Mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản mang đến những lợi ích to lớn nhưng thách thức đi kèm cũng không hề nhỏ, buộc các quốc gia phải có hướng đi đúng.
Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đem đến những cơ hội lớn trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản nhưng cũng kèm theo các thách thức không nhỏ, nhất là khả năng cạnh tranh của nông sản, buộc các quốc gia phải tìm một hướng đi đúng cho loại hàng hóa quan trọng này.
Xu hướng phát triển
Thị trường hàng nông sản thế giới luôn có những xu hướng phát triển mới theo nhiều phương diện khác nhau cả về sản xuất, tiêu thụ, giá cả và những đàm phán thương mại giữa các quốc gia và các khu vực với nhau.
Điều này đang dẫn tới những thuận lợi và cả những khó khăn đối với mỗi quốc gia trong quá trình phát triển nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp.
Sự gia tăng dân số là một thách thức lớn đối với nền kinh tế thế giới và đối với vấn đề an ninh lương thực toàn cầu nói riêng.
Theo Liên hợp quốc, dân số thế giới sẽ tiếp tục tăng đáng kể từ nay đến năm 2020, qua đó sẽ làm tăng mạnh nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp, nhất là lương thực, thực phẩm.
Tiếp theo, thị trường hàng nông sản thế giới vẫn đang có xu hướng chuyển dần về khu vực các nước đang phát triển, nhất là các nước ở châu Á.
Các nước này ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong giá trị thương mại quốc tế về các sản phẩm nông nghiệp, nhất là giá trị nhập khẩu.
Sự biến động về giá cả các sản phẩm nông nghiệp trên thị trường thế giới luôn ở mức độ cao và xảy ra thường xuyên vì nguyên nhân chủ yếu là sự bất ổn định của sản xuất nông nghiệp (phụ thuộc vào thiên nhiên).
Các sản phẩm trồng trọt và sản phẩm thô có biên độ dao động cao hơn các sản phẩm chăn nuôi và sản phẩm chế biến.
Các nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi vẫn tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và theo đuổi các chính sách để khuyến khích tăng trưởng sản lượng.
Các nước đều có tiềm năng về tài nguyên đất, sẵn sàng chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất canh tác và nâng cao năng suất bằng việc thu hẹp khoảng cách về năng suất so với các nước phát triển.
Việc mở rộng diện tích và gia tăng sản lượng dự kiến sẽ duy trì sự thay đổi về thị phần của các nước đang phát triển.
Do thị phần của các nước đang phát triển tăng trong tổng sản lượng nông sản toàn cầu, nên thị phần của các nước phát triển sẽ có xu hướng giảm.
Tuy vậy, các nhà sản xuất nông nghiệp truyền thống tại những nước phát triển với lợi thế năng suất lao động cao và kỹ thuật sản xuất tiên tiến sẽ tiếp tục có cơ hội để mở rộng thị trường.
Tuy vậy, điều này diễn ra với tốc độ chậm hơn so với giai đoạn trước đây và họ vẫn là những nhà cung cấp lớn đối với một số mặt hàng trên thị trường nông sản thế giới cho đến năm 2022.
Chuỗi giá trị toàn cầu
Để có thể xây dựng, phát triển thương hiệu và tạo chỗ đứng trên thị trường thế giới thì việc các nước đưa nông sản trong nước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu là một hướng đi tất yếu.
Trong số các mô hình chuỗi giá trị nông sản toàn cầu có mô hình các nhà sản xuất tự liên kết với nhau và hình thành chuỗi giá trị, theo đó sẽ thu hút sự tham gia của các bên cung ứng vật tư, giống, chế biến, các nhà xuất khẩu, vận chuyển, phân phối, nhà bán lẻ.
Theo mô hình này, các nhà sản xuất – với vai trò là người điều hành chuỗi – cần xác lập thương hiệu cho nông sản như một yếu tố then chốt để cạnh tranh trên thị trường.
Một nhà sản xuất độc lập khó có thể điều hành chuỗi mà thường là một hiệp hội, một liên minh của các nhà sản xuất cùng tham gia.
Do vậy, thương hiệu của các sản phẩm nông nghiệp được khai thác tối đa lợi thế của chỉ dẫn địa lý hoặc nhãn hiệu tập thể.
Bên cạnh đó, còn có mô hình chuỗi giá trị nông sản do nhà bán lẻ quản lý. Sự tham gia của nông sản vào mô hình chuỗi giá trị này thường ở dạng đã chế biến hoàn chỉnh hoặc các loại rau quả tươi, nông sản tươi sống hoặc một tỷ lệ không lớn các loại nông sản sơ chế để đóng gói lại, chế biến tiếp.
Theo mô hình này, phần nhiều nông sản vẫn mang thương hiệu của doanh nghiệp sản xuất hoặc kèm theo thương hiệu của nhà sản xuất và thương hiệu của nhà bán lẻ.
Tuy vậy, để tham gia chuỗi giá trị này, quy trình sản xuất và chất lượng nông sản phải tuân thủ những quy định rất nghiêm ngặt của nhà bán lẻ.
Lợi thế cơ bản khi tham gia chuỗi do nhà bán lẻ quản lý là các sản phẩm nông nghiệp sẽ có cơ hội gia tăng hình ảnh thương hiệu của mình tại thị trường nước ngoài và từ đó có thể triển khai hệ thống của riêng những doanh nghiệp sản xuất và phân phối trực tiếp hàng hóa đến người tiêu dùng cuối cùng.
Ngoài ra, mô hình chuỗi giá trị nông sản do các bên cung ứng quản lý là chuỗi do những người cung ứng như nhà xuất khẩu, doanh nghiệp nhập khẩu hoặc nhà phân phối…, quản lý.
Vì vậy, hầu hết các nông sản đều phải mang thương hiệu của bên cung ứng hoặc có sự kết hợp cả thương hiệu của bên cung ứng và thương hiệu riêng của nông sản, trong đó vai trò chính là thương hiệu của bên cung ứng.
Theo nhận định của các chuyên gia, xu hướng phát triển của thị trường nông sản thế giới sẽ chịu nhiều ảnh hưởng của các cuộc đàm phán thương mại quốc tế.
Trong bối cảnh này, việc các nước tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu là hướng đi khả quan cho hàng nông sản trong những năm tới./.
Anh Quân (Tổng hợp) – Bnews