Các nghề nghiệp “đắt giá” trong ngành chuỗi cung ứng châu Á – Thái Bình Dương

Theo rada xu hướng DHL 2016 (là công cụ đưa ra cái nhìn toàn cảnh về các xu hướng xã hội, kinh tế và công nghệ do hãng DHL phát triển) những yếu tố lớn ảnh hưởng đến hậu cần và chuỗi cung ứng, còn gọi là “megatrends”, đang làm tăng nhận thức an ninh, tăng sự thay đổi theo hướng sản xuất năng lượng sạch, vận tải sạch và số hóa nhiều hơn nữa.

Những xu hướng này đã chuyển thành nhu cầu phát triển các giải pháp lợi giá, hiệu quả, linh hoạt và thân thiện môi trường hơn, đặc biệt là trong giao thông vận tải. Các DN tin rằng The Internet of Things sẽ là nguồn dữ liệu lớn tiếp theo cho phép tăng hiệu suất, hiệu quả và tính linh hoạt.

Toàn cảnh khu vực châu Á – Thái Bình Dương

Dĩ nhiên châu Á-Thái Bình Dương không thể phớt lờ các xu hướng này, nhưng nên hiểu rằng khu vực này cũng có những vấn đề riêng cần được giải quyết. Theo số liệu từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các nền kinh tế châu Á mất 2-5% GDP vì tắc nghẽn giao thông, trong khi số lượng phương tiện giao thông tăng gấp đôi mỗi 5-7 năm. Châu Á-Thái Bình Dương cũng nổi tiếng thiếu thống nhất trong quy định hải quan.

Thực tế thì, các chỉ số quan trọng cho thấy khu vực này khó có khả năng thống nhất với nhau trong tương lai gần. Tất cả mọi thứ, từ tốc độ tăng trưởng GDP và GDP bình quân đầu người đến tỷ lệ người dùng internet thường xuyên và tổng chi tiêu trong nước dành cho nghiên cứu và phát triển rất khác nhau ở mỗi quốc gia.

Điều này buộc các nước trong châu Á-Thái Bình Dương phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng để có thể bắt kịp các vùng khác. Họ phải tiếp tục công cuộc hội nhập và hợp tác xuyên biên giới để hình thành một thị trường thống nhất hơn, đồng thời phù hợp với xu hướng toàn cầu đang hướng tới một thế giới sạch hơn, an toàn hơn, hiệu quả hơn.

Các vị trí mà khu vực đang cần

Các DN hậu cần và chuỗi cung ứng khu vực châu Á-Thái Bình Dương hiện có ba vị trí chủ chốt trên thị trường việc làm. Sự tăng trưởng của các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương và sự gia tăng của hoạt động sản xuất trong khu vực không hề cho dấu hiệu giảm nhu cầu tuyển dụng các vị trí này.

Các vấn đề với cơ sở hạ tầng giao thông và hải quan đòi hỏi việc lập kế hoạch cẩn thận hơn để giảm chi phí, cải thiện thời gian giao hàng, và khiến giao thông vận tải thân thiện hơn với môi trường. Có một sự gia tăng quy mô công nghiệp trong việc bổ sung các giải pháp công nghệ mới nhất nhằm nâng cao hiệu suất.

1. Nhà quản lý thiết kế giải pháp

Quản lý thiết kế giải pháp đóng vai trò quan trọng trong việc đưa các cải tiến mới vào thị trường châu Á-Thái Bình Dương. Mặc dù đã có những sáng kiến trong khu vực hướng tới hài hòa thương mại, đặc biệt là những nỗ lực của ASEAN, vẫn tồn tại nhiều khác biệt trong chất lượng cơ sở hạ tầng giữa các nước thành viên.

Và giải pháp cho vấn đề này sẽ không (và không thể) có trong một sớm một chiều. ADB ước tính, đến năm 2020, năng suất của các sân bay trong khu vực sẽ chỉ thỏa mãn 41% nhu cầu, của đường sá là 78 %, và của các cảng biển là 48%.

Vai trò truyền thống của các nhà quản lý thiết kế giải pháp (là phụ trách phát triển chiến lược mạng lưới hậu cần, thiết kế các giải pháp vận tải và kho chứa) sẽ khiến họ thành một phần không thể thiếu cho các DN mong muốn chạy theo tốc độ tăng trưởng của khu vực và dẫn đầu cuộc đua.

Các nhà quản lý thiết kế giải pháp cũng sẽ được trọng dụng do nhu cầu tích hợp những phát triển mới nhất trong lĩnh vực người máy và số hóa vào môi trường làm việc, và đảm bảo những ứng dụng này được tận dụng tối đa.

2. Nhà phân tích dữ liệu giao thông vận tải

Phân tích dữ liệu giao thông vận tải sẽ là công việc “hot” vì những lý do tương tự như quản lý thiết kế giải pháp: nhu cầu cải tạo giao thông trong khu vực thật hiệu quả, lợi giá và thân thiện môi trường, cũng như phiên dịch và tận dụng các dữ liệu thu được từ các công nghệ tiên tiến của Internet of Things.

Trong năm 2015, thế giới có khoảng một trăm triệu nguồn với 5 tỷ đơn vị kết nối với nhau nhờ IOT. Trong năm 2020, con số này dự kiến tăng hơn 20 tỷ, trong đó một số nguồn ước tính có số đơn vị tăng cao đến 200 tỷ.

IOT dự kiến sẽ tạo cơ hội cho các chuỗi cung ứng đạt được tầm nhìn mà họ chưa từng có trước đây. Ngày nay, khoảng 40% các đơn vị kết nối với IOT thuộc khối ngành sản xuất và cung ứng. Điện toán đám mây sẽ là công cụ được dùng để xử lý lượng dữ liệu khổng lồ đó, nhưng các DN cũng cần nguồn lực thực tế thực hiện một phần việc phân tích và tư vấn những cách tốt nhất để sử dụng thông tin thu được từ khối dữ liệu trên.

3. Kỹ sư phần mềm và kỹ sư người máy

Trong năm 2012, DN thương mại điện tử toàn cầu khổng lồ Amazon mua Kiva Systems, một công ty người máy xử lý quy trình tự động hóa kho xưởng. Amazon cũng cho biết họ sẽ tiến hành một chương trình tên “Prime Air”, cho phép giao các gói hàng nhỏ trong 30 phút sử dụng máy bay mini không người lái. Sáng kiến này của Amazon nhằm gia tăng tính tự động hóa của chuỗi cung ứng sử dụng công nghệ người máy đã đưa họ lên vị trí dẫn đầu xu hướng.

FedEx và UPS cũng đang nghiên công nghệ này, cũng như các phương pháp khác để tự động hóa quy trình vận chuyển.

Trong khi chúng ta mong chờ các đội bay mini không người lái đi vào sử dụng rộng rãi, các DN đã và đang tiếp tục sử dụng các giải pháp kỹ thuật số để nâng cao hiệu suất hoạt động và cung cấp nhiều tiện ích hơn cho khách hàng.

Daimler và DHL đang thử nghiệm chương trình “smart ready to drop” ở Đức, cho phép nhân viên giao hàng DHL mua trực tuyến trực tiếp vào cốp xe thông minh Daimler của người mua mà không cần họ ở gần đó. Toàn bộ quá trình được hỗ trợ bởi một ứng dụng đặc biệt.

Chúng ta không biết liệu các công ty vận chuyển và hậu cần lớn sẽ mua lại các DN sản xuất người máy tự động như Amazon đã làm, hoặc liệu họ sẽ tìm kiếm ở các DN khác các giải pháp tự động hóa hay không. Tuy nhiên, nhu cầu tuyển kỹ sư phần mềm và kỹ sư người máy dự kiến sẽ tăng mạnh trong tương lai gần – những người sẽ phát triển và duy trì các giải pháp cho quá trình tự động hóa, cũng như nhiều giải pháp thông minh mà chúng ta đã và đang áp dụng.

Radu Palamariu (*)

(*) Radu là trưởng nhóm thực hành của Morgan Philips Executive Search,
công ty chuyên săn đầu người trong ngành hậu cần và chuỗi cung ứng ở châu Á.

Dịch: Nhã Hân

VLR