Phát triển vận tải biển: Mấu chốt là hiện đại hóa đội tàu

Ngành vận tải biển Việt Nam đang nỗ lực tái cơ cấu hướng tới mục tiêu chung là phát triển thị trường vận tải có cơ cấu hợp lý, nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm chi phí vận tải.
ttxvn_vantaibien150503
Để thực hiện điều này, ngành đã xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành hàng hải đến năm 2020; trong đó có lĩnh vực vận tải biển vừa được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt và coi đây là kim chỉ nam cho hoạt động vận tải thời gian tới.Theo Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Bùi Thiên Thu, để phát triển ngành vận tải biển, điều quan trọng nhất là hiện đại hóa đội tàu. Theo tính toán từ nay đến năm 2020, phải cần ít nhất 2 tỷ USD mới nâng cao được thị phần vận tải xuất nhập khẩu của đội tàu Việt Nam.Tuy nhiên, với tình hình ngân sách nhà nước khó khăn, không thể chỉ trông chờ vào nguồn vốn Nhà nước.

“Chính phủ đã có chủ trương xã hội hóa phát triển ngành hàng hải, chúng ta có thể kêu gọi nguồn vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân doanh nghiệp nước ngoài.

Đặc biệt, khi cho phép nhà đầu tư nước ngoài có thể góp vốn với tỷ lệ lên đến 49% sẽ thu hút nhiều nguồn lực từ nước ngoài tham gia phát triển vận tải biển của Việt Nam,” ông Thu nhấn mạnh.

Song song với đó, ông Bùi Thiên Thu cho rằng, bản thân doanh nghiệp cũng cần căn cứ vào đề án, quy hoạch phát triển ngành đã được phê duyệt; trong đó có xác định xu hướng phát triển đội tàu, loại tàu để có phương hướng đầu tư phát triển đội tàu của doanh nghiệp cho hợp lý.

Mặt khác, các doanh nghiệp cần tăng cường phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp sản xuất, xuất, nhập khẩu để chủ động tìm kiếm hợp đồng vận chuyển hàng hóa, từng bước tạo lập hệ thống dịch vụ logistics khép kín, chuyên nghiệp.

“Có thể nói, khâu yếu của đội tàu biển Việt Nam là cơ cấu đội tàu chưa được hợp lý. Hiện nay chúng ta có hơn 1.800 tàu. Tuy nhiên, số lượng tàu nhỏ, tàu hàng rời quá nhiều trong khi các tàu chuyên dụng, tàu chở container, tàu chở dầu, khí hóa lỏng chiếm rất ít,” ông Thu phân tích.

Ngoài ra, dù các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam rất nhiều, với khoảng 600 doanh nghiệp, song có trên 500 doanh nghiệp thuộc khối tư nhân và chỉ chiếm 1/4 tổng trọng tải cho thấy phần lớn doanh nghiệp trong lĩnh vực này vẫn hoạt động manh mún, nhỏ lẻ. ​

Cùng quan điểm này, ông Chu Quang Thứ, chuyên gia trong lĩnh vực hàng hải cho rằng, điểm yếu mấu chốt của ngành vận tải biển hiện nay là cách quản lý khai thác của các doanh nghiệp chưa tốt, vấn đề kết nối, liên minh giữa các hãng tàu, giữa hãng tàu và các chủ hàng chưa chặt chẽ cộng thêm các tập quán thương mại làm thị phần vận chuyển hàng xuất nhập khẩu của đội tàu Việt Nam thấp.

Một yếu tố nữa kéo theo khó khăn cho đội tàu Việt Nam là độ tuổi trung bình của đội tàu cao, hiện khoảng 17,7 tuổi trong khi tuổi trung bình của các đội tàu nước ngoài chỉ trên dưới 10 tuổi.

Theo thống kê, năm 2014, tổng sản lượng vận tải do đội tàu biển Việt Nam thực hiện ước đạt 98,5 triệu tấn (135,7 tỷ T.Km) tăng trưởng nhẹ ở mức 0,13% so với năm 2013. Hoạt động kinh doanh vận tải biển của Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn và tiếp tục đối mặt với cạnh tranh gay gắt.

Mặc dù đội tàu biển trong nước đảm nhận gần như 100% lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển, song mới chỉ đảm đương khoảng 10-12% thị phần vận tải hàng hóa của Việt Nam xuất, nhập khẩu qua đường biển.

Các tàu biển Việt Nam chủ yếu hoạt động trên các tuyến vận tải ngắn Đông Nam Á và Đông Bắc Á, chưa có tuyến chạy thẳng sang châu Âu và Mỹ, mặc dù đây là hai thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.

Bên cạnh đó, vận tải biển nội địa đang phải đối mặt với khó khăn về giá cước thấp, nguồn hàng khan hiếm và mất cân đối giữa hai chiều Bắc-Nam.

Tỷ lệ thị phần vận tải hàng hóa bằng đường biển hiện nay trong tổng sản lượng vận tải của các phương thức vận tải mới đạt gần 19%. Tỷ trọng này chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vận tải biển.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, ngành thủy sản chiếm phần lớn là các hàng đông lạnh do đó xuất khẩu chủ yếu là hàng container lạnh và qua đường biển là chính.

Tuy nhiên với chi phí vận tải của Việt Nam khá cao do chi phí dịch vụ hỗ trợ vận tải (chi phí logistics) còn cao hơn các nước khác trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc, Singapore… nên các doanh nghiệp xuất khẩu còn gặp khó khăn.

Đặc biệt thời gian qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu còn bị các hãng tàu, đại lý các hãng tàu nước ngoài áp một số loại phí, lệ phí mới rất cao.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực vận tải biển cho rằng, các tuyến biển xa là thị trường cạnh tranh rất mạnh, vì vậy cần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu để duy trì đội tàu làm trọng tâm, từng bước nâng dần hiệu quả, tạo cơ sở để phát triển trong giai đoạn sau khi thị trường vận tải biển thế giới phục hồi.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước cũng đang tích cực nâng cao công tác quản lý nhằm tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp.

Ông Nghiêm Quốc Vinh, Phó Giám đốc Cảng vụ hàng hải Hải Phòng cho biết, thời gian qua cảng vụ đã thực hiện thí điểm thủ tục xuất nhập cảnh và quá cảnh cho tàu thuyền ra vào trong khu vực trên cổng thông tin điện tử quốc gia đồng thời áp dụng hệ thống văn phòng điện tử trong việc xử lý các văn bản đến/đi của doanh nghiệp. Điều này đã tạo điều kiện rút ngắn thời gian làm thủ tục cho các chủ tàu ra vào các cảng.

Theo chuyên gia Chu Quang Thứ, việc gia nhập cộng đồng kinh tế chung ASEAN cũng như cam kết chung của Việt Nam trong WTO là cơ hội cũng như là thách thức cho các doanh nghiệp vận tải biển của Việt Nam.

Tuy nhiên với năng lực của các doanh nghiệp hiện nay thì cần hết sức nỗ lực và cố gắng, đặc biệt trong việc tìm hiểu luật pháp quốc tế cũng như các thông lệ kinh doanh khai thác vận tải biển trong khu vực./.