Làm sao để "sống sót" qua cơn uể oải buổi xế chiều?

Hầu hết, mọi người thường bị rơi vào trang thái lừ đừ lúc chiều muộn. Dù đã rất tỉnh táo ngồi vào bàn làm việc sau khi dùng bữa trưa, nhưng chỉ vài giờ sau đó thì lại thấy dường như mình không thể ngẩng đầu lên và cứ ngáp ngắn dài. Bạn hoàn toàn không ngăn nổi ước muốn chợp mắt, bởi đây là một phần hết sức tự nhiên trong nhịp sinh học của mỗi người.

Lý do phía sau tình trạng buổi sáng tỉnh táo còn chiều muộn kém tập trung liên quan đến nhiệt độ cơ thể. Nhằm giúp tăng cường nhận thức, nhiệt độ cơ thể con người sẽ bắt đầu tăng dần từ buổi sáng và giảm dần lúc xế chiều trở đi. Muốn giữ cho chức năng nhận thức và năng lượng làm việc luôn ổn định vào buổi chiều thì “sạc lại pin” cho cơ thể vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, muốn “đánh bại” cơn suy sụp năng lượng này thì bạn hãy cố gắng bỏ qua cà phê và chất ngọt nhé, nó chỉ làm tình trạng trở nên tệ hơn thôi!

ngu_trua

Nếu bạn không làm việc tại công ty có không gian thoải mái để chợp mắt, hãy cùng iChina Company xem gợi ý về các phương pháp tự nhiên giúp “sống sót” qua cơn uể oải lúc xế chiều để luôn luôn vui vẻ với công việc sau đây nhé!

1. NGỦ ĐỦ GIẤC

Dù biết rằng nói luôn dễ hơn làm, nhưng quả thực giấc ngủ sâu trước nửa đêm luôn là một trong những liệu pháp tự nhiên tốt nhất có thể giúp chống lại tình trạng suy sụp năng lượng vào buổi xế chiều. Ngủ đủ giấc giúp não bộ củng cố lại các thông tin, dữ kiện đã tiếp thu từ ngày hôm trước, điều này hỗ trợ bạn duy trì trạng thái tinh thần minh mẫn. Theo Trung tâm Y tế của Đại học Rochester, chỉ cần hôm trước bạn ngủ không đủ giấc 1 giờ thôi thì cũng sẽ khiến chức năng thần kinh bị chậm lại vào hôm sau, bởi các phản xạ bị trì hoãn, và gây ảnh hưởng tiêu cực đến trí nhớ. Tổ chức Nghiên cứu Giấc ngủ Hoa Kỳ (The National Sleep Foundation) khuyến cáo một người lớn với thể trạng bình thường cần duy trì giấc ngủ từ 7-8 tiếng mỗi đêm.

2. ĂN UỐNG LÀNH MẠNH ĐÚNG CÁCH

Những gì bạn nạp vào cơ thể đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại sự mệt mỏi lúc xế chiều. Đầu tiên phải kể đến bữa điểm tâm và tiếp đó là bữa ăn trưa, nhưng quy tắc chung luôn là: Nhiều hạt hơn và ít mỡ hơn.

Đừng bỏ bữa điểm tâm! Một bữa ăn cung cấp đầy đủ dưỡng chất phù hợp vào buổi sáng sẽ giúp bạn đánh thức một ngày làm việc đầy khí thế và tràn đầy nặng lượng. Để nhận được những lợi ích tốt nhất từ bữa sáng, hãy tránh các loại bánh mì hoặc ngũ cốc chứa nhiều đường. Ronni Arno Blaisdell, huấn luyện viên sức khoẻ đã được chứng nhân, chia sẻ với trang Medical Daily rằng: “Có thể chọn bột yến mạch với trái cây, đậu hũ trộn với rau củ, hoặc sinh tố rau xanh với hạt lanh. Một bữa sáng đúng cách khiến bạn no lâu hơn, vì thế bạn sẽ không cảm thấy cần phải ăn thêm thật nhiều vào bữa trưa.”

Chọn thức ăn giàu đạm, ít béo và đường cho bữa trưa. Hai tiếng sau giờ nghỉ trưa là thời điểm cảm giác uể oải bắt đầu kéo đến. Và những thực phẩm mà bạn tiêu thụ trong bữa trưa là nhân tố lớn ảnh hưởng trực tiếp đến mức năng lượng của buổi chiều. Theo nghiên cứu được trình bày tại hội nghị SLEEP 2013, bữa trưa giàu chất béo sẽ dẫn đến tình trạng tụt dốc năng lượng vào buổi chiều. Đồng thời nghiên cứu này cũng cho thấy ăn nhiều carbohydrate làm tăng sự tỉnh táo. Một bữa ăn lớn với các thực phẩm chế biến, chứa nhiều carbohydrate tinh chế, đồ chiên và món tráng miệng nhiều đường, sẽ khiến năng lượng và lượng đường trong máu đột ngột tăng cao rồi làm bạn thấy mệt mỏi. Vì thế muốn giữ sức khoẻ tốt và tinh thần tỉnh táo, hãy tránh các thức ăn chiên xào hoặc sốt nhiều bơ đường. Thay vào đó, lựa chọn các bữa trưa cân bằng với phức hợp carbohydrate, thịt nạc cùng nhiều trái cây, rau xanh.

3. TRÒ CHUYỆN

Trò chuyện đúng cách có thể giúp bạn luôn giữ được nguồn năng lượng làm việc nằm ở mức cao trong suốt buổi trưa. Đi qua bàn làm việc của đồng nghiệp và nói chuyện với họ cho phép bạn thư giãn gân cốt, tỉnh táo và duy trì động lực tốt hơn.

Nếu làm việc tại văn phòng, bạn có thể rủ các thành viên còn lại trong phòng của bạn quy định một ngày định kỳ trong tuần để mọi người thay vì gọi điện thoại, gửi email hay tin nhắn sẽ trao đổi thông tin với nhau theo cách mặt đối mặt – tay tận tay.

4. DUY TRÌ VẬN ĐỘNG

Thiếu hoạt động thể lực có thể khiến giấc ngủ kém chất lượng và làm trầm trọng thêm tình trạng mệt mỏi vào xế chiều. Vận động có thể cung cấp năng lượng cho cơ thể và giúp tăng sự tỉnh táo. Vì thế, ngay cả khi đã thường xuyên tập thể dục và ngủ đủ giấc thì bạn cũng nên duy trì hoạt động cho tay chân. Khoảng một giờ sau bữa trưa, bạn có thể đứng dậy và rời khỏi chỗ ngồi đi dạo trong chốc lát để ngăn cơn buồn ngủ khi làm việc buổi chiều.

Sự tuần hoàn máu trên toàn bộ cơ thể rất quan trọng. Đi bộ nhanh có thể giúp máu lưu thông tốt hơn và nâng cao mức năng lượng. Ra ngoài đi bộ khoảng 10 – 15 phút là ý tưởng tuyệt vời để tiếp lại sinh lực, đặc biệt vào những ngày nắng thì Vitamin D sẽ giúp bạn tăng thêm tỉnh táo. Tuy nhiên, nếu đang phụ trách một công việc giới hạn trong phạm vi văn phòng, bạn sẽ khó có thể đi đâu xa. Lúc này, đi loanh quanh gần chỗ ngồi trong 5 phút cũng có thể giúp ích. Đại học California khuyến cáo các nhân viên văn phòng hãy vận động nhẹ tại bàn làm việc mỗi 2 tiếng một lần để giúp máu tuần hoàn tốt hơn nhằm giảm căng thẳng và tăng cường sự linh hoạt.

5. SẮP XẾP THỜI GIAN GIẢI QUYẾT CÔNG VIỆC HỢP LÝ

Nhắc đến sự uể oải khi làm việc buổi chiều, bạn nên xem xét các tác động sinh học tự nhiên của nó để quyết định thứ tự thực hiện công việc cho phù hợp. Sắp xếp các cuộc họp quan trọng vào những thời điểm sớm hơn trong ngày, chứ đừng để đến sau bữa trưa. Nếu phải viết một báo cáo phức tạp, ưu tiên giải quyết nó trước tiên.

Theo nghiên cứu về hiệu suất thực hiện bởi Robert Half, hầu hết người lao động bắt đầu mơ màng hơn với công việc từ khoảng giữa buổi chiều. Cũng theo khảo sát, 37% các nhà quản lý nói rằng nhân viên của họ thường bị giảm sức tập trung trong khoảng từ 4-6 giờ chiều. 27% người khảo sát cho rằng từ 2-4 giờ chiều là thời điểm có hiệu suất làm việc thấp nhất trong ngày. Vì thế, bạn hãy dành những công việc nhẹ nhàng, ít đòi hỏi trí óc cho buổi chiều nhé!

6. TẬP TRUNG VÀ HĂNG SAY VỚI CÔNG VIỆC

Giữ cho bản thân luôn bận rộn cũng là phương pháp hiệu quả giúp chống lại tình trạng suy sụp năng lượng buổi chiều. Thời gian dường như trôi nhanh hơn khi bạn làm việc tập trung. Một tương tác nhỏ, dù chỉ là nhận điện thoại, trả lời email hoặc đi họp với đồng nghiệp, có thể giúp bạn thức tỉnh sự uể oải. Để thay đổi tốc độ, hãy thử đứng lên. Trước khi bạn nhận ra, lúc xem đồng hồ cũng đã đến giờ dọn dẹp bàn ghế và về nhà rồi đấy!

Là điều rất đỗi tự nhiên, cơ thể bạn sẽ hoạt động chậm lại vào xế chiều, nhưng chúng ta vẫn có rất nhiều cách để tác động vào cảm giác buồn ngủ và sự mệt mỏi này. Chọn các biện pháp phù hợp nhất với mình, chắc chắn bạn sẽ luôn giữ vững phong độ làm việc đầy hiệu suất bất kể thời gian nào trong ngày. 

(Nguồn hình: Internet)