Hiện Thụy Điển có hẳn một hệ thống chuyển rác trực tiếp tự động từ thùng rác đến các bãi rác tập trung để phân loại và xử lý, qua đó chấm dứt tình trạng tồn ứ rác, gây hôi thối và ô nhiễm.
Trong khi Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác đang gặp rắc rối với rác thải và ô nhiễm thì một số quốc gia như Thụy Điển lại phải…nhập khẩu thêm rác.
Năm 2014, Thụy Điển phải nhập khẩu thêm 800.000 tấn rác thải từ Na Uy nhằm phục vụ cho các nhà máy năng lượng đốt rác, cao hơn con số 550.000 tấn của năm 2010. Không những thế, nước này còn phải nhập thêm 100.000 tấn rác từ các nước Châu Âuxung quanh, đặc biệt là Anh bởi lượng rác 435.000 tấn hàng năm của nước này không đủ cho các nhà máy nhiệt điện.
Có thể nói, vấn đề môi trường, rác thải và tái chế ở Thụy Điển đã được chính phủ nước này quan tâm và quy hoạch từ những năm 1900. Cụ thể, nhà máy nhiệt điện đốt rác đầu tiên đã được xây dựng ở Thụy Điển vào năm 1904 và hiện quốc gia này đã có khoảng 32 nhà máy như vậy, qua đó cung cấp nhiệt sưởi cho 810.000 hộ dân (gần 50% dân số) cũng như cung cấp điện năng cho 250.000 hộ gia đình.
Lượng rác thải được tái chế nhiệt điện, nguyên liệu, sinh học và rác thải không thể tái chế tại Thụy Điển trong khoảng 1975-2012 (tấn).
Tính đến năm 2012, hơn 2 triệu tấn rác ở Thụy Điển được đốt mỗi năm nhằm cung cấp nhiệt lượng và điện năng cho người dân nước này.
Dù lượng rác thải của nước này đã tăng gấp 3 lần kể từ thập niên 80 nhưng có đến 99% lượng rác được tái chế hoặc sử dụng vào những mục đích có lợi theo nhiều cách khác nhau. Cụ thể, khoảng 47% lượng rác được tái chế lại và 52% được sử dụng làm nguyên liệu cho nhà máy nhiệt điện.
Đây là con số vô cùng ấn tượng khi Thụy Điển chỉ có thể tái chế 38% lượng rác thải vào năm 1975.
Hiện Thụy Điển có hẳn một hệ thống chuyển rác trực tiếp tự động từ thùng rác đến các bãi rác tập trung để phân loại và xử lý, qua đó chấm dứt tình trạng tồn ứ rác, gây hôi thối và ô nhiễm.
Mô hình hệ thống xử lý rác tự động EVAC của Thụy Điển
Lượng rác thải còn lại sau khi đốt điện năng chiếm khoảng 15% khối lượng rác trước khi đốt. Các nhà máy nhiệt điện khi đó sẽ phân loại chúng ra thành các phần khác nhau.
Rác kim loại sẽ được tái chế, trong khi những mẩu rác khác sẽ được dùng để làm đường hoặc vật liệu xây dựng. Chỉ khoảng 1% khối lượng rác trước khi đốt là không thể tái chế sau khi đã xử lý.
Về vấn đề không khí, khoảng 99,9% khí đốt từ các nhà máy nhiệt điện được xử lý qua các tấm lọc và sục vào nước. Những tấm lọc sẽ bị bỏ đi do không thể tái chế, nhưng nước sục từ các nhà máy này sẽ được dùng trong ngành khai khoáng.
Với quy trình chặt chẽ như trên, lượng khí thải công nghiệp của Thụy Điển đã giảm tới 99% kể từ năm 1985.
Nhờ chú trọng vào vấn đề rác thải cũng như môi trường, Thụy Điển hiện đang là quốc gia hàng đầu thế giới về tái chế rác thải. So sánh với các nước khác, ví dụ như Mỹ có tổng sản lượng rác thải làm nguyên liệu nhiệt điện cao nhất thế giới với 29 triệu tấn/năm, nhưng con số này chỉ chiếm 12% trong tổng số rác thải toàn quốc.
Xử lý rác thải trong nhà máy nhiệt điện Thụy Điển
Chính phủ Thụy Điển cho biết nước này dự kiến sẽ nhập khẩu khoảng 2,3 triệu tấn rác thải vào năm 2020 để tiếp tục phát triển ngành công nghiệp nhiệt điện và tái chế. Đây là điều dễ hiểu khi nhiều quốc gia Châu Âu có mùa đông rất khắc nghiệt và cần nhiệt lượng để sưởi ấm.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của ngành tái chế rác và nhiệt điện bằng rác, nhiều nước như Ba Lan, Ấn Độ hay Trung Quốc đã phải cử chuyên viên sang học tập Thụy Điển.
Vấn đề rác thải và ô nhiễm đang trở thành chủ đề nóng trên toàn thế giới hiện nay. Những nước như Áo hay Đức đã có thể tái chế đến 60% số rác thải của mình, trong khi Liên minh Châu Âu (EU) đang đề ra kế hoạch tái chế 50% rác thải vào năm 2020.
Không chịu kém cạnh, Mỹ hiện cũng tái chế hoặc dùng cho nhiệt điện tới 34% lượng rác thải, cao hơn so với mức 10% của năm 2000.
Nhập khẩu rác tại Thụy Điển
Trong khi đó, những nước đang phát triển như Ấn Độ, Trung Quốc và một số nước Nam Phi lại đang phải ngập trong rác. Nguyên nhân chính là sự phát triển kinh tế cũng như dân số khiến lượng rác gia công nghiệp và hộ gia đình tăng nhưng chính phủ lại chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề này. Đặc biệt, việc giáo dục ý thức cho người dân về bảo vệ môi trường vẫn còn bị coi nhẹ.
Hiện một số ý kiến cho rằng các nước tái chế rác như Thụy Điển có thể nhập khẩu bớt rác từ những quốc gia đang gặp khó. Dẫu vậy, nhiều chuyên gia cho rằng ý tưởng này hầu như không khả thi khi chi phí vận chuyển rác quá lớn.
Theo nhiều chuyên gia, vấn đề cốt lõi hiện nay là các nước cần có một chiến lược dài hạn, hiệu quả để xử lý rác thải cũng như ô nhiễm thay vì tìm kiếm những đối sách tạm thời.
Theo Trí Thức Trẻ