Bộ GTVT đang nỗ lực luật hóa, yêu cầu các cơ quan, đơn vị niêm yết công khai cước, phí vận tải biển…
Bộ GTVT đang nỗ lực luật hóa, yêu cầu các cơ quan, đơn vị niêm yết công khai cước, phí vận tải biển, tránh để các doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu (XNK) Việt Nam phải nộp hàng trăm triệu USD mỗi năm cho các hãng tàu nước ngoài vì những khoản phụ thu vô lối.
Chống “tù mù” cước phí
Bộ GTVT mới đây nhất đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và trực tiếp chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài chính, Công thương, Tư pháp… xây dựng dự thảo Nghị định, quy định việc niêm yết giá, phụ thu ngoài giá đối với dịch vụ vận chuyển bằng đường biển.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Công Bằng, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải, dự thảo Nghị định sẽ được xây dựng theo nguyên tắc quy định các đại lý/hãng vận tải biển thu khoản cước, phí nào, thu bao nhiêu, trong khoảng thời gian nào, phải niêm yết công khai trên trang web, đồng thời có đường dẫn tới trang web của Cục Hàng hải VN.
Cũng theo ông Bằng, giá do thị trường, bảo mật hợp đồng dịch vụ là quyền của DN, nghị định không can thiệp vào quyền tự chủ kinh doanh của các hãng tàu. Nghị định chỉ yêu cầu công khai minh bạch biểu cước, biểu giá dịch vụ. “Đây là yêu cầu cần thiết trong kinh tế thị trường và công bằng giữa DN dịch vụ và DN sử dụng dịch vụ”, ông Bằng nói.
Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công nhấn mạnh: “Không thể để các DN Việt Nam bị đè đầu cưỡi cổ, phải bỏ ra số tiền hàng trăm triệu mỗi năm. Việc quản lý này dựa trên cơ sở kế thừa các quy định quốc tế và cập nhật các quy định pháp luật của VN”.
Ngăn lạm thu “trời ơi đất hỡi”
Quan điểm của dự thảo nghị định nói trên nhận được sự thống nhất cao của đại diện các Bộ, ngành, hiệp hội ngay trong lần đầu đưa ra bàn thảo đầu tháng 3 vừa qua. Ông Bùi Hồng Minh đại diện Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công thương cho rằng, không thể để các doanh nghiệp XNK Việt Nam phải “bơi” trong tình trạng thiếu thông tin, thiếu công bằng. “Vấn đề này diễn ra khá lâu và DN XNK rất bức xúc”, ông Minh nói.
– Theo rà soát của Bộ Công thương, hiện có khoảng gần 20 loại phụ cước, phụ phí mà DN xuất nhập khẩu Việt Nam phải trả. Trong số này có 5 loại phụ cước, phụ phí mà các chủ hàng Việt Nam thường xuyên phải chịu sự áp đặt bất lợi, gồm phụ cước dịch vụ container (THC), phụ cước tắc nghẽn hàng hóa tại cảng, phụ cước mất cân đối container, phụ cước vệ sinh và sửa chữa container.
– Có tới gần 40 hãng tàu biển nước ngoài đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, đảm nhận khoảng 88% hàng hóa xuất nhập khẩu, trong đó có 100% hàng hóa xuất khẩu đóng trong container xuất đi thị trường các nước châu Âu, châu Mỹ, Bắc Mỹ…
Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính nêu rõ, Luật Giá 2012 và Nghị định 177 đã quy định rõ về niêm yết giá, tuy nhiên chưa chi tiết với lĩnh vực chuyên ngành dịch vụ Hàng hải. Do đó, nghị định được xây dựng lần này là cần thiết, căn cứ vào Bộ luật Hàng hải và Luật Giá để quy định cụ thể phạm vi điều chỉnh đối với việc quản lý công khai giá, cước, phụ thu dịch vụ vận tải biển.
Bà Vũ Thị Dung, đại diện cho các DN logistics cũng bày tỏ: “Đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi của DN mà lâu nay bị các đại lý, các hãng tàu nước ngoài chơi xấu vì chúng tôi ở thế yếu. Mong rằng quy định này sớm được Thủ tướng Chính phủ ban hành sớm để DN Việt bớt thiệt”.
Theo đại diện Hiệp hội chủ tàu, nghị định ra đời sẽ làm giảm phụ thu mà DN XNK Việt Nam hiện đang phải nộp cho hãng tàu ngoại. Việc các đại lý/hàng tàu nước ngoài tùy tiện thu và tăng thu những khoản mà họ gọi là phụ cước, phụ phí không hề báo trước là vấn đề nóng bỏng tại nhiều diễn đàn, đặc biệt tại tất cả các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp (DN) vận tải biển và cảng biển do Bộ GTVT tổ chức. Các DN xuất nhập khẩu đều “tố khổ” và mong có sự can thiệp của cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam đối với vấn đề này.
Theo các DN XNK Việt Nam, với các hợp đồng mua CIF bán FOB, DN XNK Việt Nam đã trả bao gồm trong giá mua/bán trong hợp đồng cả khoản cước vận tải. Tuy nhiên, từ năm 2009, 2010 đến nay họ lại phải trả thêm và trả tăng rất nhiều khoản phí “trời ơi đất hỡi” mới được nhận/xuất hàng khi hàng hóa đã đến cảng.
Phía Bộ Tài chính cũng khẳng định, phụ cước nêu trên thực chất là các yếu tố cấu thành nên giá cước vận tải, nhưng hiện đang được các hãng tàu tách ra. Trong số hơn 77 nghìn tỷ đồng được các đại lý thu hộ các hãng tàu trong hai năm 2013 – 2014, các loại phụ cước chiếm tới hơn 26.500 tỷ đồng.
Phương Anh
Báo giao thông