Bình Dương: Vai trò của ngành Hải quan và Logistics trong hoạt động ngoại thương

Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, có tốc độ phát triển kinh tế cao, GDP trung bình hàng năm tăng 16%. Tỉnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước mạnh, đặc biệt là thu hút vốn FDI và vốn khu vực ngoài nhà nước. Năm 2014, vốn đầu tư thuộc khu vực ngoài nhà nước là 22.987 tỷ đồng, chiếm 38,5% tổng vốn đầu tư, vốn FDI là 26.723 tỷ đồng bằng 44,8% tổng vốn đầu tư. Hai nguồn vốn này chiếm trên 80% tổng vốn đầu tư của tỉnh vào thời điểm đó.

Bình Dương: Vai trò của ngành Hải quan và Logistics trong hoạt động ngoại thương

Hoạt động XNK và vai trò của Hải quan Bình Dương

Năm 2015, Bình Dương có 4.541 DN có hàng XNK, tăng 11% so với năm 2014. Trong đó, có trên 50% DN FDI, chủ yếu là sản xuất hàng XK, gia công, chế xuất các mặt hàng may mặc, điện tử, đồ gỗ,…

Kim ngạch XNK của tỉnh đạt 34,743 tỷ USD vào năm 2015, tăng 4,8% so với năm 2014. Trong đó, kim ngạch XK là 19,806 tỷ USD (tăng 5,73% so với 2014), NK là 14,937 tỷ USD (tăng 3,62% so với 2014), xuất siêu được 4,869 tỷ USD.

Những thành tựu trên có phần đóng góp không nhỏ của ngành Hải quan tỉnh Bình Dương. Năm 2015, Hải quan Bình Dương đã hoàn thành giải quyết 1052,64 ngàn tờ khai, tăng 11% so với năm 2014. Đơn vị này đã tổ chức bám sát các khu, cụm công nghiệp, ICD, gồm 21 kho ngoại quan, trong đó: tại ICD Sóng Thần (1 kho), KCN Nam Tân Uyên (5 kho), KCN Sóng Thần I & II (7 kho), Cụm cảng và Trung tâm logistics Dĩ An (2 kho), KCN Vietnam-Singapore (2 kho), KCN VSIP II (2 kho), Cụm sản xuất An Thạnh, Thuận An (1 kho). Nhờ tổ chức bám sát cơ sở đã giúp việc làm các thủ tục hải quan xuất nhập hàng hóa được tiện lợi hơn.

Hạ tầng logistics của Bình Dương

Hoạt động logistics phục vụ ngoại thương của Bình Dương đã đóng góp to lớn trong việc phục vụ hoạt động ngoại thương của tỉnh. Do không có cảng biển, nên lượng hàng hóa XK của tỉnh phải chuyển đến các cảng Sài Gòn, Tân Cảng tại TP.HCM và Cụm cảng Cái Mép – Thị Vải BR-VT để xuất. Hàng NK cũng phải qua các cảng biển, cửa khẩu ngoài tỉnh đưa về. Hiện nay, có đến 80% lượng hàng XNK, không kể hàng lỏng, được vận chuyển bằng container. Vì vậy vai trò của các cảng cạn, ICD tại Bình Dương là rất quan trọng.

Tỉnh có hai ICD lớn đang hoạt động là ICD Sóng Thần; ICD Cụm cảng và Trung tâm Logistics Dĩ An (trước đây là ICD TBS-Tân Vạn).

• ICD Sóng Thần, thuộc Công ty TNHH ICD Tân Cảng – Sóng Thần có cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, thiết bị xếp dỡ hiện đại, gồm hệ thống kho phân phối, kho ngoại quan với tổng diện tích 50 ha, trong đó 15 ha bãi container và 16.000 m2 kho các loại.

• Cụm cảng và Trung tâm logistics Dĩ An (trước đây là ICD TBS-Tân Vạn) với tổng diện tích quy hoạch là 57 ha, được đầu tư xây dựng theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 đã hoàn thành có một trung tâm logistics với diện tích 37 ha, đã đi vào hạt động từ 2015. Giai đoạn 2 với 5 hạng mục chính là mở rộng trung tâm logistics hiện hữu, cảng thủy nội địa, hệ thống đường giao thông kết nối, một trung tâm logistics và khu dịch vụ hậu cần logistics. Trong tương lai đây là một trung tâm logistics lớn và hiện đại nhất của tỉnh.

Bình Dương: Vai trò của ngành Hải quan và Logistics trong hoạt động ngoại thương

Cả hai ICD nói trên hiện chỉ được kết nối với hệ thống đường bộ. Nhưng đường bộ nối với các ICD hiện chưa thật tốt. Nhất là đường bộ kết nối với Cụm cảng và Trung tâm logistics Dĩ An hiện cần được cải tạo và nâng cấp mới có thể phát huy hết tác dụng của ICD này.

Ngoài ra, tỉnh đang đầu tư mở rộng cảng An Sơn, tại xã An Sơn, thị xã Thuận An, với diện tích 32 ha là cảng thủy nội địa, ICD và trung tâm logistics dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong năm 2016. Đầu tư xây dựng ICD tại An Sơn là một hướng đi đúng vì ở đây ICD có thể được kết nối với đường thủy nội địa và đường bộ.

Về đường thủy, Bình Dương có 3 cảng sông tham gia vào hệ thống logisctics là cảng Bình Dương, cảng Thạnh Phước và cảng thủy nội địa ICD An Sơn.

Cảng Bình Dương nằm trên sông Đồng Nai, đối diện với cảng Đồng Nai, có diện tích khoảng 7,3 ha, với hệ thống kho bãi có diện tích là 3,2 ha, cầu tàu dài 150m có thể tiếp nhận tàu 5.000 DWT, công suất cảng là 1,81 triệu tấn/năm. Cảng đang hoạt động từ năm 2004 đến nay.

Cảng Thạnh Phước nằm bên sông Đồng Nai hiện đã xây dựng xong giai đoạn 1 với diện tích 10 ha, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 1000 DWT với công suất 2,5 triệu tấn/năm.

Cảng An Sơn nằm bên sông Sài Gòn với dự án có quy mô đầu tư 454 tỉ đồng, diện tích 32 ha, hiện trong quá trình đầu tư xây dựng, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong năm 2016.

Ngoài các cảng trên, toàn tỉnh còn có 64 bến thủy nội địa tham gia vào việc vận tải hàng hóa.

Đường sắt Bắc – Nam chạy qua tỉnh Bình Dương một đoạn dài 8,6km trên địa bàn thị xã Dĩ An, có 2 nhà ga là: ga Sóng Thần diện tích 20ha, có 5 kho hàng, trong đó 1
kho hàng lẻ với tổng diện tích kho là 2.500 m2; ga Dĩ An chủ yếu phục vụ tránh các đoàn tàu Bắc-Nam và xếp dỡ hàng cho tàu Thống Nhất. Đường sắt của ta hiện không kết nối với với các cảng biển tại TP. HCM và BR-VT nên không có đóng góp cho việc phục vụ hàng hóa XNK.

Hiện nay, vận chuyển hàng hóa của tỉnh chủ yếu là bằng đường bộ. Có đến trên 90% tổng lượng hàng hóa vận chuyển là do đường bộ đảm nhiệm. Trong điều kiện như vậy việc hoàn thiện hệ thống đường bộ là rất cần thiết. Đặc biệt là đường bộ kết nối với Cụm cảng và Trung tâm logistics Dĩ An. Hiện nay, tỉnh đã có kế hoạch hoàn thành các tuyến như: đường Mỹ Phước – Tân Vạn, đường ĐT.743, ĐT.744, ĐT746, ĐT747B, đường ven sông Sài Gòn trên địa bàn TP. Thủ Dầu Một và thị xã Thuận An, đường Hội Nghĩa – Cổng Xanh, đường Mười Muộn – Tân Thành,… Những con đường này sẽ giúp kết nối hệ thống đường bộ tỉnh với hệ thống đường bộ quốc gia tốt hơn.

Các dịch vụ logistics

Ngoài các ICD và các cảng, Bình Dương còn có khoảng 50 doanh nghiệp đang hoạt động cung cấp các dịch vụ logistics tại các KCN, bao gồm dịch vụ vận tải, cho thuê container, cho thuê kho bãi, đóng nhãn, thu gom, phân phối, giao nhận hàng hóa,… Một số DN logistics đầu tư kho bãi với quy mô lớn như Công ty CP Logistics U&I tại KCN Nam Tân Uyên, Công ty TNHH Kerry Intergraded Logistics Vietnam tại phường Bình Hòa, khu kho vận Mapletree KCN VSIP II, Công ty CP Kho vận miền Nam, Công ty CP Đông Hưng KCN Sóng Thần I,…

Các dịch vụ hải quan cũng phát triển, đến năm 2015 có 29 đại lý hải quan đang hoạt động tại các KCN, các ICD và các cảng hiện hữu.

Trong điều kiện các ICD của tỉnh nằm cách xa các cảng biển, nên các ICD chỉ đóng góp hạn chế vào vai trò là các khu hậu phương của các cảng đó. Do vậy, các ICD Bình Dương cần phát triển hơn nữa các hoạt động logistics, mở thêm các dịch vụ logistics khác. Các ICD sẽ không chỉ còn là các International Container Depot, mà rộng hơn còn làm chức năng các trung tâm logistics.

Ở VN, dịch vụ logistics có giá trị gia tăng nằm trong phần giao thoa giữa logistics và marketing, thường vẫn do chủ hàng tự làm, chưa đưa ra thuê ngoài. Chúng ta nói rất nhiều về việc lôi kéo các dịch vụ này tham gia thị trường logistics nhưng chưa có hiệu quả. Điều này khó thay đổi khi chủ hàng chưa thấy được các điều kiện đảm bảo và có lợi khi giao các dịch vụ này ra thuê ngoài. Có thể làm việc này nếu chúng ta có các trung tâm logistics nằm gần kề các nhà sản xuất trong KCN có thể cung cấp các dịch vụ này ưu việt hơn.

Mặt khác, các nhà sản xuất, thương mại nếu muốn nâng cấp hàng hóa thì đã có các dịch vụ logistics gia tăng. Ví dụ mặt hàng cà phê hạt. Cà phê hiện được bán xô, chưa phân loại, đóng vỏ bao thông thường loại 100kg (sợi nilon hoặc đay). Công ty Molenbergnatie Vietnam Ltd, ở Bình Dương hiện đang làm dịch vụ nhận hàng cà phê hạt, phân loại hạt thành các kích cỡ khác nhau, loại bỏ hạt lép, làm sạch cà phê bằng cách loại bỏ đất cát, rửa sạch sau đó đóng bao vận chuyển tiêu chuẩn (loại bao 1000kg) theo từng loại hạt, đóng hàng vào container và gửi hàng xuất. Như vậy, có thể xuất cà phê theo nhiều loại có chất lượng và giá trị khác nhau, thay vì xuất xô. Đây là một dịch vụ logistics có kèm theo sơ chế hàng hóa làm tăng giá trị hàng. Cách làm này có thể mở rộng cho các mặt hàng hạt khác như hạt điều, tiêu,…

Hiện nay, tỉnh Bình Dương đang cố gắng xây dựng hệ thống các ICD cỡ nhỏ, diện tích dưới 10ha theo điều kiện của các ICD cấp tỉnh. Việc làm này sẽ giúp hệ thống logistics của tỉnh có nhiều khả năng tiếp cận với thị trường.

Bên cạnh hoạt động ngoại thương, hoạt động nội thương trong thời gian tới với chủ trương điều chỉnh cơ cấu kinh tế chung của cả nước sẽ phát triển mạnh và đòi hỏi các hoạt động logistics phát triển theo. Vì vậy tỉnh cũng cần xây dựng, mở rộng các cơ sở hạ tầng logistics phục vụ cho cả nội thương và ngoại thương. Với những thành tựu đã đạt được và hướng đi phù hợp, hoạt động logistics của tỉnh Bình Dương sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

TS. Lý Bách Chấn
Vietnam Logistics Review