Tham gia góp ý vào dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 89/2006/NĐ-CP năm 2006 của Chính phủ về nhãn hàng hóa do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì soạn thảo, Bộ Tài chính cho rằng, các quy định cần rõ ràng, cụ thể tránh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Trong đó, Bộ Tài chính cho rằng, để đảm bảo quản lý, cũng như kiểm soát được nguồn hàng nhập khẩu thì đối với hàng hóa không bắt buộc phải ghi nhãn như: Thực phẩm tươi, sống, thực phẩm chế biến cần phải quy định rõ “hàng hóa là thực phẩm tươi, sống, thực phẩm chế biên không có bao bì và bán trực tiếp cho người tiêu dùng trừ hàng hóa nhập khẩu”.
Bởi, đây là những mặt hàng nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng nên quy định phải có bao bì nhãn mác thể hiện xuất xứ, hạn sử dụng để kiểm soát được nguồn hàng nhập khẩu cũng như hạn sử dụng của thực phẩm để bảo vệ người tiêu dùng. Mặt khác, nếu không quy định phải ghi nhãn hàng hóa thì cơ quan chức năng rất khó kiểm soát nguồn gốc hàng hóa, xuất xứ hàng hóa.
Cũng liên quan đến các trường hợp hàng hóa không bắt buốc phải ghi nhãn như: Hàng hóa là nhiên liệu, nguyên liệu (nông sản, thủy sản, khoáng sản), vật liệu xây dựng (gạch, ngói, vôi, cát, đá, sỏi, xi măng, đất màu, vữa, hỗn hợp bê tông thương phẩm), phế liệu (trong sản xuất, kinh doanh) không có bao bì và bán trực tiếp theo thỏa thuận với người tiêu dùng”, Bộ Tài chính đề nghị cần nêu rõ danh mục hàng hóa thuộc diện không phải ghi nhãn để thuận lợi cho cơ quan Hải quan trong công tác quản lý đối với hàng hóa nhập khẩu.
Về ghi nhãn phụ, theo Bộ Tài chính trên thực tế, các đối tượng đã lợi dụng sơ sở của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa “cho phép ghi bổ sung các nội dung còn thiếu trên nhãn chính, được phép sửa các nội dung ghi trên nhãn chính chưa đúng với thực tế hàng hóa bằng nhãn phụ ghi bằng tiếng Việt trước khi đưa hàng hóa ra lưu thông trên thị trường” để tùy tiện ghi các thông tin giả mạo về chỉ dẫn nguồn gốc, xuất xứ, thương nhận chịu trách nhiệm về hàng hóa trên nhãn hàng hóa để gian lận, lừa dối người tiêu dùng. Điều này gây khó khăn cho công tác kiểm soát của các cơ quan chức năng.
Bộ Tài chính đề nghị quy định rõ nội dung về nhãn phụ: “Nhãn phụ được dịch nguyên các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn gốc, có thể ghi bổ sung các nội dung khác theo tính chất của hàng hóa theo quy định của pháp luật Việt Nam về ghi nhãn hàng hóa. Tổ chức, cá nhân ghi nhãn phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung ghi. Những nội dung được ghi bổ sung trên nhãn phụ phải phản ánh đúng bản chất và nguồn gốc của hàng hóa”.
Bên cạnh đó dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 89/2006/NĐ-CP cần bổ sung thêm quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm về nhãn hàng hóa gồm: Các cơ quan công an nhân dân, hải quan, quản lý thị trường, quản lý chất lượng hàng hóa, thanh tra chuyên ngành và các cơ quan khác trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao khi phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về nhãn hàng hóa được quyền xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
Việc quy định rõ thầm quyền xử phạt vi phạm để làm căn cứ cho các cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao khi phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về nhãn hàng hóa được quyền xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành; tránh chồng chéo trach nhiệm của các cơ quan quản lý.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ quy định cụ thể thời điểm tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải ghi nhãn phụ; xuất xứ hàng hóa không được viết tắt để giúp cho người tiêu dùng nhận biết được xuất xứ của hàng hóa nhập khẩu và có sự lựa chọn phù hợp.