(Xây dựng) – Một hải cảng ngóng tàu, ảm đạm như bến đợi thuyền. Nhìn vùng nước mênh mang, không một bóng tàu bè; cầu tàu rêu phong, cần cẩu, thiết bị nâng hạ chỏng chơ, han rỉ, hoang tàn ở cuối đường, trong khi đầu đường, bao tỉnh miền núi Tây Bắc thèm cảng, mà xót xa lòng.
Bến nước mênh mang không bóng tàu bè
Đó là cảng Mũi Chùa, thuộc huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) được Bộ GT-VT đồng ý cho xây dựng từ năm 1996, gồm 2 bến cập tàu 1.000 DWT làm hàng (mỗi bến dài 54m cách biệt thành khu hàng rời và hàng bao), 2 kho chứa hàng (1.440m2); kho chứa xăng (100m3), bãi chứa hàng (4.500m2), tổng diện tích mặt bằng 3,6ha; 2 cần trục 16 tấn, hệ thống phễu, băng chuyền. Ngân sách nhà nước đầu tư năm ấy là 26 tỷ đồng. Công suất hàng hoá thông qua cảng là 260.000 tấn/năm. Cảng xây xong các hạng mục chính, được phép đón tàu vào năm 1999. Do Công ty CP Vận tải và Xếp dỡ Quảng Ninh quản lý, khai thác.
Tính đốt ngón tay, thì cảng này xây dựng xong đã 20 năm. Nhưng 2 thập kỷ qua bến cảng này hoạt động rời rạc, không phát huy được tác dụng. Tiền tỷ nhà nước bỏ ra xây dựng bến cảng, đường sá, nhà cửa kho tàng, bến bãi, thiết bị nâng hạ bỏ xó.
Bến cảng Mũi Chùa phay ra cho 5 doanh nghiệp thuê kho bãi
Cũng tháng này năm 2011, chúng tôi đến cảng Mũi Chùa, một cán bộ của Công ty CP Vận tải và Xếp dỡ Quảng Ninh, đơn vị quản lý cho biết: Cảng khánh thành năm 1999, cờ rong trống mở rồi bỏ đấy. Bẵng đi một thời gian dài, năm 2011 có một doanh nghiệp làm hàng container từ Hải Phòng đến, ngỏ ý thuê cảng để trung chuyển hàng hóa, tưởng rằng rồi đây bến cảng sẽ sôi động. Qua 2 tháng thương thảo, chưa rõ lý do, mặt hàng của họ không được phép chuyển tải qua đường cảng Mũi Chùa. Bến cảng lại trở về hiu quạnh. Để gỡ thế bí, lãnh đạo Công ty CP Vận tải và Xếp dỡ Quảng Ninh bèn chia lô, rải thửa cho 5 đơn vị thuê mặt bến, chứa dăm gỗ, cát sỏi, vật liệu xây dựng. Nhưng hàng hóa loại vật liệu thô này, qua cảng cũng tháng có tháng không, tháng củ mật mà doanh nghiệp làm hàng dăm gỗ, chỉ có 3 chuyến tàu đến ăn hàng. Bến cảng xuất nhập bình quân chưa nổi 3.000 tấn/tháng. Nay, tức tháng 7/2015, chúng tôi trở lại thăm cảng Mũi Chùa, còn tồi tàn hơn 4 năm trước. Ban quản lý cảng chỉ còn 5 người, gồm 4 bảo vệ, 1 người phụ trách. Doanh thu xếp dỡ hàng hóa 122 triệu đồng /năm, thấp hơn một quán hàng nhỏ ở chợ Tiên Yên.
Cầu cảng sạt lở, thiết bị nâng hạ, xếp dỡ lâu ngày không sử dụng
Vì sao một cảng biển có nhiều thuận lợi như nước sâu, kín gió, là đầu mối giao thông quan trọng giao lưu với các tỉnh trong nước và quốc tế, mà lượng hàng thông qua cảng lại đạt thấp như vậy? Qua tìm hiểu được biết, hai nguyên nhân cơ bản:
Một là đơn vị quản lý (Công ty CP Vận tải và Xếp dỡ Quảng Ninh) doanh nghiệp của thời bao cấp lưu dung chậm đổi mới, thiếu tính chuyên nghiệp, không có khả năng tài chính đầu tư sản xuất. Doanh nghiệp phay mặt cảng ra cho 5 đơn vị thuê, theo kiểu phát canh thu tô, trục lợi trên đồng tiền ngân sách nhà nước bỏ ra đầu tư xây cảng, tự đánh mất thương hiệu, mất thị trường.
Đường số 4b đoạn từ xã Bắc Lãng (Lạng Sơn) đến cảng Mũi Chùa đường thoáng rộng, dễ đi
QL số 4b Lạng Sơn – Tiên Yên
Hai là, tuyến đường 4B, huyết mạch giao thông chính từ các tỉnh Tây Bắc đến Mũi Chùa còn nhiều cách trở. Độ đường từ thành phố Lạng Sơn đến huyện Tiên Yên chỉ 94km, nhưng nhiều đoạn gồ ghề, chật hẹp. Đoạn từ Na Dương đến Tiên Yên dài 60 km còn khả dĩ, đoạn Mẫu Sơn đến Lục Bình đường quá xấu, xe cộ đi lại rất khó khăn. Năm 2013 Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch nâng cấp tuyến đường này, đến nay triển khai chưa được là bao. Cảng Mũi Chùa trên 100 năm trước người Pháp đã khởi thảo đưa vào danh mục cảng biển Quốc tế. Trên thực tế, nó đã từng là thương cảng sầm uất, ở trấn lỵ trung tâm vùng Đông Bắc. Con đường 4B từ cửa khẩu Lạng Sơn đến Mũi Chùa người Pháp đã định làm một tuyến đường sắt song song với đường bộ, bởi địa hình từ Lạng Sơn đến Mũi Chùa vùng rừng nhưng khá bằng phẳng. Trước đây QL 4B từng là con đường huyết mạch giao thông Bằng Tường (Trung Quốc) đến Tiên Yên, bến nước Mũi Chùa. Mũi Chùa, là một trong số điểm xuất bến của những con tàu huyền thoại không số, nhận hàng của các nước bầu bạn giúp ta vượt đường mòn trên biển, chi viện cho chiến trường thời kháng chiến chống Mỹ.
Nhà điều hàng cảng Mũi Chùa cửa đóng then cài, đìu hưu, hoang vắng
Tòa nhà này chỉ có 5 người làm việc, 1 cán bộ quản lý, 4 bảo vệ
Có thể nhận thấy rằng, cảng biển Mũi Chùa với lợi thế là đầu mối quan trọng không chỉ cho vùng Đông Bắc bộ, mà còn cho các tỉnh lân cận, bởi lẽ nó giúp rút ngắn khoảng cách lưu thông hàng hoá so với vận chuyển bằng đường bộ qua QL18 và là điểm tập kết thuận lợi cho việc trung chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu tới các cửa khẩu Hoành Mô (Bình Liêu), Bắc Phong Sinh (Hải Hà), Bắc Luân (Móng Cái) cùng các cửa khẩu của Lạng Sơn, Cao Bằng và hàng hóa nội địa vùng miền núi Tây Bắc. QL 4B đoạn từ thành phố Lạng Sơn đến huyện Tiên Yên đoạn đường ngắn, vượt đồi núi không cao, hiện xe con gầm cao dễ đi lại. Ngày cuối tuần, người miền núi Tây Bắc hạ sơn xuống Mũi Chùa tắm biển, thưởng thức các món ăn vùng biển. Nhiều nhà hàng nổi trên sông Tiên Yên, giàu lên nhờ túi tiền của người Tây Bắc. Nhu cầu du lịch phát triển, nhu cầu vận tải hàng hóa cần cảng. Các tỉnh miền núi Tây Bắc ở đầu đường 4B khát khao có cảng, mà cuối đường 4B, cảng lại bỏ hoang, rêu phong cỏ mọc.
Một bến cảng tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác, và không biết cảng Mũi Chùa còn bị bỏ phí đến bao giờ?