Vận tải biển vẫn lênh đênh

Các doanh nghiệp ngành vận tải biển vẫn tiếp tục đối mặt với hàng loạt khó khăn khi thị trường vận tải biển chưa hồi phục trở lại, lượng hàng ít, giá cước thấp trong khi mức độ cạnh tranh trong ngành ngày càng gay gắt.

Vận tải biển
Tàu cập cảng Cát Lái – TP.HCM. Ảnh: N.Hiền.

Theo báo cáo tài chính quý II-2016 của Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (VOS), lợi nhuận trong kỳ của công ty tiếp tục âm hơn 80 tỷ đồng. Đây là quý thứ 6 liên tiếp VOS có kết quả kinh doanh thua lỗ. Theo đó, trong kỳ doanh thu thuần đạt 311 tỷ đồng, giảm 24% so với quý II-2015. Tuy nhiên, giá vốn lại lên tới 336 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp âm 25 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2016, lợi nhuận trước thuế của VOS âm gần 126 tỷ đồng.

Tương tự VOS, doanh thu thuần quý II-2016 của Công ty CP Vận tải Biển bắc (NOS) chỉ đạt 47,7 tỷ đồng, giảm 23% so với quý II-2015. Nhưng giá vốn trong kỳ lên tới 106,6 tỷ đồng. Do đó lợi nhuận gộp âm gần 60 tỷ đồng. Mặc dù các chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm mạnh, nhưng lợi nhuận trước thuế của công ty vẫn âm 114 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, NOS lỗ gần 209 tỷ đồng. Theo Tổng giám đốc NOS Trịnh Hữu Lương, sự suy giảm của thị trường vận tải biển từ cuối năm 2008 đến nay khiến công ty gặp rất nhiều khó khăn. Giá cước sụt giảm đến 90%, nguồn hàng khan hiếm. Đội tàu rơi vào tình trạng nguồn thu không đủ bù đắp chi phí thiết yếu cho đội tàu như: Tiền lương, bảo hiểm, nhiên liệu, vật tư, sửa chữa… Ngoài ra, do đội tàu của công ty được đầu tư vào thời điểm thị trường vận tải biển đang phát triển nên giá đầu tư tàu cao dẫn đến chi phí khấu hao và chi phí lãi vay cao. Theo đó, trong kỳ, chi phí lãi vay phải trả của công ty là 81 tỷ đồng, ngoài ra, công ty phải trích khấu hao đoàn tàu biển gần 114 tỷ đồng. Tại thời điểm 30-6, NOS lỗ lũy kế 3.276 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 3.017 tỷ đồng.

Công ty CP Vận tải biển Vinaship cũng kéo dài chuỗi ngày thua lỗ với khoản lỗ ròng 21 tỷ đồng trong quý II-2016, cùng kỳ năm trước công ty cũng lỗ gần 20 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2016, Vinaship lỗ hơn 29 tỷ đồng. Theo ông Vương Ngọc Sơn, Tổng giám đốc Vinaship, quý II-2016 tiếp tục là giai đoạn khó khăn của ngành vận tải biển, chỉ số giá cước vận tải biển hàng rời (BDI) cao nhất là 715 điểm vào ngày 27-4 nhưng vẫn thấp hơn 100 điểm so với cùng kỳ năm trước. Sau đó, chỉ số BDI giảm dần và đến ngày 22-6 chỉ còn 582 điểm. Ngoài ra, trong quý II-2016, chân hàng chủ lực của công ty là gạo xuất khẩu không còn nên đội tàu của công ty phải chuyển hướng sang vận tải các hàng hóa khác có giá trị thấp như clinker, đá vôi, than nội địa… Do thị trường khó khăn, hàng hóa khan hiếm, số lượng tàu trên thị trường dư nhiều dẫn đến cạnh tranh gay gắt, cước vận tải suy giảm mạnh. Bên cạnh đó, do số lượng tàu tham gia vận tải nhiều, vượt khả năng tiếp nhận của các cảng dẫn đến thời gian tàu chờ đợi 2 đầu bến để xếp và dỡ hàng kéo dài, làm giảm hiệu quả khai thác ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả kinh doanh. Thêm vào đó, trong kỳ, công ty có 2 tàu lên đà sửa chữa lớn, thời gian sửa chữa kéo dài do ảnh hưởng thời tiết xấu và năng lực hạn chế của các nhà máy, do đó cũng làm giảm doanh thu của công ty.

Công ty CP vận tải và thuê tàu biển Việt Nam (Vitranschart) cũng lập kỷ lục với 18 quý liên tiếp có kết quả kinh doanh âm khi tiếp tục lỗ 71 tỷ đồng trong quý II-2016. Theo đó, giá vốn cao hơn doanh thu đã khiến lợi nhuận gộp trong kỳ của Vitranschart âm 37 tỷ đồng. Trong khi đó, công ty phải gánh gần 32 tỷ đồng chi phí tài chính (gấp đôi so với quý II-2015) cùng với chi phí quản lý doanh nghiệp cũng vẫn ở mức cao chính là nguyên nhân dẫn đến thua lỗ của công ty.

Theo giải trình của Vitranschart, trong quý II-2016, doanh thu của công ty giảm 12 tỷ đồng. Trong đó doanh thu hoạt động vận tải đội tàu Vitranschart giảm 6 tỷ đồng do ảnh hưởng của thị trường chưa hồi phục. Ngoài ra, việc thu hẹp sản xuất kinh doanh tại các công ty con và các chi nhánh cũng ảnh hưởng tới doanh thu trong kỳ. Tính đến ngày 30-6, Vitranschart đã hoàn thành việc chấm dứt hoạt động chi nhánh Vitranschart tại Vũng Tàu và Quy Nhơn, đồng thời đang tiến hành thủ tục giải thể Công ty TNHH MTV sửa chữa tàu biển Phương Nam. Tại thời điểm ngày 30-6, Vitranschart lỗ lũy kế 887,6 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 282,6 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, chỉ số BDI giảm chủ yếu do sức tiêu thụ của Trung Quốc giảm và sự bất ổn địa chính trị tại nhiều nơi trên toàn cầu. Trong khi đó, nguồn cầu vận chuyển hàng rời từ Trung Quốc dự báo tiếp tục giảm khi sản xuất công nghiệp và xuất khẩu Trung Quốc các tháng đầu năm 2016 vẫn trên đà đi xuống cho thấy nguồn cầu vận chuyển hàng rời tại thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới vẫn trong chu kỳ giảm. Hiện thị trường rơi vào tình trạng có quá nhiều tàu cùng theo đuổi một lượng hàng ít ỏi. Việc đàm phán giá cả khó khăn do nguồn cung vượt xa nhu cầu về vận chuyển. Trong khi đó, các doanh nghiệp vận tải biển của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, từ cơ cấu đội tàu không hợp lý, thiếu liên kết giữa chủ tàu và DN xuất nhập khẩu, kỹ thuật tàu yếu kém, đến năng lực quản lý chưa cao… nên khó có khả năng tranh giành thị phần với các DN nước ngoài. Từ thực tế đó có thế thấy, các doanh nghiệp vận tải biển khó có khả năng phục hồi ít nhất cho đến cuối năm 2016.

Nguyễn Hiền

HQ Online