báo hợp đồng gia công cho cơ quan Hải quan”, tuy nhiên lại chưa quy định cụ thể về thời điểm thông báo và hình thức thông báo cơ sở gia công, sản xuất theo quy định của pháp luật về hải quan và hợp đồng gia công cho cơ quan Hải quan.
Đề xuất xử lý vấn đề này, Hải quan Quảng Nam cho rằng, nên quy định thời điểm thông báo cho cơ quan Hải quan trước khi hai bên thực hiện gia công lại. Hình thức thông báo bằng văn bản cho cơ quan Hải quan.
Gặp vướng trong việc xác định trị giá tính thuế hàng sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp tại khu phi thuế quan, Hải quan Đồng Nai có nêu: “Trường hợp sản phẩm được sản xuất, tái chế, lắp ráp tại khu phi thuế quan có sử dụng nguyên liệu, linh kiện NK từ nước ngoài thì khi NK vào thị trường trong nước phải nộp thuế NK theo mức thuế suất, trị giá tính thuế của mặt hàng NK vào nội địa Việt Nam”. Vậy, quy định trên được hiểu là trị giá tính thuế của sản phẩm NK bao gồm cả trị giá phần nguyên liệu do nội địa cung cấp để gia công hay trị giá còn lại của sản phẩm sau khi đã trừ trị giá nguyên liệu có nguồn gốc từ nội địa như quy định tại điểm d khoản 1 Điều 11 Nghị định 134/2016/NĐ-CP(?) Đơn vị này đề nghị cần được hướng dẫn cụ thể để việc xử lý thuế được thống nhất.
Kiến nghị về quy định thông báo cơ sở sản xuất, Hải quan Bắc Ninh cho biết, tại tiết a khoản 2 Điều 12 Nghị định 134 quy định: “Tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa XK có cơ sở sản xuất hàng hóa XK trên lãnh thổ Việt Nam; có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đối với máy móc, thiết bị tại cơ sở sản xuất phù hợp với nguyên liệu, vật tư, linh kiện NK để sản xuất hàng hóa XK và thực hiện thông báo cơ sở sản xuất theo quy định của pháp luật về hải quan”. Đơn vị này thắc mắc, quy định trên có áp dụng đối với trường hợp DN NK nguyên liệu vật tư để kinh doanh nhưng đã đưa vào sản xuất và được hoàn thuế NK theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 36 Nghị định 134? Đơn vị này đề xuất, nên áp dụng quy định này cho tất cả các DN thực hiện NK nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất hàng hóa XK kể từ thời điểm Nghị định 134 có hiệu lực.
Hàng mang đi sửa chữa
Tại điểm c, Khoản 9 Điều 16 Luật Thuế XK, thuế NK và Điều 13 Nghị định 134 quy định “hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất tái nhập để bảo hành, sửa chữa thay thế” thuộc đối tượng miễn thuế.
Hải quan Hải Phòng cho rằng, Nghị định không quy định cụ thể trường hợp DN tạm xuất, tái nhập máy móc, thiết bị để sửa chữa, có hợp đồng sửa chữa, có thanh toán phí sửa chữa. Khi làm thủ tục tái nhập thì chi phí sửa chữa có thuộc đối tượng được miễn thuế? Theo đơn vị này đề xuất, nên quy định chi phí thay thế, sửa chữa thuộc đối tượng miễn thuế.
Cùng nêu vướng mắc trên, Hải quan Hà Nội nêu: Trong trường hợp hàng hóa tạm xuất ra nước ngoài để sửa chữa theo điều kiện bảo hành của hợp đồng mua bán có phát sinh linh kiện thay thế mà vẫn đảm bảo về hình dáng, công dụng và đặc tính cơ bản của hàng hóa thì có tính thuế trên linh kiện thay thế không?
Đối với hàng hóa tạm xuất ra nước ngoài để sửa chữa khi đã hết hợp đồng bảo hành (ký kết hợp đồng sửa chữa mới) khi tái nhập về Việt Nam thì phí sửa chữa của lô hàng đó có phải tính thuế? Nếu phát sinh linh kiện thay thế thì có tính thuế trên phần trị giá của linh kiện thay thế đó?
Cùng có thắc mắc này, Cục Hải quan Đồng Nai đề nghị có hướng dẫn trường hợp DN mang hàng hóa sửa chữa ở nước ngoài có bổ sung linh kiện thay thế, phát sinh chi phí sửa chữa nhưng không làm thay đổi hình dáng, công dụng và đặc tính cơ bản của hàng hóa tạm xuất và không tạo ra hàng hóa khác thì phần linh kiện thay thế và chi phí sửa chữa có được miễn thuế NK(?)
Vướng xử lý hoàn thuế
Cục Hải quan Đồng Nai cho biết, tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định: “Trường hợp mức thuế suất ưu đãi của một mặt hàng quy định tại Biểu thuế XK, Biểu thuế NK ưu đãi thấp hơn so với mức thuế suất ưu đãi đặc biệt quy định tại Biểu thuế XK, NK ưu đãi đặc biệt thì được áp dụng mức thuế suất ưu đãi.
Người nộp thuế được xử lý tiền thuế nộp thừa theo quy định của pháp luật về quản lý thuế trong trường hợp đã nộp thuế NK theo mức thuế suất ưu đãi đặc biệt cao hơn mức thuế suất ưu đãi”.
Như vậy, tại Nghị định 134 đã có cơ chế xử lý tiền nộp thừa. Tuy nhiên, đối chiếu các trường hợp được hoàn thuế tại Điều 19 Luật Thuế XK, thuế NK và Nghị định 134/2016/NĐ-CP không quy định việc hoàn tiền thuế nộp thừa. Vì vậy, đơn vị này kiến nghị hướng dẫn rõ về nội dung này.
Một vướng mắc nữa về hoàn thuế cũng được Hải quan Đồng Nai nêu ra là điều kiện hoàn thuế đối với hàng hóa NK để sản xuất, kinh doanh nhưng đã XK sản phẩm. Bởi theo quy định tại khoản 3 Điều 36 Nghị định 134/2016/NĐ-CP về hoàn thuế đối với hàng hóa NK để sản xuất, kinh doanh nhưng đã XK sản phẩm thì: “Tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa XK có cơ sở sản xuất hàng hóa XK trên lãnh thổ Việt Nam; có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đối với máy móc, thiết bị tại cơ sở sản xuất phù hợp với nguyên liệu, vật tư, linh kiện NK để sản xuất hàng hóa XK”. Hải quan Đồng Nai thắc mắc, trường hợp DN không đáp ứng điều kiện về cơ sở sản xuất để NK theo loại hình gia công, sản xuất XK phải đăng ký tờ khai theo loại hình A12, sau khi sản xuất và XK sản phẩm cũng không được hoàn thuế nguyên liệu đã NK?
Đề xuất xử lý với vướng mắc này, Hải quan Đồng Nai cho rằng, Tổng cục Hải quan xem xét hướng dẫn cụ thể trách nhiệm của cơ quan Hải quan trong kiểm tra cơ sở sản xuất đối với trường hợp hoàn thuế hàng hóa NK để sản xuất, kinh doanh nhưng đã XK sản phẩm. Trong đó, quy định rõ việc kiểm tra thực tế cơ sở sản xuất hay kiểm tra hồ sơ do DN xuất trình. Đồng thời, cần có hướng dẫn cụ thể các tiêu chí xác định cơ sở sản xuất là hợp pháp để Hải quan địa phương thực hiện.
Cùng có vướng mắc trong việc hoàn thuế, Cục Hải quan Hải Phòng nêu vướng mắc về hoàn thuế đối với hàng hóa XK phải tái nhập (Điều 33 Nghị định 134) và hàng hóa NK phải tái xuất (Điều 34 Nghị định 134) .
Đơn vị này thắc mắc, hàng hóa XK đã nộp thuế XK nhưng phải tái nhập được hoàn thuế XK và không phải nộp thuế NK… Trường hợp này, DN có công văn yêu cầu hoàn thuế hàng hóa XK thì thực hiện theo mẫu nào? Đối với hồ sơ hoàn thuế, Nghị định đã quy định gồm: 1 bản chính công văn yêu cầu hoàn thuế hàng hóa NK theo Mẫu số 09 tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định này… thì việc xử lý không thu thuế NK/XK thực hiện tại thời điểm làm thủ tục hải quan hay thời điểm nộp hồ sơ hoàn thuế XK?