Cần tránh điệp khúc “không thể không xây”!

68c16_ktsg_ko_the_ko_xay_200Không ít lần công luận được nghe những tuyên bố kiểu như “không thể không xây!” của một số quan chức về những dự án cơ sở hạ tầng lớn của đất nước. Thông thường, những tuyên bố này được đưa ra như để buộc chấm dứt cuộc tranh luận giữa một bên là những người khởi xướng, đề xuất dự án – thường là các cơ quan hữu quan của Chính phủ, và một bên là những tổ chức và cá nhân phản biện, bao gồm giới chuyên gia độc lập.

Không hiếm khi những cuộc tranh luận này kéo dài hàng năm, mà phần yếu thế thường nghiêng về phía khởi xướng và vì thế mà buộc những quan chức đứng đầu liên đới phải ra một tuyên bố nửa như kết luận, nửa như mệnh lệnh bảo vệ tính cấp thiết của các dự án đó.

Để chuyện đúng sai ở nhiều khía cạnh của từng dự án trong các cuộc tranh luận sang một bên, điều ta có thể nói ngay được rằng thêm bất cứ một dự án hạ tầng cơ sở nào thì đều là tốt cho nền kinh tế dưới ý nghĩa là “không bổ chỗ nọ thì cũng bổ chỗ kia”.

Việc xây dựng các công trình này sẽ tạo ra công ăn việc làm, tạo nguồn thu thuế, kích hoạt các hoạt động kinh tế liên quan, cải thiện sự thông thương, đi lại, gia tăng sự năng động và cơ hội phát triển kinh tế vùng, ngành…

Một sân bay mới như Long Thành rõ ràng, dù ít hay nhiều, sẽ tăng thêm lựa chọn cho các hãng bay và người sử dụng. Tương tự như vậy, một đường tàu cao tốc Bắc Nam sẽ mang đến một lựa chọn mới cho người sử dụng, dù có thể chỉ là chủ yếu cho người có tiền, giảm tải giao thông, đặc biệt vào những mùa cao điểm… Bởi vậy, mọi dự án hạ tầng cơ sở đều có thể coi là cần thiết, có ý nghĩa, và vì thế đúng như với tuyên bố kiểu như trên.

Nhưng, với cùng một logic, trong xã hội sẽ còn nhiều việc “không thể không xây” khác, cần phải xem xét và quyết định cùng một lúc. Chỉ cần làm phép thử bằng cách để cho các địa phương tự do đề xuất các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, dân sinh… thì có lẽ chúng ta sẽ nhận được một danh sách dài dường như không có điểm kết các loại dự án mà cái nào đọc cũng đều thấy tính cấp thiết “không thể không xây” được!

Mọi việc sẽ không thành vấn đề cho dù có hàng loạt dự án cấp thiết kiểu này nếu như Việt Nam có nguồn tài chính dồi dào, Chính phủ không phải canh cánh nỗi lo nợ công và đang phải đau đầu nghĩ ra cách làm thế nào để đẩy mạnh chi tiêu để kích cầu.

Nhưng thực tế đáng tiếc là điều ngược lại. Vì thế, với một nguồn lực rất hữu hạn như ở Việt Nam hiện nay, cái sự “không thể không xây” của các dự án này, cứ giả thiết tiếp là các luận chứng kinh tế và kỹ thuật của chúng đều đúng hết, cũng cần phải theo một trình tự ưu tiên. Sẽ có cái “không thể không xây” cần làm ngay trước tiên và “cái không thể không xây” cần làm thứ hai…

Vận điều trên vào tình hình hiện tại, với những dự án cơ sở hạ tầng “không thể không xây” hiện nay, liệu các cơ quan hữu quan đã chứng minh được rằng chúng là những dự án phải làm ngay từ bây giờ, trước tất cả các dự án hiện tại và sẽ hình thành trong tương lai khác, ở trong các ngành và lĩnh vực khác không?
Cụ thể hơn, liệu họ có chứng minh được rằng việc xây, ví dụ, đường sắt cao tốc là quan trọng, cấp thiết và mang lại nhiều ý nghĩa kinh tế và xã hội hơn so với những dự án xây bệnh viện nhằm giảm quá tải, xóa bỏ cầu khỉ, cầu tạm, làm đường nông thôn và miền núi, hay thậm chí là so với việc cải tạo và nâng cấp chất lượng hoạt động và phục vụ của hệ thống đường sắt hiện thời?

Nếu không chứng minh được thì xin đừng tuyên bố “không thể không xây” theo cái nghĩa là các dự án này phải được thực thi ngay. Với những dự án đã được tuyên bố “không thể không xây” thì cần phải chấp nhận rằng chúng sẽ chỉ được xây dựng, nếu có, vào một thời điểm nào đó trong tương lai, khi có điều kiện (tức tài chính quốc gia dồi dào và không còn những dự án đáng ưu tiên hơn), chứ không phải hiện tại!

Theo TBKTSG