Từ sự chồng chéo trong quy định pháp luật đã dẫn đến tình trạng tại một số cửa khẩu, DN bị kiểm tra hàng hóa hai lần do Bộ đội Biên phòng và Hải quan thực hiện. Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng, Thông tư 09/2016/TT-BQP của Bộ Quốc phòng quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 112/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền có thể làm tăng thêm thủ tục kiểm tra thực tế hàng hóa.
Thực tế, khi khảo sát việc thực hiện thủ tục hải quan tại một số cửa khẩu biên giới, cơ quan Hải quan đã nhận thấy có sự chồng chéo về kiểm tra hàng hóa giữa lực lượng Biên phòng và Hải quan. Theo ông Âu Anh Tuấn-Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), hiện nay trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại cửa khẩu trong việc kiểm tra hàng hóa, phương tiện vận tải khá chồng chéo giữa cơ quan Hải quan và Bộ đội Biên phòng. Qua công tác kiểm tra thực tế tại các cục Hải quan địa phương có biên giới giáp Lào (như Hà Tĩnh, Nghệ An), Tổng cục Hải quan nhận thấy có hiện tượng Bộ đội Biên phòng can thiệp sâu vào công tác quản lý hàng hóa XK, NK của cơ quan Hải quan. Có tình trạng hồ sơ hải quan đã được cơ quan Hải quan xác nhận thông quan đối với phương tiện vận tải, hàng hóa nhưng khi qua cửa khẩu, DN lại tiếp tục mang hồ sơ hải quan đến Bộ đội Biên phòng để kiểm tra, xác nhận.
Theo nguồn tin của Báo Hải quan, vừa qua Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật(Bộ Tư pháp) đã tổ chức cuộc họp với các đơn vị có liên quan để làm rõ tính pháp lý tại Thông tư 09/2016/TT-BQP. Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho rằng, theo quy định tại Luật Hải quan 2014, Nghị định 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; cơ quan Hải quan có nhiệm vụ chủ trì kiểm tra thực tế hàng hóa (có thẩm quyền quyết định hình thức, mức độ kiểm tra thực tế hàng hóa). Nghị định 112/2014/NĐ-CP của Chính phủ cũng nêu rõ: “Cơ quan Hải quan cửa khẩu chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu thực hiện thủ tục XK, NK đối với hàng hóa tại cửa khẩu biên giới”. Về trách nhiệm của Bộ đội Biên phòng cửa khẩu: “Có trách nhiệm phối hợp kiểm tra, giám sát hàng hóa, vật phẩm xuất, nhập qua biên giới; đảm bảo an ninh hàng hóa XNK”.
Tuy nhiên, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 12 Thông tư 09/2016/TT-BQP thì Bộ đội Biên phòng cửa khẩu cũng có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu sự phù hợp giữa thực tế hàng hóa với hồ sơ hàng hóa; tập trung phát hiện các dấu hiệu liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, buôn lậu và gian lận thương mại, phát hiện xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực XK, NK. Quy định này không nêu rõ việc phối hợp được thực hiện khi nào? Mối liên quan giữa kiểm tra thực tế hàng hóa do Bộ đội Biên phòng tiến hành và kiểm tra thực tế hàng hóa do cơ quan Hải quan chủ trì, quyết định. Chính vì vậy, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho rằng, việc quy định như tại Điểm b khoản 2 Điều 12 Thông tư 09/2016/TT-BQP có thể dẫn đến việc đặt thêm thủ tục kiểm tra thực tế hàng hóa do Bộ đội Biên phòng tiến hành ngoài kiểm tra thực tế hàng hóa do cơ quan Hải quan chủ trì, không phù hợp với quy định tại Luật Hải quan 2014, Nghị định 08/2015/NĐ-CP và Nghị định 112/2014/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, kết quả rà soát của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cũng cho thấy một số điểm giữa Thông tư 09/2016/TT-BQP và khoản 2 Điều 12 Nghị định 112/2014/NĐ-CP có sự không thống nhất. Việc điểm b khoản 3 Điều 15 Thông tư 09/2016/TT-BQP quy định phải có ý kiến thống nhất của các sở, ngành trong việc xác định phạm vi khu vực cửa khẩu phụ, lối mở biên giới trước khi đề xuất UBND tỉnh quyết định là không có cơ sở, không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 112/2014/NĐ-CP. Quy định này gây khó khăn trong việc thực hiện vai trò chủ trì của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng trong việc đề xuất UBND tỉnh quyết định phạm vi khu vực cửa khẩu phụ, lối mở biên giới.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Nghị định 112/2014/NĐ-CP, UBND tỉnh biên giới phải xin ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính trước, sau đó mới thống nhất với chính quyền cấp tỉnh đối diện. Tuy nhiên, tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều 16 Thông tư 09/2016/TT-BQP quy định trình tự, thủ tục thay đổi thời gian làm việc tại cửa khẩu, lối mở biên giới; mở cửa khẩu, lối mở biên giới ngoài thời gian làm việc trong ngày nêu: “Sau khi thống nhất với chính quyền cấp tỉnh nước có chung biên giới, UBND tỉnh xin ý kiến các bộ: Quốc phòng, Tài chính về việc thay đổi thời gian làm việc tại cửa khẩu phụ, lối mở biên giới đất liền. Căn cứ ý kiến thống nhất của các bộ: Quốc phòng, Tài chính, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành của tỉnh: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Cục Hải quan, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý cửa khẩu và UBND cấp huyện có cửa khẩu phụ, lối mở biên giới đất liền thực hiện”. Như vậy, quy định như tại Thông tư 09 là ngược với trình tự tại Nghị định 112/2014/NĐ-CP.
Trong tháng 7, Bộ Công Thương cũng chủ trì cuộc họp có đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đại diện Tổng cục Hải quan và các địa phương. Tại đây, đại diện Tổng cục Hải quan cũng nêu rõ hiện đang có sự chồng chéo về nhiệm vụ kiểm tra giám sát đối với hàng hóa XNK giữa cơ quan Hải quan và Bộ đội Biên phòng, gây khó khăn cho hoạt động XNK của DN. Những ý kiến của Tổng cục Hải quan liên quan đến trách nhiệm quản lý, kiểm tra giám sát hàng hóa và sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng cũng được báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, sau khi Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật tổ chức họp với các đơn vị liên quan, đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết sẽ ghi nhận những ý kiến về Thông tư 09, báo cáo Bộ Quốc phòng để có giải pháp cụ thể. |