Theo như bài viết trước, các bạn cũng đã có thể mường tượng ra một khái niệm gì đó cho riêng mình về chuỗi cung ứng rồi đúng không? Ở bài này, mình sẽ đi sâu hơn một chút nữa về cái “muôn dạng nghìn trạng” của một chuỗi cung ứng.
Các thành phần của một chuỗi cung ứng cơ bản
Bất kỳ chuỗi cung ứng nào cũng đòi hỏi phải có sự kết hợp giữa các doanh nghiệp hay giữa các nhân tố với nhau để phối hợp cùng nhau thực hiện nhiều chức năng trong một chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp này chính là các nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà bán sỉ, nhà bán lẻ… một trong những thành phần không thể thiếu trong một chuỗi cung ứng
Các thành phần của một chuỗi cung ứng cơ bản:
- Nhà sản xuất
- Nhà phân phối
- Nhà bán lẻ
- Khách hàng
- Các nhà cung cấp dịch vụ
Cấu trúc của một chuỗi cung ứng
Các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng không ngừng tìm cách nâng cao hiệu quả quản lý năm động năng trong chuỗi cung ứng. Mỗi một tổ chức cố gắng tối đa hóa năng suất hoạt động của những bộ phận này nhờ sự kết hợp giữa thuê ngoài, hợp tác kinh doanh và tham khảo ý kiến chuyên môn trong nội bộ doanh nghiệp. Ngày nay, nền kinh tế của chúng ta đang biến đổi từng ngày, một công ty bình thường sẽ tập trung vào các chức năng cốt lõi trong việc quảnh lý chuỗi cung ứng và thuê ngoài những khâu còn lại.
Do có sự khác nhau giữa những chiến lược kinh doanh khác nhau của từng doanh nghiệp, sự liên kết trong chuỗi cung ứng được chia ra làm hai loại:
Liên kết theo chiều dọc
Là mối liên kết trong đó có một thành viên nắm giữ vai trò lãnh đạo và điều khiển các hoạt động của các thành viên trong kênh phân phối
Ưu điểm:
- Khắc phục được nhược điểm của kênh phân phối truyền thống
- Làm tăng khả năng phối hợp hành động, năng lực cạnh tranh và đạt được hiệu quả cao do tận dụng được hiệu quả theo quy mô trong phân phối
- Xóa bỏ các công việc bị trùng lặp và giảm thiểu các xung đột giữa các thành viên trong kênh phân phối
- Tăng khả năng thu nhận thông tin phản hồi trực tiếp từ thị trường
Nhược điểm:
- Việc điều hành sẽ rất khó khăn nếu các nhà quản trị không có trình độ cao và kinh nghiệm
- Chi phí quản lý cao
Liên kết theo chiều ngang
Một hiện tượng khác của các kênh phân phối là hai hay nhiều công ty sẵn sàng hợp lực lại để cùng nhau khai thác những khả năng marketing đang mở ra. Từng công ty riêng rẽ không có đủ vốn, tri thức kỹ thuật, năng lực sản xuất hay những nguồn tài nguyên marketing để hành động đơn độc, hoặc là sợ rủi ro, hoặc thấy việc hợp lực với một công ty khác sẽ có được những điều lợi không nhỏ cho mình. Các công ty có thể hợp tác có thời hạn hay lâu dài, và cũng có thể thành lập một công ty chung khác.
Ưu điểm:
- Các công ty có thể kết hợp nguốn lực về tài chính, sản xuất và tiếp thị để bán hàng tốt hơn so với việc công ty đó một mình tiến hành hoạt động bán hàng
Vd: Trong các cửa hàng của Wal-Mart ta có thể thấy có các cửa hàng đồ ăn nhanh như Mc-Donalds. Sự liên kết này có thể cho phép Mc-Donalds có thể tận dụng được lượng khách hàng rất lớn của Wal-Mart đồng thời cũng tạo thuận lợi cho chính khách hàng của Wal-Mart.
- Tạo điều kiện đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, tận dụng hệ thống kênh phân phối để tiết kiệm chi phí, phân tán rủi ro
- Sự chuyên sâu không chỉ về nguồn lực mà còn ở sự thấu hiểu khách hàng mục tiêu
- Tạo hiệu quả trong nhiều hoạt động khác như quảng cáo, nghiên cứu, phát triển
- Nếu có sự phối hợp tốt giữa các thành viên trong kênh phân phối thì sẽ tăng được tính cạnh tranh
Nhược điểm:
- Tạo ra mâu thuẫn, các đại lý cung cấp cạnh tranh với nhau, chủ yếu là cạnh tranh về thị trường làm mất uy tín và hình ảnh của công ty do các đại lý cạnh tranh không lành mạnh
Qua bài viết này, mình hy vọng có thể giúp các bạn có thể hiểu thêm được một phần nào đó về cấu trúc của một chuỗi cung ứng cơ bản để từ đó tích lũy thêm cho mình nhiều kiến thức hơn nữa nhé.