Thiệt đơn, thiệt kép
Công ty CP Chế biến và XNK Thủy sản Hải Phòng là DN thường xuyên NK mặt hàng cá từ các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan… qua cảng Hải Phòng. Trung bình mỗi tuần DN NK một đợt hàng với khối lượng khoảng 50-100 tấn. Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, bà Bùi Kim Quy, nhân viên Công ty cho biết: Mỗi lần NK, hàng hóa được lưu tại cảng chờ có kết quả kiểm dịch của cơ quan Thú y rồi mới thông quan, giải phóng hàng. Trung bình nếu nhanh, hàng lưu tại cảng khoảng 3 ngày. Trong một số trường hợp khi các chỉ tiêu cần kiểm dịch nhiều và phức tạp, thời gian chờ kết quả kiểm dịch có thể kéo dài khoảng 5-7 ngày.
Vì hàng NK đều phải bảo quản lạnh trong điều kiện nhiệt độ phù hợp nên DN phải chi trả tiền điện. Chi phí cho tiền điện hiện nay khoảng hơn 20 USD/tiếng. Như vậy nếu phải lưu khoảng 100 tấn hàng trong vòng 4 ngày tại cảng, số tiền DN chi trả thêm cũng lên tới 4-5 triệu đồng. Đó là chưa kể theo quy định hiện hành container chỉ được lưu miễn phí trong vòng 3 ngày. Các ngày sau, DN còn bị tính thêm chi phí lưu container tại cảng chứ không riêng gì tiền điện”, bà Quy nói.
Công ty CP Chế biến XNK Thủy sản Bà Rịa-Vũng Tàu (DN thường NK mặt hàng xương cá tuyết muối kèm theo bong bóng và thịt cá) cũng là một trong những DN chật vật bởi quy định phải lưu hàng tại cảng trong quá trình chờ kết quả kiểm dịch thú y. Theo thông tin mà DN này cùng một số DN khác gửi tới Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP): Việc kiểm dịch nguyên liệu thủy sản NK để sản xuất hàng XK của các container đông lạnh không chỉ khiến phát sinh chi phí lưu kho, lưu bãi khá lớn mà còn có thể ảnh hưởng đến chất lượng hàng đông lạnh do không được thường xuyên kiểm tra điều kiện bảo quản lạnh.
Liên quan tới vấn đề này, bà Quy cho biết thêm: Có những trường hợp thời tiết không thuận lợi, ví dụ như bão dẫn tới tình trạng mất điện thì việc bảo quản container lạnh không đảm bảo. Điều này cũng khiến DN thua thiệt và làm ảnh hưởng tới uy tín của DN khi sử dụng nguồn nguyên liệu với chất lượng giảm sút.
Chủ động kinh doanh
Trước những khó khăn thực tế của DN, ngày 30-8, VASEP đã có công văn số 137/2016/CV-VASEP gửi Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đề nghị Cục xem xét cho phép các DN có lịch sử chấp hành tốt các quy định về kiểm dịch được đưa nguyên liệu thủy sản NK về kho bảo quản riêng của DN trong lúc chờ kết quả kiểm dịch thú y. Ngoài ra, VASEP cũng đề nghị Cục xem xét áp dụng cơ chế kiểm soát rủi ro trong kiểm soát NK dựa trên lịch sử chấp hành của DN và nguồn gốc hàng hóa để có thể phân luồng như cơ quan Hải quan đang áp dụng (Xanh-Vàng-Đỏ), tránh thực thi kiểm tra 100% số lô NK như hiện nay.
Sau quá trình xem xét, ngày 24-10 vừa qua, Bộ NN&PTNT đã chính thức có công văn số 8938/BNN-TY đồng ý để DN đưa hàng thủy sản đông lạnh NK làm nguyên liệu sản xuất XK về kho bảo quản của DN (kho bảo quản đủ điều kiện vệ sinh thú y), thực hiện việc kiểm dịch theo quy định. Trong đó, Bộ NN&PTNT nêu rõ: DN phải tự chịu trách nhiệm bảo quản hàng hóa và không được đưa hàng vào sử dụng khi chưa có kết quả kiểm dịch. Nếu kết quả kiểm dịch lô hàng không đạt yêu cầu, DN không được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất, đồng thời phải thực hiện nghiêm việc xử lý lô hàng không đạt yêu cầu theo quy định.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP: Quyết định này của Bộ NN&PTNT đã góp phần quan trọng giảm bớt ách tắc, khó khăn về chi phí lưu kho, lưu bãi cho các DN NK thủy sản. Đại diện nhiều DN XNK thủy sản cũng bày tỏ sự phấn khởi trước quyết định trên bởi điều này sẽ tác động trực tiếp, nhanh chóng tới DN, không chỉ giúp DN tiết kiệm chi phí mà còn để DN chủ động hơn khi tính toán kinh doanh, cân đối thiệt hơn.
Các DN lý giải, NK nguyên liệu xuất phát chủ yếu từ hai yếu tố là do trong nước thiếu hoặc giá nguyên liệu NK cạnh tranh hơn hàng nội địa. Cụ thể, với mặt hàng tôm khi NK từ các thị trường như Ấn Độ, Ecuador… về chế biến hàng XK, DN sẽ có lợi về mặt giá cả hơn so với sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước với mức chênh lệch khoảng 1-2 USD/kg tùy loại. Tuy nhiên, đó là khi DN được phép đưa hàng NK về kho của DN bảo quản chờ kết quả kiểm dịch. Trong điều kiện DN buộc phải lưu hàng tại cảng chờ có kết quả kiểm dịch mới được đem hàng về kho thì chút chênh lệch về giá như trên không đủ bù số chi phí lưu contaiter và duy trì nhiệt độ container lạnh mà DN phải bỏ ra. Chỉ một thay đổi trong quyết định của Bộ NN&PTNT đã ảnh hưởng sát sườn tới việc DN có thúc đẩy NK nguyên liệu hay không.
Theo Bộ NN&PTTN: Ước giá trị NK mặt hàng thủy sản 10 tháng đầu năm đạt 878 triệu USD, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2015. Thị trường NK thủy sản lớn nhất trong 9 tháng đầu năm là Ấn Độ (chiếm 25,8% thị phần) tiếp đến là Nauy, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và Trung Quốc với thị phần lần lượt là 9,7%, 9,3%, 6,1% và 5,9%. Các thị trường có giá trị tăng so với cùng kỳ năm 2015 là Indonesia, Nauy, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc và Nga với giá trị tăng lần lượt là 56,5%, 32,5%, 16,6%, 7,7% và 6,7%. Các thị trường có giá trị giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2015 là Chi Lê (giảm 27,9%), Ấn Độ (giảm 26,4%), Hoa Kỳ (giảm 24,6%) và Hàn Quốc (giảm 17,1%). |