Nền kinh tế của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSLC) hiện nay phát triển chưa tương xứng với tiềm năng được đánh giá. Chỉ số sản xuất kinh doanh vẫn còn thấp, nhất là trong khâu dự trữ, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ hàng hóa. Nếu được đầu tư hiệu quả, kinh tế nông nghiệp ở đây sẽ phát triển vượt bậc.
Chiến lược xây dựng trung tâm Logistics tại ĐBSCL
Theo báo cáo của Ban Chỉ Đạo Tây Nam Bộ, tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản tại ĐBSCL đạt 3,1 triệu tấn lúa, 3,3 triệu tấn thuỷ sản, xuất khảu đạt 10,9 tỉ USD, thu ngân sách ước đạt 71.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu trong khu vực còn nhiều khó khăn do sự thiếu ổn định mà nguyên nhân lớn là hệ thống Logistics của vùng còn yếu kém.
Logistics sẽ giúp phát triển nền kinh tế nông nghiệp tại ĐBSCL
Ngày 13/11/2015, tại Cần Thơ đã tổ chức Hội thảo “Chiến lược phát triển hệ thống logistics vùng ĐBSCL giai đoạn 2015 – 2020, định hướng đến năm 2030”. Ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ Đạo Tây Nam Bộ cho rằng, việc xây dựng trung tâm Logistics Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ là cấp bách và cần thiết. Đây sẽ là trung tâm phân phối và lưu thông hàng hoá nội địa và xuất nhập khẩu cho toàn vùng và được kì vọng sẽ góp phần vào sự phát triển bền vững ĐBSCL.
Hội thảo “Chiến lược phát triển hệ thống logistics vùng ĐBSCL” tại Cần Thơ 13/11/2015
Cải thiện Logistics ĐBSCL
Với hệ thống sông kênh dài 28000km, trong đó 23000km có khả năng khai thác vận tải chiếm 70% chiều dài đường sông cả nước, ĐBSLC có tiềm năng lớn về phát triển dịch vụ Logistics và vận tải thuỷ. Tuy nhiên, đến 70% lượng hàng hoá xuất khẩu mỗi năm phải chuyển về TP.HCM hoặc cảng Cái Mép bằng đường bộ khiến giá thành sản phẩm bị đội lên và vấn đề lưu thông cũng vô cùng khó khăn. Toàn vùng hiện có 2.167 cảng sông và bến xếp dỡ, nhưng chủ yếu là cảng sông nhỏ, không có cảng container chuyên dùng, một số cảng có khả năng tiếp nhận container nhưng ở mức độ hạn chế, trang thiết bị thô sơ, năng suất thấp. Bờ biển dài hơn 700km, nhưng hiện nay ĐBSCL chưa có một cảng biển quy mô lớn nào.
Cảng Cái Cui – Cần Thơ
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội DN Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho rằng, Cần Thơ phải trở thành trung tâm xuất nhập khẩu hàng hoá cho toàn vùng ĐBSCL thay vì TP.HCM, đồng thời đề xuất các giải pháp thành lập trung tâm Logistics gần các vùng nguyên liệu có thể kết nối dễ dàng đường bộ, đường thuỷ; thay đổi tập quán thuê ngoài Logistics thay vì tự phục vụ khép kín, các chính sách giúp các địa phương thu hút doanh nghiệp logistics đầu tư hiệu quả, cải thiện đáng kể chi phí Logistics.
Đóng góp bởi Lê Ngọc Ngọc
Viện Logistics Việt Nam