Được mùa xuất khẩu rau quả

Lần đầu tiên vươn lên vượt giá trị xuất khẩu (XK) gạo với kim ngạch cả năm đạt 2,4 tỷ USD, tăng 31,2% so với năm 2015, rau quả đã có một năm đại thắng, dần vươn lên khẳng định vị trí trong nhóm những mặt hàng nông sản XK “tỷ đô” của Việt Nam.

rauqua-xk-yim0g

Kết quả ấn tượng
Ngay từ giữa năm 2016, rau quả đã được đánh giá là một trong những mặt hàng có bước tăng trưởng khá và tràn đầy hy vọng cán đích “vượt mặt” XK gạo. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, giá trị XK rau quả năm 2016 đạt con số rất ấn tượng: 2,41 tỷ USD, vượt hơn 300 triệu USD so với kế hoạch đề ra từ đầu năm. Trong khi đó, XK gạo chỉ đạt gần 5 triệu tấn với giá trị 2,19 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với kế hoạch. Đáng chú ý, nếu như ở thời điểm năm 2005, rau quả của Việt Nam mới có mặt ở 36 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, thì đến nay, số thị trường đã rộng mở lên hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong số đó, các thị trường XK rau quả chính của Việt Nam hiện nay là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Australia, NewZealand…

XK rau quả tăng trưởng mạnh mẽ đã góp phần giúp nông dân nâng cao thu nhập, thay đổi phương thức tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP, GlobalGAP, đồng thời thu hút nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực đầy tiềm năng này. Trong kim ngạch XK rau quả, mặt hàng trái cây chiếm giá trị chủ yếu với trên 70%, gồm nhiều loại quả có kim ngạch XK cao như thanh long, nhãn, dưa hấu, xoài… Lý giải về sự tăng trưởng mạnh của XK rau quả, ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, một trong những tác nhân chính là công tác kiểm dịch thực vật xuất nhập khẩu đã được cải thiện đảm bảo thông thoáng, nhanh chóng, tạo thuận lợi cho các tổ chức, DN. Nhờ đó, các loại quả tươi XK đi thị trường khó tính đạt hơn 10.000 tấn, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2015.
Bên cạnh đó, trong năm 2016, Bộ NN&PTNT đã tích cực đẩy mạnh đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật kiểm dịch thực vật, mở cửa thị trường XK cho quả tươi Việt Nam. Trong đó đáng ghi nhận là năm 2016, Australia đã mở cửa cho xoài và công nhận cơ sở chiếu xạ quả tươi XK tại phía Bắc (Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội), Đài Loan (Trung Quốc) cũng mở cửa cho thanh long ruột trắng của Việt Nam. Dự kiến, đầu năm 2017, ngành XK trái cây sẽ còn đón tiếp tin vui khi Australia và Nhật Bản sẽ mở cửa cho quả thanh long của Việt Nam, Mỹ mở cửa cho quả vú sữa…
Khai phá hết dư địa
Các chuyên gia nhận định, tiềm năng XK rau quả nói chung và trái cây nói riêng của Việt Nam còn rất lớn nếu kiểm soát tốt chất lượng đầu vào, bám sát quy định của thị trường nhập khẩu. Bởi hiện nay, nhu cầu tiêu dùng rau quả của thị trường thế giới là rất cao, song yêu cầu, rào cản về kiểm dịch thực vật, ATTP cũng ngày một được nâng lên.
Cùng với đó, Bộ NN&PTNT phối hợp với các địa phương phải nhanh chóng bắt tay vào quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung. Ông Đinh Cao Khuê – Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm XK Đồng Giao, một DN XK rau quả có tiếng chia sẻ, thị trường rau quả đang có tín hiệu tốt, nếu sản phẩm của Việt Nam làm đúng tiêu chuẩn sẽ khẳng định được thế mạnh cạnh tranh. Theo ông Khuê, cần quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung không chỉ giới hạn trong phạm vi một tỉnh mà mở rộng tới nhiều vùng xung quanh, có ký kết hợp đồng tiêu thụ với nông dân. Đồng thời, cung cấp nguồn giống cây trồng có chất lượng cho nông dân. “Hiện nay, chúng ta có rất nhiều trường, viện nghiên cứu nhưng không đơn vị nào làm giống chanh leo, phải nhập từ Đài Loan trong khi đây là mặt hàng XK rất có giá trị” – ông Khuê chia sẻ.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng nhận định, rau quả vẫn còn khá nhiều dư địa để khai thác. Đây là một ngành hàng quan trọng góp phần lấy lại đà tăng trưởng cho toàn ngành nông nghiệp trong năm nay với tốc độ tăng trưởng ấn tượng, mức bình quân 37%/tháng trong nửa cuối năm 2016. Để khai thác được dư địa đó, cần phải mở thêm thị trường mới và có sự liên kết giữa nông dân với DN trong sản xuất, chế biến rau quả phục vụ XK.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện nay, diện tích trồng cây ăn quả  của cả nước đạt hơn 840.000ha, chủ yếu là các nhóm cây cam, quýt, thanh long, dứa, xoài, chuối, vải, nhãn, chôm chôm…