Những năm qua chi phí logistics của Việt Nam vẫn chiếm đến 20-25% GDP cả nước, gây lãng phí nhiều nguồn lực.
Bộ Công Thương mới có Dự thảo Quyết định của Thủ tướng về việc phê duyệt Kế hoạch hành động, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam. Dự thảo đang được Bộ Công Thương xin ý kiến các bộ, ngành, hiệp hội và các doanh nghiệp.
Theo Bộ Công Thương, thời gian qua, logistics được xác định là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế.
Quan điểm này vẫn không thay đổi trong dự thảo kế hoạch lần này của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, những năm qua chi phí hoạt động logistics của Việt Nam vẫn chiếm đến 20-25% GDP cả nước, gây lãng phí nhiều nguồn lực trong nước.
Do vậy, việc giảm chi phí logistics sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam tăng sức cạnh tranh trong môi trường hội nhập. Trong khi đó, ở các nước phát triển, chi phí logistics chỉ chiếm 7 – 10% GDP.
Dự thảo của Bộ Công Thương cho rằng, sự cạnh tranh về giá, hoạt động manh mún, chụp giật lẫn nhau, làm thuê cho các công ty nước ngoài ngay trên sân nhà vẫn là tình trạng chung của các nhà cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam.
Cụ thể là Việt Nam hiện có khoảng 1.300 doanh nghiệp dịch vụ logistics, chủ yếu làm nhiệm vụ giao nhận, vận tải, kho bãi, cảng biển, bốc xếp, phân phối, đại lý, thủ tục hải quan, các dịch vụ logistics tích hợp…
Tuy vậy, vẫn có đến 72% trong số này là những doanh nghiệp vừa và nhỏ (quy mô vốn từ 4 – 6 tỷ đồng), chỉ có 5-7% nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, còn lại là do doanh nghiệp tự đào tạo.
Do đó, để có thể phát triển được dịch vụ logistics, Bộ Công Thương đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics; nâng cao năng lực kết cấu hạ tầng; nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ; phát triển thị trường…
Cụ thể là cần bổ sung, sửa đổi nội dung về dịch vụ logistics trong Luật Thương mại; xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics thời kỳ 2020-2030; rà soát các văn bản pháp luật, chính sách liên quan đến logistics của Việt Nam để ban hành mới các chính sách, thể chế pháp luật điều chỉnh dịch vụ logistics…
“Đến năm 2020, tỷ trọng đóng góp vào GDP đạt 5%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 40%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 18% GDP, xếp hạng theo chỉ số LPI đạt thứ 55 trên thế giới”, dự thảo nêu rõ./.
Nguyễn Quỳnh
VOV.VN