Ngành sản xuất Việt Nam chính thức bước qua cơn “ác mộng”

Số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh đã làm cải thiện mạnh hơn các điều kiện kinh doanh tại các nhà sản xuất Việt Nam trong tháng 4.

Ngành sản xuất Việt Nam chính thức bước qua cơn "ác mộng"

Nikkei vừa công bố chỉ số các điều kiện kinh doanh của lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam tháng 4/2016.

Theo đó, chỉ số PMI ngành sản xuất tăng từ mức 50,7 điểm của tháng trước lên mức cao của 9 tháng là 52,3 điểm trong tháng 4. Các điều kiện kinh doanh đã được cải thiện hơn trong suốt năm tháng qua.

Ngành sản xuất Việt Nam chính thức bước qua cơn "ác mộng"

Động lực chính của lần cải thiện điều kiện hoạt động này là việc tăng mạnh số lượng đơn đặt hàng mới. Hơn nữa, tốc độ tăng là mạnh nhất kể từ tháng 7/2015 khi các thành viên nhóm khảo sát cho biết nhu cầu khách hàng đã tăng.

Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tiếp tục tăng trong tháng 4. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng đã góp phần làm tăng sản lượng sản xuất tháng thứ năm liên tiếp.

Về việc làm: Việc làm đã tăng sau khi giảm nhẹ trong tháng trước và là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 5/2015. Các thành viên nhóm khảo sát đáp ứng số lượng đơn đặt hàng mới cao hơn bằng cách tăng số lượng nhân công.

Chi phí đầu vào của các nhà sản xuất đã tăng đáng kể trong tháng 4 với tốc độ tăng nhanh hơn thành mức nhanh nhất kể từ tháng 8/2014. Các thành viên nhóm khảo sát cho biết chi phí nguyên vật liệu, trong đó có thép, đã tăng.

Dữ liệu thống kê cho thấy lĩnh vực hàng hoá đầu tư cơ bản có giá cả đầu vào tăng mạnh hơn nhiều so với lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng và hàng hóa trung gian.

Khi giá cả đầu vào tăng, các công ty đã tăng giá cả đầu ra tương ứng. Giá cả đầu ra đã tăng lần đầu tiên trong một năm rưỡi, mặc dù mức tăng chỉ là nhẹ.

Hoạt động mua hàng đã tăng trong tháng 4, và các công ty cho rằng hoạt động mua hàng hóa đầu vào tăng là để đáp ứng yêu cầu sản xuất tăng lên. Hoạt động mua hàng đã tăng trong suốt năm tháng qua.

Cả tồn kho hàng mua và hàng thành phẩm tiếp tục giảm, mặc dù đều giảm chậm hơn so với tháng trước. Tồn kho hàng hóa trước và sau sản xuất đã giảm suốt từ đầu năm 2016 đến nay.

Bình luận về dữ liệu khảo sát PMI ngành sản xuất Việt Nam, Andrew Harker, tại Markit, công ty thu thập kết quả khảo sát, nói: “Thời kỳ phát triển yếu kém gần đây của lĩnh vực sản xuất Việt Nam có vẻ như đã kết thúc, như đã thể hiện qua dữ liệu PMI mới nhất cho thấy sự cải thiện mạnh mẽ nhất của sức khỏe lĩnh vực sản xuất kể từ tháng 7 năm ngoái.

Điểm đặc biệt cần lưu ý là số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh. Thời kỳ áp lực lạm phát yếu gần đây dường như cũng đã kết thúc, với giá cả đầu vào trong tháng 4 đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong thời gian 20 tháng.”

Theo Trí Thức Trẻ