Xây dựng chuỗi cung ứng cho nông sản xuất khẩu sẽ tránh được tổn thất

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đóng góp hơn 50% sản lượng lương thực của toàn Việt Nam, là vựa lúa, vựa cá, vựa tôm và vựa trái cây lớn nhất cả nước, nhưng thu nhập của người nông dân vẫn còn thấp, doanh nghiệp chế biến thực phẩm, xuất khẩu nông sản cũng còn gặp nhiều khó khăn do chuỗi cung ứng toàn ngành vẫn còn lỏng lẻo và rời rạc.

Cần xây dựng chuỗi cung ứng cho ngành nông nghiệp

 

Quá nhiều trung gian

Đó là nhận định được các chuyên gia của CEL Consulting -Công ty tư vấn quản lý chuỗi cung ứng, logistics tại khu vực Đông Nam Á vừa đưa ra. Theo các chuyên gia kinh tế, hướng đến năm 2020, chiến lược an ninh lương thực quốc gia yêu cầu ngành nông nghiệp ĐBSCL phải tăng sản lượng gạo từ 21 triệu tấn/năm lên 22,1 triệu tấn/năm. Tổng sản lượng thủy sản cần phải tăng 28% vào năm 2020. Để đạt được mục tiêu phát triển, ngành nông nghiệp ĐBSCL được định hướng cần phải tăng cường liên kết vùng, nâng cao năng suất và đầu tư phát triển hạ tầng giao thông.

Tuy nhiên, hiện nay chuỗi cung ứng ngành nông nghiệp có quá nhiều các bên trung gian, cụ thể là các thương lái. Thương lái là rào cản giữa nông dân và doanh nghiệp vì giá trị họ đem lại thấp nhưng lại thu lợi nhiều, trong khi người nông dân thì hoàn toàn ngược lại.

Trên thực tế, hơn 90% nông dân coi thương lái là nguồn thông tin duy nhất về thị trường, và cũng là đối tượng thu mua nông sản duy nhất của họ. Về phía doanh nghiệp, cũng chính vì không có sự tương tác với nông dân nên hầu như cũng không nắm rõ được tình hình nguồn cung. Điều này đưa đến một tình cảnh đó là “bên cung không nắm được cầu, và bên cầu không nắm được cung” gây hệ quả là doanh nghiệp không có đủ thông tin để dự báo và lập kế hoạch cung ứng hiệu quả, ảnh hưởng đến phân phối và xuất khẩu.

Đánh giá về nguyên nhân khiến chuỗi cung ứng nông nghiệp rời rạc, ông Julien Brun, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn CEL chia sẻ, so với các nước láng giềng Đông Nam Á như Philippines, Malaysia, và Thái Lan thì Việt Nam có một “tài sản” vô cùng quý giá đó là mạng lưới sông ngòi của ĐBSCL. Mạng lưới này không chỉ cung cấp nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp mà còn có tiềm năng vận chuyển nông sản rất lớn.

So với đường bộ thì đường thủy nội địa cho phép vận chuyển nông sản khối lượng lớn hiệu quả hơn rất nhiều. Tuy nhiên, hiện nay cơ sở hạ tầng đường thủy cũng như hệ thống đường nông thôn tại ĐBSCL vẫn chưa được đầu tư phát triển đúng mức. Đường thủy và đường bộ vẫn chưa kết nối chặt chẽ được với nhau để phục vụ vận tải đa phương thức. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics hiện đại cũng chưa đầu tư khai thác hệ thống sông ngòi. Những thương lái hiểu rất rõ khả năng vận tải đường thủy chính là thế mạnh của họ. Ngoài đường thủy thì cơ sở hạ tầng kho bãi, các trạm trung chuyển và vận tải đa phương thức cũng cần được đầu tư thêm.

Chuỗi cung ứng rời rạc khiến cho tốc độ ra thị trường của nông sản bị chậm lại gây tổn thất. Ông Julien Brun chia sẻ rằng hiện nay tốc độ ra thị trường của nông sản còn rất chậm là vì thương lái trực tiếp kiểm soát thu mua, gây sức ảnh hưởng lên nguồn cung và giá mua nông sản của doanh nghiệp. Không ít trường hợp thương lái có những động thái giữ hàng đẩy giá khiến cho hàng hóa bị tồn lại ở khâu trung gian khá lâu dẫn đến tỷ lệ hao hụt cao.

Ý tưởng về chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp 

Với quan điểm của một chuyên gia chuỗi cung ứng, ông Julien chia sẻ về tương lai của ĐBSCL là “Tập trung hóa sản xuất, tập trung hóa thu mua, và tập trung hóa phân phối, giảm thời gian ra thị trường của nông sản, và đáp ứng quy mô cho nghiên cứu sáng tạo”.

Hiện nay, việc tập trung hóa sản xuất đang được triển khai thí điểm bằng mô hình “cánh đồng mẫu lớn” thiên về liên kết dọc, và mô hình “hợp tác xã” thiên về liên kết ngang. Theo ông Julien, trong tương lai, việc tập trung hóa sản xuất trên diện rộng sẽ đòi hỏi kết hợp cả 2 mô hình. Khi đó hợp tác xã sẽ đóng vai trò quản lý và điều phối hoạt động sản xuất của nông dân và kiểm tra chất lượng xuyên suốt từ đầu vào và đầu ra. Còn doanh nghiệp sẽ đóng vai trò định hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường, xây dựng thương hiệu cho nông sản, và đầu tư phát triển kỹ thuật công nghệ.

Tập trung hóa thu mua đòi hỏi xây dựng một mạng lưới thu mua nông sản trên toàn vùng ĐBSCL với các trung tâm thu mua và sơ chế tại từng tỉnh. Nông sản sau khi được thu mua và sơ chế tại các trung tâm cấp tỉnh sẽ được tập trung về một đại trung tâm logistics nơi mà sản phẩm sẽ được phân luồng để chế biến, đóng gói và bao bì. Đối với mạng lưới thu mua này, việc đầu tư xây dựng hệ thống kho lạnh, kho hàng xá, trung tâm sơ chế và hệ thống vận tải đa phương thức bao gồm đường bộ và đưởng thủy nội địa là rất cần thiết.

Về vai trò của những thương lái hiện tại trong mô hình này, ông Julien cho rằng thương lái nên được tổ chức và đóng vai trò thuần túy là nhà cung cấp dịch vụ logistics cho nông sản chứ không còn giữ vai trò bán buôn như hiện nay. Với tài sản vận tải thủy-bộ sẵn có và am tường địa phương, những thương lái có một nền tảng rất tốt để phát triển thành những nhà cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp.

Theo sau mạng thu mua là mạng phân phối tập trung bao gồm một đại trung tâm phân phối và nhiều chợ đầu mối cung ứng trực tiếp đến những điểm bán tại thị trường thành thị và nông thôn, cũng như xuất khẩu.

Lê Thu