Quan hệ thương mại và hàng hải giữa nước ta và các nước trên thế giới ngày càng phát triển với tốc độ cao, nhất là sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO. Lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của nước ta trao đổi với nước ngoài trong những năm gần đây tăng nhanh, trong đó khối lượng vận chuyển bằng đường biển chiếm gần 90%.
Văn bản chủ yếu và cơ bản nhất để thực hiện dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường biển là các dạng hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển. Dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường biển ngày càng phát triển thì các dạng hợp đồng thuộc lĩnh vực này, dù là cổ điển hay hiện đại, cũng trở nên đa dạng, phong phú và khá phức tạp. Theo chiều hướng toàn cầu hóa, không ít các mẫu hợp đồng, vận đơn và chứng từ về vận chuyển hàng hóa, thậm chí cả các công ước quốc tế liên quan, đã và đang có những thay đổi đáng kể. Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2005 đã quy định tương đối đầy đủ những chế định, khái niệm và quy phạm pháp luật liên quan tới hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển. Những quy định này trong một chừng mực đáng kể đã tương thích với những thông lệ và cách hiểu phổ biến trong ngành hàng hải thương mại quốc tế. Tuy vậy, cho đến nay ở nước ta chưa có một văn bản pháp quy chính thức nào giải thích những chế định, khái niệm và quy phạm đó một cách chi tiết, hệ thống, đầy đủ và rõ ràng. Vì vậy, trong nhiều trường hợp, các doanh nghiệp khi gặp phải những vấn đề rắc rối liên quan trong quá trình giao kết, thực hiện và tranh chấp liên quan tới hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển không biết dựa vào đâu để xác định hướng giải quyết.
Nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu và vận dụng những kiến thức liên quan tới pháp luật hàng hải về hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức biên soạn và xuất bản quyển sách này dưới dạng các câu hỏi và trả lời. Cuốn sách được các tác giả là những người đã có nhiều năm trực tiếp làm công tác pháp chế, khai thác, quản lý tàu biển cũng như đã trực tiếp tham gia giải quyết một số vụ kiện hàng hải tại một số Tòa án, Trọng tài Thương mại trong và ngoài nước biên soạn.
Trong phạm vi hạn hẹp, các tác giả đã cố gắng trình bày những khái niệm, chế định và quy phạm pháp luật phổ biến nhất về hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển. Vì vậy, cuốn sách không thể đề cập tới mọi vấn đề mà một số bạn đọc quan tâm, cần tìm hiểu.
Mặc dù các tác giả đã cố gắng tới mức cao nhất để cung cấp những kiến thức, thông tin chính xác, phổ biến và cập nhật hiện nay về những vấn đề nói trên, tuy nhiên quyển sách này chỉ dùng để tham khảo. Các danh từ, thuật ngữ, khái niệm được trình bày trong quyển sách này chủ yếu vẫn theo cách dùng phổ biến hiện nay trong Bộ luật hàng hải Việt Nam và một số sách báo chuyên ngành đã xuất bản. Tuy vậy, ở một số chỗ có thể diễn đạt khác đi theo quan điểm riêng của các tác giả cho phù hợp với cách dùng trong thực tế. Cuốn sách chắc chắn không tránh khỏi những khiếm khuyết nhất định, do đó, các tác giả rất hoan nghênh những ý kiến góp ý, bổ sung nhằm hoàn thiện hơn trong những lần tái bản sau này.
Chúng tôi hy vọng cuốn sách nhỏ này sẽ góp phần hữu ích cho hoạt động của các doanh nghiệp và bạn đọc đang công tác, học tập hoặc nghiên cứu những vấn đề liên quan tới hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển.
Xin cám ơn Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp DANIDA của Chính phủ Đan Mạch đã tài trợ cho cuốn sách này!
Xin cám ơn các tác giả và trân trọng giới thiệu với bạn đọc cuốn sách“100 câu hỏi về hợp đồng vận chuyển hàng hoá bằng đường biển”.
Link download: 100 cau hoi ve luat hang hai 2010
Nguồn:
http://viac.vn/an-pham/100-cau-hoi-ve-hop-dong-van-chuyen-hang-hoa-bang-duong-bien-a179.html