Dự kiến, Hiệp định Đối tác Tự nguyện về thực thi luật, quản trị rừng và thương mại gỗ và sản phẩm gỗ (viết tắt là VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và EU sẽ chính thức kết thúc đàm phán vào ngày 18-11 tới và hoàn thành ký kết trong năm nay.
Đó là thông tin được ông Bruno Angelet, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đưa ra tại Hội thảo tham vấn quốc gia về Hiệp định VPA/FLEGT do Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) tổ chức ngày 21-10, tại Hà Nội.
Theo ông Bruno Angelet, VPA/FLEGT là hiệp định mà Việt Nam và EU đã đàm phán nhiều năm, với quyết tâm cao. Suốt thời gian qua, hai bên đã nỗ lực đàm phán, dự kiến ngày 18-11 tới sẽ diễn ra Lễ ký kết chính thức kết thúc quá trình đàm phán và đặt mục tiêu ký kết hiệp định trong năm nay.
“Tuy nhiên, việc kết thúc đàm phán và ký kết hiệp định mới là bước mở đầu, sau đó còn rất nhiều việc phải làm. Việc thay đổi thói quen ban đầu của cả người trồng rừng, khai thác hay khâu sản xuất… không phải điều đơn giản. Bởi vậy, đối với giai đoạn triển khai, giữa EU và phía Việt Nam càng cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo hiệp định được thực thi đúng với các nội dung và mục tiêu đề ra”, ông Bruno Angelet nói.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hà, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam, trưởng đoàn đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT của Việt Nam cho biết: Được chính thức bắt đầu đàm phán từ tháng 11-2010, đến nay, đoàn đàm phán Việt Nam do Bộ NN&PTNT chủ trì đã phối hợp với các bộ, ngành và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tiến hành 16 phiên đàm phán kỹ thuật, 8 phiên đàm phán cấp cao và hiện nay đã bước vào giai đoạn cuối cùng, chuẩn bị kết thúc đàm phán.
Mục tiêu đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT với EU là mở rộng thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào EU thông qua việc Việt Nam cam kết xây dựng Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (gọi tắt là VNTLAS) phục vụ việc cấp phép FLEGT cho các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu sang EU.
Đổi lại, các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ có giấy phép FLEGT này sẽ không phải làm trách nhiệm giải trình nguồn gốc gỗ hợp pháp theo Qui chế gỗ của EU (gọi tắt là EUTR 995/2010) có hiệu lực từ tháng 3-2013.
Bà Nguyễn Tường Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Lâm nghiệp) cho hay: Giấy phép FLEGT chỉ được cấp bởi các quốc gia đã kết thúc đàm phán Hiệp định VPA với EU.
Hiện nay, có 9 quốc gia đang đàm phán hiệp định này với EU, trong đó có 6 quốc gia đã kết thúc đàm phán và ký kết hiệp định gồm: Indonesia, Leberia, Công gô, Ghana, Cameron, Cộng hòa Trung Phi.
Trong số các quốc gia nêu trên, Indonesia là quốc gia đầu tiên có lô hàng được cấp giấy phép FLEGT, dự kiến vào ngày 15-11 tới. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng bởi điều đó có nghĩa là gỗ từ Indonesia là hợp pháp. Việt Nam cũng nhập khẩu gỗ từ Indonesia nên đương nhiên nguồn gỗ nhập để sản xuất hàng xuất khẩu đó là hợp pháp và khi xuất khẩu vào thị trường EU sẽ đơn giản, thuận tiện, không cần giải trình về nguồn gốc gỗ.