Trường hợp không có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì cơ hội mới về thương mại và đầu tư sẽ giảm, nhưng nếu biết tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và không gian kinh tế của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), thì lợi thế của nước ta sẽ được phát huy tốt hơn…
Tổng quan TPP
Ngày 4/2/2016 Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết. 12 nước tham gia TPP gồm Australia, Brunei, Canada, Chi Lê, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam, có quy mô kinh tế chiếm 40% tổng GDP và 30% kim ngạch thương mại toàn cầu. Với TPP, lần đầu tiên trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam cùng với 11 quốc gia, trong đó có 3 nước G7 là Mỹ, Nhật Bản và Canada đồng sáng lập hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới có quy mô lớn nhất toàn cầu, thể hiện vị thế của Việt Nam trên thế giới, cũng như sự phát triển theo hướng tích cực quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.
Theo nhận định của nhiều tổ chức kinh tế quốc tế cũng như cơ quan nghiên cứu của nước ta, TPP đặt ra thách thức mới do Việt Nam phải thực hiện những tiêu chuẩn cao trong khi là nền kinh tế kém phát triển nhất trong những nước tham gia. Tuy vậy, TPP tạo ra cơ hội mới để Việt Nam cải cách nhanh hơn thể chế kinh tế, để doanh nghiệp trong nước tham gia có hiệu quả hơn chuỗi giá trị toàn cầu, để tái cấu trúc có hiệu quả nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới, tăng nhanh hơn kim ngạch thương mại quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) và tăng trưởng kinh tế.
Có hay không có TPP thì Việt Nam vẫn phải nâng cao năng lực cạnh tranh ở cấp độ quốc gia, doanh nghiệp, sản phẩm và chuỗi cung ứng. (Trong ảnh: Công ty Hiền Lê ở Hải Dương, chuyên cung cấp phụ tùng cho Canon). Ảnh: Đức Thanh |
Nghiên cứu của Viện Kinh tế quốc tế Peterson chỉ ra rằng, sau khi TPP có hiệu lực, Việt Nam là nước có thu nhập và xuất khẩu tăng mạnh nhất trong 12 quốc gia, với tốc độ tăng trưởng lần lượt là 13,6% và 31,7%. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025; xuất khẩu sẽ tăng thêm 68 tỷ USD vào năm 2025.
Cùng với TPP, năm 2016, nước ta đã ký kết FTA với EU, với Hàn Quốc, với Liên minh kinh tế Á – Âu, cùng với các nước thành viên ASEAN khác chuyển từ AFTA sang Cộng đồng ASEAN (AC), trong đó có Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Do vậy, TPP nằm trong chuỗi các sự kiện hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hơn, nhằm tận dụng lợi thế đất nước trong một thế giới đang chuyển động nhanh chóng, để thực hiện thành công các mục tiêu kinh tế – xã hội trong giai đoạn 2016 – 2020.
Nước ta đã sẵn sàng làm thủ tục phê chuẩn TPP và có sự chuẩn bị thực hiện TPP theo đúng cam kết với các đối tác, đồng thời với việc thực hiện các FTA mới và AEC.
Về việc Mỹ rút khỏi TPP
TPP là nỗ lực của Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Barack Obama cùng với 11 thành viên khác hoàn thành Hiệp định, vận động để Quốc hội Mỹ thông qua trước khi kết thúc nhiệm kỳ, đáng tiếc đã không đạt được mục đích.
Trong quá trình vận động tranh cử, ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump đã nhiều lần tuyên bố sẽ xem xét lại TPP. Sau khi đắc cử Tổng thống Mỹ, ông đã đăng tải video thông báo một số công việc ông sẽ làm sau khi trở thành ông chủ nhà trắng vào ngày 20/1/2017, trong đó xác nhận việc Mỹ rút khỏi TPP, vì ông coi TPP là “thảm họa tiềm ẩn của đất nước chúng ta (Mỹ)”. Ông cho biết: “Thay vì TPP, Mỹ sẽ đàm phán các thỏa thuận thương mại công bằng song phương”. Với việc Đảng Cộng hòa chiếm đa số tại thượng viện và hạ viện, thì việc Mỹ rút khỏi TPP như ý muốn của Tổng thống thứ 45 của Mỹ có nhiều khả năng xảy ra.
Ông Michel Kugelman (Trung tâm Woodrow Wilson, Mỹ) cho rằng, việc rút khỏi TPP là một đòn giáng vào sự tín nhiệm của Mỹ ở châu Á…, khiến Trung Quốc cảm thấy có thêm không gian thực hiện các hoạt động gây hấn ở Biển Đông. Về khía cạnh kinh tế, các nước thành viên khác của TPP vẫn còn có cơ hội, nhưng khi không có Mỹ thì tiềm năng bị hạn chế nhiều.
Cựu quan chức cao cấp Bộ Quốc phòng Mỹ Robert Eldridge nhận xét: “Nếu Mỹ thực sự rút khỏi TPP và không đưa ra một khuôn khổ khác toàn diện mang tính thuyết phục, đem lại lợi ích cho các bên và minh bạch để thay thế trong thời gian trước mắt thì tác động về kinh tế và an ninh tới khu vực châu Á sẽ rất lớn và rất tiêu cực”.
Nhà nghiên cứu có uy tín về châu Á, GS. Carl Thayer cho biết, TPP là một “chân kinh tế” trong chính sách tái cân bằng ở châu Á của Tổng thống Barak Obama, việc người kế nhiệm rút khỏi TPP sẽ tác động tiêu cực đối với vai trò của Mỹ ở khu vực này. Bắc Kinh sẽ bước vào khoảng trống này khi Chủ tịch Tập Cận Bình đang thúc đẩy Thỏa thuận tự do thương mại châu Á – Thái Bình Dương thay thế TPP. Giáo sư Carl Thayer cho rằng, “các nước Đông Nam Á phải tự kìm mình lại trước một nước Mỹ theo đuổi chủ nghĩa biệt lập, ưa thích chủ nghĩa đơn phương và song phương hơn là đa phương”.
Mặc dù đã có những tuyên bố của Tổng thống đắc cử Donald Trump, nhưng còn quá sớm để khẳng định “TPP đã chết” vì nhiều nguyên thủ quốc gia các nước tham gia TPP vẫn hy vọng tìm được giải pháp để cứu vãn tình hình. Thủ tướng Australia Malcolm Tumbull tuyên bố, các nước có thể đàm phán lại hiệp định này. Tuần lễ cuối tháng 11, một số thành viên TPP đã gặp nhau tại Diễn đàn APEC ở Peru để thảo luận việc xúc tiến hiệp định mà không có Mỹ.
Ngoài ra, bên trong nước Mỹ, nhiều doanh nghiệp có thế lực, cử tri Đảng Cộng hòa và quân đội phản ứng khi lợi ích của họ bị ảnh hưởng do Mỹ rút khỏi TPP. Hơn nữa, Donald Trump là người hay thay đổi và có những ý tưởng mâu thuẫn với nhau, vì thế không ai biết ông sẽ nghĩ gì trong thời gian tới.
Việt Nam nên làm gì với TPP?
Trên các phương tiện thông tin đại chúng gần đây đã có bình luận về việc không có TPP sẽ tác động như thế nào đến kinh tế Việt Nam. Có người khẳng định, Việt Nam vẫn phát triển nếu không có TPP. Một số doanh nghiệp thì lo ngại, cơ hội do TPP tạo ra với những nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ mất đi, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch ở Mỹ là rào cản lớn đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như thủy sản, dệt may, nông sản khi thị trường này chiếm khoảng 20% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Cũng có cả lo ngại về áp lực từ TPP đối với cải cách thể chế, giảm thiểu thủ tục hành chính sẽ không còn, nên có nguy cơ làm giảm nhịp độ đổi mới đồng bộ nhanh hơn và có hiệu quả hơn.
Từ những thông tin liên quan đến số phận TPP ở Mỹ, Nhật Bản – hai nước chủ yếu trong TPP và các nước khác có thể dự báo có ba kịch bản:
1. Kịch bản xấu nhất là Mỹ rút khỏi TPP, một số nước thấy TPP không có Mỹ sẽ không còn có ý nghĩa, nên không tìm cách cứu vãn tình hình, do đó TPP sẽ chết yểu.
2. Kịch bản tốt nhất là Mỹ yêu cầu đàm phán lại TPP để bảo vệ lợi ích Mỹ theo quan điểm của Tổng thống mới, các nước thành viên khác đồng tình, phải mất thêm thời gian và công sức để “mặc cả” với Mỹ, cuối cùng thì TPP tồn tại với sự tham gia của Mỹ.
3. Kịch bản trung gian là TPP tồn tại mà không có Mỹ. 11 nước thành viên còn lại thực hiện TPP với một số điều chỉnh cần thiết vì lợi ích chung và hài hòa lợi ích các quốc gia thành viên khi không có sự tham gia của Mỹ.
Theo quan điểm của một số nhà nghiên cứu thì khả năng thứ nhất có thể xảy ra tùy thuộc vào việc ai sẽ được lựa chọn vào vị trí Bộ trưởng Ngoại giao và Đại diện thương mại Mỹ, những người có vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại, nhất là chính sách xoay trục về châu Á và chính sách thương mại toàn cầu. Hai kịch bản khác phụ thuộc vào quan điểm của 11 nước thành viên còn lại của TPP.
Là thành viên sáng lập TPP, trong khi hiệp định này đứng trước thử thách lớn, Việt Nam nên theo dõi diễn biến tình hình, nhất là tại Mỹ để chủ động tiếp cận với các thành viên khác của TPP, tìm phương án khả thi có lợi cho hiệp định, đồng thời có lợi cho đất nước để TPP có thể duy trì và được thực hiện.
Trong trường hợp không có TPP thì Việt Nam cần ứng phó như thế nào (?). Nhiều ý kiến đồng tình với đánh giá của HSBC rằng, “sự thất bại của Hiệp định TPP chắc chắn là một trở ngại, nhưng vẫn dành cho Việt Nam nhiều tiềm năng tăng trưởng.
Việt Nam vẫn còn năng lực cạnh tranh cao và tiếp tục được hưởng lợi từ việc Trung Quốc tăng chuỗi giá trị nhanh, dành nhiều cơ hội có giá trị ở những ngành hàng thấp hơn cho các quốc gia khác mà trước đây ít có”.
Báo cáo gần đây của Ngân hàng HSBC với chủ đề “Lạc quan cẩn trọng về thương mại” nhấn mạnh, thương mại là động cơ tăng trưởng của Việt Nam. Với khả năng cạnh tranh ngày càng giảm của Trung Quốc trong việc giảm bớt sản xuất công đoạn cuối, chủ yếu do chi phí tiền lương tăng vọt, Việt Nam tiếp tục giành được thị phần toàn cầu, đặc biệt là trong ngành điện tử và may mặc. Chính vì vậy, tại châu Á, Việt Nam là một trong số ít quốc gia vẫn duy trì được hoạt động xuất khẩu sôi động trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu tăng chậm.
Vấn đề tâm lý cần được khắc phục là làm sao để toàn bộ nền kinh tế, các doanh nghiệp không đặt quá nhiều kỳ vọng vào TPP, bởi vì kinh nghiệm thực tế từ năm 1995, khi nước ta tham gia ASEAN, bình thường hóa quan hệ với Mỹ, ký Hiệp định khung với EU đến nay hơn hai thập niên hội nhập quốc tế đã khẳng định rằng, nhân tố bên trong quyết định thắng lợi của việc tham gia thỏa thuận song phương và đa phương, đó là hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường, tạo lập môi trường đầu tư và kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn, nâng cao năng lực cạnh tranh ở cấp độ quốc gia, doanh nghiệp, sản phẩm và chuỗi cung ứng, là năng lực đội ngũ công chức nhà nước.
Các FTA mới, trong đó có TPP, gây áp lực đối với việc cải cách thể chế và thực thi thể chế theo những tiêu chuẩn cao. Đó cũng là đòi hỏi của đất nước trong cuộc ganh đua với khu vực và thế giới vì hạnh phúc của người dân. Do vậy, tư duy và hành động đúng đắn nhất đối với doanh nghiệp không phải là “há miệng chờ sung”, mà là tự vận động tiến lên phía trước bằng chính sức mình và sự hợp tác trong khung khổ chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu.
Như vậy, cần đặt TPP trong khung khổ các FTA mới và AEC đang được Chính phủ chỉ đạo rốt ráo về hệ thống chính sách và giải pháp đồng bộ theo hướng đổi mới nhanh hơn từ thể chế đến thực thi thể chế để đạt được trình độ các nước phát triển trong ASEAN. Trường hợp không có TPP thì cơ hội mới về thương mại và đầu tư sẽ giảm, nhưng nếu biết tận dụng tốt các FTA đã có hiệu lực và không gian kinh tế của AEC, thì lợi thế của nước ta sẽ được phát huy tốt hơn, thương mại và đầu tư quốc tế gia tăng nhanh hơn và có hiệu quả hơn, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, thực hiện tốt mục tiêu tăng trưởng xanh vì hạnh phúc của con người.