(TBKTSG Online) – Tình trạng các nhà sản xuất ở trong nước tiếp tục chọn các công ty vận tải biển nước ngoài đảm nhận việc xuất nhập khẩu hàng hóa của mình dẫn đến các công ty Việt Nam hoạt động trong ngành này thất thế ngay trên sân nhà.
Ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), nói tại một buổi họp báo hôm nay, 3-8, rằng dù các công ty vận tải biển nước ngoài tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 3-4% số lượng công ty hoạt động lĩnh vực này ở trong nước nhưng họ lại xử lý hơn 80% lượng hàng nhập khẩu và xuất khẩu của cả nước.
Hiện có khoảng 40 công ty vận tải biển nước ngoài tại Việt Nam, và họ chủ yếu kết nối thương mại với thị trường Mỹ và châu Âu.
Trong khi đó, hơn 1.300 công ty logistics trong nước chỉ tập trung thị trường nội địa hoặc những thị trường xuất khẩu trong khu vực, ông Quang nói tại buổi họp báo chủ đề: “Logistics đường tới ASEAN + 6 sau khi thành lập AEC” để giới thiệu về Hội chợ “TILOG – LOGISTIX 2015” về cung ứng dịch vụ logistics và công nghệ intralogistics diễn ra tại Bangkok (Thái Lan) từ ngày 2 đến ngày 4-9 tới.
“Hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp logistics Việt Nam chủ yếu vận tải nội địa, tuyến quốc tế gần và vẫn là “gia công” cho các doanh nghiệp lớn nên tính chủ động bị hạn chế,” ông Quang nói.
Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong ngành này là doanh nghiệp vừa và nhỏ với quy mô vốn thấp ở mức khoảng 6-7 tỉ đồng/doanh nghiệp, trong khi việc đầu tư một kho bãi đòi hỏi lên đến hàng triệu đô la Mỹ. Do vốn ít, cơ cấu tổ chức doanh nghiệp đơn giản, không tổ chức được các văn phòng đại diện ở nước ngoài… nên các công việc ở nước ngoài đều phải thông qua các đại lý của các công ty đa quốc gia. Điều này dẫn đến đa số các doanh nghiệp chỉ làm đại lý cho các đối tác nước ngoài có mạng lưới toàn cầu.
Một yếu tố khác dẫn đến việc vận chuyển hàng xuất nhập khẩu thuộc về phía doanh nghiệp nước ngoài là do hầu hết các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam hiện nay đều mua bán hàng theo phương thức mua CIF, bán FOB, tức người mua/bán hàng Việt Nam không có trách nhiệm thuê tàu mà chỉ chịu trách nhiệm giao/nhận hàng hóa tại kho bãi cảng Việt Nam, còn quyền chủ động chọn tàu vận tải là do đối tác nước ngoài quyết định.
Hiện tượng nhiều doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu chưa thật an tâm vào đội tàu biển Việt Nam từ lịch trình đến chất lượng tàu và cung cấp dịch vụ cũng dẫn đến hiện tượng doanh nghiệp logistics trong nước thua ngay trên sân nhà, ông Quang nói.
Mặc dù vậy, tại họp báo, các chuyên gia trong ngành đánh giá ngành logistics Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển và mở rộng thị trường, nhất là trong bối cảnh sắp hình thành cộng động kinh tế chung ASEAN (AEC) vào cuối năm nay cũng như những hiệp định thương mại tự do (FTA) ký với các nước, giúp việc lưu chuyển hàng hóa tăng lên.
Do đó, để tồn tại và phát triển, các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp logistics phải tự nâng tầm, liên kết hợp tác và có những bước đi chiến lược, tìm cách tăng vốn để đầu tư thêm cơ sở vật chất, phát triển và củng cố dịch vụ, nâng cao sức cạnh tranh.
Đẩy mạnh hợp tác logistics Việt Nam – Thái Lan
Tại họp báo trên, các chuyên gia về logistics cũng thảo luận về việc đẩy mạnh hợp tác logistics giữa Việt Nam và Thái Lan. Về việc thúc đẩy năng lực cạnh tranh của ngành logistics trong ASEAN + 6 (gồm ASEAN và sáu nước gồm Hàn Quốc, Nhật, Trung Quốc, Úc, New Zealand, Ấn Đô), ông Đỗ Xuân Quang cho rằng trong những năm tới ASEAN sẽ trở thành khu vực phát triển trọng điểm về vận tải và logistics, và khi được quản lý hiệu quả sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển hàng hóa qua khu vực này, giúp hình thành các tuyến đường vận chuyển nhanh hơn và hiệu quả hơn, góp phần rất lớn vào việc phát triển nền kinh tế của ASEAN. Trong khi đó ông Thong Tangsritrakul, Phó Chủ tịch Liên đoàn Logistics Thái Lan, nhấn mạnh rằng kết nối là chìa khóa thành công cho việc thúc đẩy năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực logistics của các quốc gia thuộc khối ASEAN +6. “Khi chúng ta quan tâm và sẵn sàng kết nối, mọi thứ sẽ được thực hiện một cách chặt chẽ hơn”. Còn theo bà Malinee Harnboonsong thuộc Tổng lãnh sự quán Thái Lan tại TPHCM, thì Thái Lan là một trong những trung tâm vận tải & logistics quan trọng của ASEAN và là quốc gia hàng đầu về lĩnh vực logistics tại Đông Nam Á. Do logistics là một trong những chìa khóa thành công của thương mại quốc tế, Thái Lan đã và đang tích cực thực hiện những chính sách mới nhằm thay đổi hoàn toàn diện mạo của cơ sở hạ tầng vận tải đáp ứng tính cạnh tranh toàn cầu và đẩy mạnh kết nối vận tải với các quốc gia láng giềng, trong đó có Việt Nam. Tại cuộc họp, bà Malinee cũng kêu goi các doanh nghiệp logistics Việt Nam tham gia triển lãm “TILOG – LOGISTIX 2015” sẽ diễn ra tại Bangkok (Thái Lan) từ ngày 2 đến ngày 4-9 tới. Triển lãm thu hút khoảng 420 thương hiệu toàn cầu từ 25 quốc gia. Hiện tại, Thái Lan đứng thứ 35 và Việt Nam đứng thứ 48 trong tổng số 160 quốc gia thành viên của Ngân hàng Thế giới về chỉ số Logistics. |