SCOR là gì? SCOR là Mô Hình Tham Chiếu Hoạt Động Chuỗi Cung Ứng (Supply Chain Operation Reference). Mô hình này định ra các ứng dụng tốt nhất, các thước đo hiệu quả hoạt động và yêu cầu chức năng của các phần mềm cho từng quy trình cốt lõi, quy trình con và các hoạt động của chuỗi cung ứng. Mô hình SCOR cung cấp cấu trúc nền tảng, thuật ngữ chuẩn để giúp các công ty thống nhất nhiều công cụ quản lý, như tái thiết quy trình kinh doanh, lập chuẩn so sánh, và phân tích thực hành. Các công cụ của SCOR tạo giúp cho công ty phát triển và quản lý cấu trúc chuỗi cung ứng hiệu quả.
SCOR- Công cụ xây dựng quy trình
Vào những năm 90 của thế kỷ 20, khi các chủ đề mở rộng hoạch định và triển khai hoạt động ra ngoài biên giới công ty trở thành mối quan tâm chính của nhiều nhóm lãnh đạo. Trước kia, phần lớn nỗ lực cải thiện quy trình hoạt động đều tập trung vào cải thiện hiệu quả hoạt động của các quy trình nội bộ công ty. Nay, nhờ vào công nghệ mới, xu thế thuê ngoài, xu thế thích ứng hóa hóa chuỗi cung ứng cho phù hợp với các khách hàng quan trọng, đã yêu cầu chuỗi cung ứng phải phát triển ra ngoài giới hạn của “bốn bức tường” công ty.
Rõ ràng cần có một tập hợp định nghĩa chuẩn. Vào những năm giữa của thập kỷ 90 của thế kỷ 20, PRTM đã phát triển một mô hình tham chiếu quy trình, bao gồm các định nghĩa và các chỉ số đo lường hiệu quả hoạt động chính của chuỗi cung ứng bao gồm bốn quy trình: hoạch định, mua hàng, sản xuất và phân phối.
Nhận thấy nhu cầu về một chuẩn thống nhất giữa các ngành, vào năm 1995 PRTM đã phối hợp làm việc với AMR, một hãng nghiên cứu độc lập chuyên cung cấp các phân tích trong lĩnh vực công nghệ phần mềm. PRTM và AMR đã cùng nhau lập ra Hội Đồng Chuỗi Cung Ứng (the Supply-Chain Council – SCC), ban đầu với 69 công ty thành viên. Trong vòng hơn một năm, ba tổ chức này (PRTM, AMR và SCC), đã phát triển một tiêu chuẩn gọi là Mô Hình Tham Chiếu Hoạt Động Chuỗi Cung Ứng (SCOR).
Sử dụng phương pháp thiết kế từ trên xuống dưới của mô hình SCOR, công ty có thể nhanh chóng hiểu được cấu trúc và hiệu quả hoạt động hiện thời chuỗi cung ứng của mình. Công ty cũng có thể so sánh cấu trúc của mình với các công ty khác, phát hiện những cải tiến dựa trên các thực hành tốt nhất, và thiết kế cấu trúc chuỗi cung ứng tương lai cho mình. Từ khi ra đời năm 1996, đến nay đã có 700 công ty áp dụng mô hình SCOR.
Năm 1996, Hội Đồng Chuỗi Cung Ứng (SCC) trở thành tổ chức phi lợi nhuận và mô hình SCOR được chuyển giao cho họ. Từ lúc thành lập, SCC ngày càng phát triển rộng khắp thành các hiệp hội ở Châu Âu, Nhật, Úc/New Zealand, Đông Nam Á, và Nam Phi, và khu vực Bắc Mỹ. Các thành viên đã ngày càng phát triển, mở rộng mô hình. Quy trình Thu Hồi được thêm vào năm 2001. Các thực hành tốt và các bảng tiêu chí đánh giá được cập nhật theo định kỳ.
Mô hình SCOR là mô hình tổng quan, đưa ra hướng dẫn khung để phát triển cấu trúc chuỗi cung ứng. Bên cạnh SCOR, còn có các mô hình bổ sung khác được phát triển tương thích với từng tình hình cụ thể của các ngành công nghiệp và chi tiết đến mức ứng dụng – chẳng hạn như yêu cầu chuẩn về dữ liệu.
Ba cấp độ của mô hình SCOR
Mô hình SCOR bao gồm bốn cấp độ từ khái quát đến chi tiết. Ba cấp độ ban đầu – quy trình, quy trình con, các hoạt động – được mô tả trong mô hình. Các quy trình hoạt động cụ thể, hay cấp độ thứ 4, được diễn giải chi tiết bằng biểu đồ dòng chảy công việc, thường được chuyên biệt hóa tùy theo chiến lược và yêu cầu cụ thể của từng công ty. Vì thế cấp độ 4 không được bao gồm trong tài liệu xuất bản chính thức của mô hình SCOR.
Bắt đầu từ cấp độ 1 và kết thúc là cấp độ 3, nội dung của SCOR có thể dùng để chuyển chiến lược kinh doanh của công ty thành cấu trúc chuỗi cung ứng phục vụ cho các mục tiêu kinh doanh cụ thể. Trình tự sử dụng các cấp độ khác nhau của SCOR sẽ phụ thuộc vào xuất phát điểm và yêu cầu kinh doanh cụ thể. Trong chương này chúng ta sẽ tìm hiểu các lợi ích trong hoạt động và kinh doanh đạt được từ việc cấu trúc chuỗi cung ứng bằng mô hình SCOR.
Mô hình SCOR cấp độ 1
Ở cấp độ 1, công ty cần xác định rõ sự phù hợp của các quy trình kinh doanh với cấu trúc kinh doanh (các đơn vị kinh doanh, các vùng, v.v…) và với các đối tác chuỗi cung ứng. Từ đó tinh chỉnh các mục tiêu chiến lược của chuỗi cung ứng – những ưu tiên kinh doanh mà chuỗi cung ứng phải hỗ trợ đắc lực. Cấp độ 1 tập trung vào năm quy trình chuỗi cung ứng chính (hoạch định(plan), mua hàng (source), sản xuất(make), phân phối (delivery) và thu hồi(return)
Mô hình SCOR cấp độ 2
Ở cấp độ 2, công ty cần tinh chỉnh lựa chọn về các quy trình chuỗi cung ứng của mình và xác định làm thế nào để quy trình tương thích với hạ tầng cơ sở kỹ thuật (bao gồm nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị ở các địa điểm và hệ thống công nghệ thông tin). Cấp độ 2, hay cấp độ cấu hình (configuration level), hỗ trợ phát triển và đánh giá các lựa chọn cấp độ cao (ở mô hình SCOR cấp độ 1) cho cấu trúc quy trình chuỗi cung ứng, bằng việc lựa chọn “gia vị” cho hoạch định, mua hàng, sản xuất, phân phối và thu hồi. Điều này được thực hiện thông qua việc lựa chọn các quy trình con tương ứng, hay còn gọi là các danh mục quy trình, dựa trên chiến lược chuỗi cung ứng. Việc lựa chọn danh mục quy trình sẽ ảnh hưởng đến thiết kế ở mức độ 3 bởi từng hạng mục yêu cầu các hoạt động cụ thể rất khác biệt.
Ví dụ ứng dụng mô hình SCOR
Mô hình SCOR đã buộc một công ty phải xem xét lại một luận điểm đã tồn tại rất lâu: dịch vụ khách hàng tệ hơn mong muốn là do quy trình xử lý đơn hàng. Trong quy trình này các đơn hàng được tự động chuyển từ khách hàng tới một hệ thống, sau đó được nhập thủ công vào một hệ thống khác để xử lý tài chính, trước khi liên lạc với các nhà cung cấp. Tuy nhiên, nhóm dự án đã phân tích và chỉ ra rằng dù việc nhập lại số liệu một cách thủ công làm phát sinh chi phí và tạo nguy cơ nhầm lẫn sai sót, nhưng việc quản lý các nhà thầu phụ mới là vấn đề nghiêm trọng hơn. Với quy trình hiện tại, việc trao đổi về kế hoạch yêu cầu với các nhà thầu phụ là một phần của quy trình đặt hàng chính thức, trong đó các nhà cung cấp xác nhận số lượng và ngày giao hàng. Tuy nhiên thay đổi từ phía nhà cung cấp như giao hàng trễ so với kế hoạch, thay đổi về khối lượng đơn hàng từ nhà thầu chính, lại được thực hiện một cách không chính thức. Nhóm dự án đã vạch ra các thay đổi chính gồm vai trò mới của bộ phận thu mua, xem xét lại hoạch định hàng tháng của nhà thầu phụ (nhằm điều chỉnh lại kế hoạch đã được đồng thuận trước), và các quy tắc giúp hướng dẫn thay đổi lịch trình sản xuất của nhà thầu phụ. Sau nhiều tháng nỗ lực, công ty đã mang lại kết quả ấn tượng: giao hàng đúng hạn bởi nhà cung cấp tăng hơn 20%, thời gian xác nhận đơn hàng giảm rõ rệt. Ngày nay công ty có thể xác nhận đơn hàng trong vòng 2 đến 3 ngày, thay bằng 2 đến 3 tuần như trước kia. Công ty đã dần lấy lại được lòng tin của khách hàng.