Theo Nghị định 146/2016/NĐ-CP, từ 1-7-2017, doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển phải công khai bảng giá đã bao gồm cả phụ phí để tránh tình trạng thu phí vô tội vạ như thời gian qua. Tuy nhiên, theo nhận định của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thì nghị định này chưa thể giải quyết được tận gốc của vấn đề thu phụ phí vô tội vạ hiện nay.
Để doanh nghiệp… tham khảo
Sau nhiều năm các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phản ứng về việc thu phí vô tội vạ của các hãng tàu, hồi tháng 11 năm nay, Chính phủ ban hành Nghị định 146/2016 quy định doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển phải thông báo trên trang thông tin điện tử, trụ sở của doanh nghiệp và in dán tại nơi giao dịch hoặc nơi chào bán dịch vụ giá vận chuyển đường biển (là biểu giá đã thực hiện kê khai giá với cơ quan có thẩm quyền, đã bao gồm thuế, phí, lệ phí).
Ông Trương Huy Vân, Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gỗ ở Đồng Nai, cho biết trước đây, có những loại phí rất vô lý, không rõ ràng khiến thị trường vận tải biển hỗn độn, mỗi hãng tàu thu một kiểu. Nghị định buộc các doanh nghiệp công khai bảng giá sẽ giúp doanh nghiệp thấy được bức tranh về các loại phí mà các hãng tàu đang thu. Đồng thời, doanh nghiệp có được một kênh tham khảo để chọn hãng tàu có giá cả phù hợp, có ít phụ phí.
Ngoài ra, nghị định được ban hành có thể tạo áp lực lên các hãng tàu nước ngoài, khiến họ phải giảm bớt những phụ phí vô lý, để đáp ứng mặt bằng chung về giá và tăng sức cạnh tranh.
Cần bổ sung thêm các chế tài nếu như phát hiện doanh nghiệp vận tải làm giá, có như vậy thì mới chấm dứt được tình trạng cạnh tranh không lành mạnh của các hãng tàu.
Tuy nhiên, bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty Giày Liên Phát, cho biết lâu nay, khi doanh nghiệp xuất nhập khẩu phản ánh về tình trạng thu phí vô tội vạ của hãng tàu thì các cơ quan nhà nước cũng có vào cuộc kiểm tra song rồi mọi thứ đâu lại vào đó. Mặc dù nghị định buộc các công ty vận tải biển phải niêm yết giá nhưng hiện nay việc xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam phải phụ thuộc các hãng tàu nước ngoài nên rất khó để chấm dứt tình trạng thu phí vô tội vạ.
Cần có cơ quan đủ quyền lực để làm trọng tài
Bàn sâu thêm về nội dung của Nghị định 146, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cho rằng, nghị định chưa đưa ra được chế tài để buộc các doanh nghiệp phải chấm dứt thu các phụ phí vô lý.
Bà Liên của Công ty Giày Liên Phát cho biết, việc công khai như vậy cũng chẳng có tác dụng gì nhiều nếu như không có một cơ quan đủ thẩm quyền để xử lý việc thu các loại phụ phí vô lý này. Bà cho rằng phải có một cơ quan có thẩm quyền để phân xử loại nào hợp lý thì cho thu, còn không hợp lý thì bãi bỏ. Như vậy thì mới tránh được lạm thu.
Ông Phạm Quốc Bảo, Trưởng phòng kinh doanh của một công ty giao nhận tại TPHCM, cũng ngán ngẩm khi nói về việc lạm thu của các hãng tàu. Ông cho hay, vấn đề này đã được nói đi nói lại nhiều lần, các cơ quan nhà nước cũng đã họp bàn rất nhiều lần mà chưa giải quyết được. Lần này nghị định mới ra đời yêu cầu công khai các phụ phí thì chưa giải quyết được tận gốc vấn đề lạm thu của các hãng tàu.
Hiện nay mỗi hãng tàu thu một giá, có những loại phụ phí cứ đến mùa là họ thu. Ví dụ như phụ phí kẹt cảng, vào dịp cuối năm các hãng tàu đều thu. “Nếu các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm đến doanh nghiệp thì nên thành lập một ban kiểm soát xem các hãng tàu thu có đúng không, bao nhiêu là hợp lý. Phụ phí nào hợp lý thì cho thu còn không thì bắt buộc hãng tàu phải bỏ”, ông nói.
Nói thêm về tác dụng của Nghị định 146, đại diện một doanh nghiệp logistics cho rằng, nếu bị bắt buộc công khai giá thì các hãng tàu cũng làm cho có. Vì giá thực tế là giá hai bên đàm phán và biết “ngầm” với nhau. Nhiều khi các hãng tàu niêm yết mức giá cao để đỡ phải khai báo nhiều lần với cơ quan chức năng, song mức thu thực tế lại thấp hơn. Điều này đôi khi lại gây ra sự nhiễu loạn về giá trên thị trường vận tải biển. Vì vậy, theo ông, nghị định này cần bổ sung thêm các chế tài nếu như phát hiện doanh nghiệp vận tải làm giá, có như vậy thì mới chấm dứt được tình trạng cạnh tranh không lành mạnh của các hãng tàu.
TBKTSG