Thách thức trong liên kết nông nghiệp

(TBKTSG) – Liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân không chỉ giúp giảm đi những chi phí trung gian mà còn tăng tính minh bạch về nguồn gốc sản phẩm. Nói về lợi ích liên kết, người ta có thể kể thêm nhiều điều khác nữa. Tuy vậy đến nay, mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân chưa có nhiều. Đâu là thách thức?

Trong phiên thảo luận “Xây dựng và tối ưu hóa chuỗi giá trị nông nghiệp” tại diễn đàn CEO Mekong Connect vừa diễn ra vào tuần trước tại Cần Thơ, người trong cuộc đã có những chia sẻ sâu về câu chuyện liên kết.

Liên kết với nông dân có khó?

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, chia sẻ trước đây công ty ông mua lúa về chế biến rồi xuất khẩu. Từ năm 2015, Trung An tập trung xây dựng vùng nguyên liệu cùng nông dân, sản xuất theo chuỗi liên kết theo yêu cầu của thị trường.

Cách làm của Trung An là ký hợp đồng với tổ hợp tác, hợp tác xã, hoặc với nông dân sản xuất lúa theo chuẩn VietGAP, Global GAP hoặc hữu cơ như yêu cầu của công ty đề ra. Trong đó, công ty đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Cuối vụ, công ty nhận lúa ngay tại ruộng. Lúa được cắt xong là cho xuống ghe ngay. Làm như vậy, công ty có thể quản lý chặt chẽ chất lượng đầu vào lẫn hạt gạo đầu ra. Hiện diện tích vùng lúa nguyên liệu của Trung An đã có hơn 8.000 héc ta, nằm ở bốn tỉnh: Sóc Trăng, Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ và dự kiến mở rộng lên 21.000 héc ta vào năm 2020.

Với Trung An, khó khăn chính không nằm trong mối quan hệ liên kết dọc với nông dân. Cái khó, như ông Bình chia sẻ, nằm ở câu chuyện liên kết ngang, tức liên kết giữa doanh nghiệp và nhà phân phối, chuỗi siêu thị.
Trung An không tìm được tiếng nói chung với nhiều siêu thị, ngoại trừ VinMart. Vậy là, ngoài một phần khối lượng tiêu thụ ký kết với VinMart, phần còn lại Trung An phải tự tìm đầu ra. Cách làm này đòi hỏi nhiều nguồn lực, không dễ mở rộng và cũng lắm rủi ro.

Như ông Bình nhìn nhận, khi nông dân đứng một mình, họ đối diện với rủi ro từ thị trường. Khi nông dân đứng trong chuỗi liên kết, rủi ro ấy được chuyển sang cho doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp không tìm được thị trường đầu ra, họ không dám chấp nhận rủi ro liên kết với nông dân. Và đó là lý do tại sao chúng ta có khoảng 200 hội viên trong Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhưng rất ít trong số đó thực hiện liên kết với nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu, ông Bình nhận xét.

Thách thức trong chuỗi cung ứng

Tại phiên thảo luận, bà Đỗ Thị Lan Nhi, Trưởng phòng Kiểm soát chất lượng VinEco, chia sẻ từ tháng 9-2016, VinEco liên kết và hỗ trợ cho 1.000 hộ sản xuất nông sản sạch.
Với hàng chục loại rau củ quả do nông dân sản xuất, VinEco không thể lo tất tần tật các khâu giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật như Trung An mà chỉ có thể yêu cầu nông dân sản xuất theo những chuẩn an toàn công ty đề ra.

VinEco hiện có 6 điểm thu mua sơ chế rồi đưa vào kho lạnh, sau đó chuyển đến kênh phân phối. Điểm vướng của VinEco, theo bà Nhi, không chỉ nằm ở khâu kiểm tra sản phẩm mà còn nằm ở khâu đóng gói và vận chuyển sản phẩm.

Bà Nhi cho biết, về nguyên tắc, doanh nghiệp luôn muốn đóng gói sản phẩm gần kênh tiêu thụ để đảm bảo thời gian từ lúc đóng gói đến tay người tiêu dùng là ngắn nhất. Thế nhưng mong muốn này gặp phải một thách thức lớn. Đóng gói gần điểm tiêu thụ, tạm gọi điểm A, đồng nghĩa với việc sản phẩm phải được vận chuyển từ điểm thu mua, sơ chế ở ngoại thành vào điểm A. Trong quá trình vận chuyển, một tỷ lệ nhất định sản phẩm bị hư hỏng, chuyển thành phế phẩm. Những phế phẩm phát sinh này trở thành rác và công ty phải vận chuyển ngược ra ngoại thành để tiêu hủy; lại tốn thêm chi phí.

Tỷ lệ hao hụt này, như ông Julien Brun, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn CEL, chuyên hoạt động trong mảng logistics, dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho biết, trung bình từ 25-30% nhưng trên thực tế có thể lên đến trên 40%.

“Khi sản phẩm bị hao hụt 40%, đồng nghĩa với việc bạn phung phí 40% diện tích đất khai thác hoặc lãng phí 40% sức lao động”, ông Brun đưa ra một góc nhìn so sánh đáng chú ý về tỷ lệ hao hụt. Ông cũng cho biết tổn thất trong quá trình thu hoạch, chế biến, lưu trữ, vận chuyển là một bài toán khó đối với chuỗi cung ứng nông sản Việt Nam.

Điểm sơ qua những thách thức trên để thấy con đường liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân còn rất nhiều khó khăn phía trước. Nhưng nếu không có liên kết, đừng mong xã hội có nông sản sạch”, ông Bình khẳng định. Theo ông Bình, trên bình diện chung, nông dân dù giỏi và chịu khó nhưng nếu không có doanh nghiệp lo đầu ra, họ sẽ thiếu thông tin để nhìn ra nhu cầu thị trường, họ thiếu động lực để làm sản phẩm sạch, họ thiếu kỷ luật để theo đuổi phương pháp canh tác sạch, và họ thiếu nguồn lực để có thể đạt được những chứng nhận canh tác đạt chuẩn an toàn hoặc hữu cơ.

Không có liên kết, đừng mong có nông sản sạch. Nhận xét của ông Bình có thể đụng chạm tự ái của những cá nhân đang ngày đêm nỗ lực theo đuổi phương pháp canh tác sạch và không hẳn ai cũng đồng tình. Thế nhưng nhìn nhận một cách khách quan, trên bình diện chung, nhận xét ấy không phải là vô lý.