Dù nhiều chuyên gia bán lẻ trong trong tọa đàm “Chuỗi cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini tại Việt Nam: Sự bùng nổ và thách thức” cho rằng thị trường Việt Nam là mảnh đất tiềm năng cho hệ thống cửa hàng tiện lợi, tuy nhiên, thực tế cho thấy không phải cửa hàng tiện lợi nào cũng “tiện” cho người tiêu dùng.
Giá cả
Điểm trừ lớn nhất của cửa hàng tiện lợi là vấn đề giá cả. Bàn về vấn đề cửa hàng tiện lợi đã từng “chết yểu” 10 năm trước, bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam – phát biểu trong tọa đàm “Chuỗi cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini tại Việt Nam: Sự bùng nổ và thách thức” do Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam phối hợp với Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen và Viện Nghiên cứu Thương mại tổ chức diễn ra ngày 29/5: giá bán đắt trong khi người tiêu dùng không được chuẩn bị để trả cho sự tiện lợi là một trong những nguyên nhân lớn.
Hiện nay, mặc dù người tiêu dùng đã dần quen với sự tiện lợi, song vẫn chưa đủ. Bởi dù thương hiệu Việt không thực sự nổi trội, nhưng chợ búa, đại lý, quán nước ven đường… ở đâu cũng có, với giá bán rẻ hơn rất nhiều.
Để giảm giá bán, quy mô về lượng phải đủ lớn. Theo các chuyên gia tính toán, một mô hình cửa hàng tiện lợi cần tối thiểu 150 điểm bán để đạt tới điểm hòa vốn và bắt đầu có lợi nhuận. Nếu ít hơn, chuỗi vừa hoạt động không có lãi, vừa có giá bán đắt không cạnh tranh được với thị trường. Điều đáng nói là tính tổng thể cả thị trường Việt Nam hiện nay, mới có tầm 300-400 cửa hàng tiện lợi, quá ít để mang đến sự tiện lợi đích thực cho người tiêu dùng.
Không phải chỉ cửa hàng tiện lợi mới… tiện lợi
Điểm cộng lớn nhất của cửa hàng tiện lợi rõ ràng nằm ở hai chữ “tiện lợi”. Tuy nhiên, trong làn sóng cạnh tranh khốc liệt, xu hướng tiện lợi hóa ngày càng được phổ cập ở khắp mọi nơi. Chẳng hạn ưu thế của cửa hàng tiện lợi thường là đồ tươi sống, đồ dùng ngay thì nay đã được cập nhật ở nhiều siêu thị, như vào Lotte Mart sẽ có khu dành riêng cho ăn uống tại chỗ, thậm chí dọc đường đi là ghế ngồi, người tiêu dùng có thể mua một cây kem, một cốc nước, một hộp đồ ăn đóng gói rồi nhàn nhã thưởng thức trên những chiếc ghế đó. Theo báo cáo của Nielsen, so với siêu thị/đại siêu thị, người tiêu dùng chỉ ghi điểm cho cửa hàng tiện lợi về tính tiện lợi, mà đánh giá thấp hơn chủng loại hàng hóa, tính đảm bảo, sự tươi sống, giá cả và trải nghiệm.
Hiện nay, các cửa hàng tiện lợi mới chỉ đang có ưu thế lớn so với chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa truyền thống. Nhưng dù chợ búa không có sự tiện lợi nhiều lắm về mặt thời gian, song phong trào tập thể dục buổi sáng, đi bộ, đạp xe đang ngày một thịnh hành. Tranh thủ những lúc đó, các bà, các mẹ sẽ tranh thủ tạt qua chợ, từ chợ chính thức có tên tuổi đến những khu chợ cóc có thể mọc lên ở bất kỳ chỗ nào. Một điểm trừ lớn khác của cửa hàng tiện lợi là thường không có đồ tươi sống, trong khi theo thống kê của Nielsen, 86% số người Việt đến cửa hàng tiện lợi sẽ tìm mua đồ ăn và nước uống.
Thiếu chiến lược và công nghệ
Ông Nguyễn Bảo Lộc – Phó Tổng giám đốc Intimex – nhận định: để các chuỗi cửa hàng tiện lợi đi sâu vào khu dân cư, đòi hỏi một hệ thống logistic hiệu quả, cung cấp hàng hóa phù hợp với nhu cầu từng khu vực. Tuy nhiên, “chuỗi cửa hàng tiện lợi đặt ra bài toán khó trong việc quản lý chi phí cũng như vận hành. Trong một diện tích nhỏ bé, bạn rất khó để trưng 100 – 150 mặt hàng cho khác hàng mua như tại siêu thị.”
Điều đáng nói hơn cả, dịch vụ logistics có mối liên hệ mật thiết đến sự phát triển hạ tầng giao thông vận tải, cảng biển, các phương thức vận tải… Tuy nhiên, chỉ nguyên giao thông dù đã được mở rộng liên tục nhưng vẫn thường xuyên trở thành cái cớ để hạn chế phương tiện cá nhân với lý do “chật chội” đủ để thấy logistic ở Việt Nam rất đắt đỏ. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chi phí logistic của Việt Nam chiếm tới 25% GDP, cao hơn so với hầu hết các nước khác trong khu vực như Thái Lan 19%, Trung Quốc 18%, Nhật Bản 11%, Singapore 8% hay xa xôi hơn như Mỹ 7,7%. Trong đó, chi phí vận tải chiếm 30 đến 40% giá thành sản phẩm mà tỷ lệ này chỉ là 15% ở các quốc gia khác. Như vậy, để giải quyết cái bất lợi lớn nhất là mặt giá cả không hề dễ dàng.
Chi phí mặt bằng cũng là lực cản không nhỏ. Đã là cửa hàng tiện lợi thì vị trí rất quan trọng, thường là giữa khu dân cư đông đúc, khu đô thị, dọc theo đường lớn, gần khách sạn và khách du lịch. Tuy nhiên, theo ông Lộc, nếu chi phí mặt bằng lớn hơn 9 USD/m2 thì không thể tồn tại được, mà chi phí thuê mặt bằng tại các khu trung tâm ở thành phố lớn có thể cao hơn 4 – 5 lần mức giá này.
Nhưng nói chung, cái khó vẫn thuộc về doanh nghiệp Việt nhiều hơn, bởi để có lãi trên một diện tích nhỏ thì đòi hỏi vốn và kỹ năng quản trị cao. Không hấp tấp như G7 Mart mười năm trước, doanh nghiệp ngoại đã tính toán, thăm dò thị trường trong một thời gian rất dài. Bên cạnh đó, “tại những cửa hàng khác nhau, họ biết cách điều chỉnh hàng hóa và cơ cấu mặt hàng sao cho phù hợp với từng khu vực. Đây là điểm vượt trội của doanh nghiệp ngoại so với doanh nghiệp nội’, Nielsen Việt Nam nhận định. Do vậy, không quá khó hiểu khi nhắc đến cửa hàng tiện lợi, người ta sẽ kể ra nào FamilyMart, Shop&Go, Circle K… mà không thể nhớ được rằng đã từng có những cửa hàng nho nhỏ, chật chội, chẳng khác gì những cửa hàng tạp hóa tủn mủn khác, ngoại trừ có gắn thêm chữ tiếng Anh “Mart” và giá cao.
Lục Kiếm