Trong các nỗ lực cải cách giáo dục, đặc biệt là cải cách giáo dục đại học, phát triển, nuôi dưỡng, và rèn luyện tố chất lãnh đạo cần được coi là một nội dung trọng tâm, có vai trò quan trọng trong nền tảng thành công của đất nước.
Tố chất lãnh đạo là gì?
Mỗi cá nhân, gia đình, tổ chức, cộng đồng, và dân tộc tại mỗi thời điểm có những tiềm năng nhất định cho phát triển của mình. Tiềm năng này được đặc trưng bởi các định tố về thể chất, trí tuệ, văn hóa, trải nghiệm, nguồn lực vật chất, quan hệ xã hội, và các cơ may hay vận hội.
Tố chất lãnh đạo là khả năng và phẩm chất giúp con người trong nỗ lực tạo nên giá trị mới cho xã hội, thông qua khai thác và phát triển tiềm năng của chính bản thân mình và của tổ chức mà họ lãnh đạo. Tố chất lãnh đạo cũng giúp mỗi cá nhân có tác động tích cực đến các cá nhân khác thông qua các quan hệ tương tác.
Thiếu tố chất lãnh đạo sẽ làm cho cá nhân không chỉ không phát huy hết tiềm năng của bản thân và của tổ chức mà mình lãnh đạo mà còn làm nó thui chột theo thời gian. Một con người, một gia đình, một tổ chức, hay một quốc gia, qua thời gian sẽ chỉ có tiến lên hoặc đi xuống. Các đối tượng này sẽ đi lên hay đi xuống? Nếu đi lên thì đi lên được bao xa? Nếu đi xuống, thì đi xuống đến mức nào? Tất cả những điều này tùy thuộc một phần quyết định vào tố chất lãnh đạo trong từng cá nhân, từng gia đình, từng tổ chức, và cả xã hội.
Tố chất lãnh đạo có thể coi là sự tổng hòa của ba yếu tố nền tảng Lòng khát khao học hỏi, Tư duy, và Tầm vóc.
1. Lòng khát khao học hỏi
Khát khao học hỏi hàm chứa tinh thần cầu thị trong học hỏi cái mới của tri thức khoa học, cái tinh hoa của nhân loại. Phẩm chất này thể hiện khả năng và nỗ lực vươn lên của cá nhân.
2. Tư duy
Tư duy bao hàm khả năng nhận thức thấu đáo cơ hội, thách thức, và qui luật phát triển; ý thức học hỏi và kiểm nghiệm chân lý từ thực tiễn cuộc sống; và khả năng nhận ra cái hay, cái tốt đẹp của đồng đội và đối tác.
3. Tầm vóc
Tầm vóc thể hiện ở khả năng học hỏi và lớn lên từ mỗi thất bại hay thách thức mà chính mình gặp phải. Người ta chỉ có thể lớn lên nếu thấy mình còn quá nhiều khiếm khuyết và trăn trở vì sinh ra trên đời mà chưa đóng góp gì được cho cộng đồng.
Bởi những lẽ trên, khơi dậy và phát triển yếu tố lãnh đạo cần được coi là định hướng chiến lược, là nội dung trọng tâm, và là khâu đột phá cho toàn bộ nỗ lực cải cách của cải cách giáo dục, đặc biệt là cải cách giáo dục đại học ở Việt Nam.
Nuôi dưỡng và rèn luyện tố chất lãnh đạo
Mô hình Maslow về nhu cầu của con người cho thấy rằng, nhu cầu của mỗi con người ta phát triển theo năm thứ bậc chính:
- Thang bậc thấp nhất là Nhu cầu Vật chất để sinh tồn (như ăn, ở);
- Thang bậc thứ hai là Nhu cầu An sinh (an ninh, lo lúc ốm đau, già yếu);
- Thang bậc thứ ba là Nhu cầu Thấu cảm (tình bè bạn, cộng đồng);
- Thang bậc thứ tư là Nhu cầu Huân dự (được sự trân trọng, ghi nhận bởi cộng đồng, và xã hội);
- Thang bậc thứ năm (thang cao nhất) là Nhu cầu Thể hiện Bản thân, thường chỉ đạt được khi làm được một sứ mệnh cao cả (theo đuổi khát vọng, sáng tạo, chân lý, hay hiến dâng cho cộng đồng).
Theo mô hình này, với đại đa số, trong điều kiện thông thường, con người ta sẽ bước lên nhu cầu ở thang bậc cao hơn khi và chỉ khi các nhu cầu ở bậc thấp hơn đã được thỏa mãn. Vì thế thỏa mãn nhu cầu ở mỗi mức tạo động lực đẩy nhu cầu của con người cao lên.
Một mặt khác, nếu con người ta được dung dưỡng trong một môi trường phát triển lành mạnh, có khát vọng lớn lao, khích lệ lòng cao thượng và trân trọng phẩm chất hiến dâng, nhu cầu của con người sẽ chuyển từ bậc thấp đến bậc cao nhanh hơn vì họ có cơ hội được thỏa mãn nhiều hơn ở nhu cầu cao hơn; đặc biệt là các nhu cầu thấu cảm, huân dự, và sứ mệnh cao cả.
Cải cách giáo dục, đặc biệt là cải cách giáo dục đại học cần hình thành và gia tăng việc nuôi dưỡng và rèn luyện tố chất lãnh đạo theo mô hình 5-R sau đây:
1. Respect: Đó là sự trân trọng mọi người dù họ có trái ý kiến với mình hoặc thua kém mình rất nhiều. Tố chất lãnh đạo giúp mọi người thấu hiểu sâu sắc rằng họ cần phải và có thể học được rất nhiều điều giá trị từ người phản đối mình và từ người thua kém mình.
2. Research: Đó là sự nghiên cứu thấu đáo mỗi vấn đề mà mình bàn luận, đánh giá, hoặc đưa ra quyết định. Rèn luyện phẩm chất này giúp mỗi người sâu sắc trong suy xét, thông tuệ hơn trong khai thác túi khôn tri thức của nhân loại, và quyết định tối ưu hơn về cả tính hiệu quả và tầm chiến lược cho bản thân và tổ chức mà mình lãnh đạo.
3. Review: Đó là phẩm chất tự xem lại mình, đặc biệt trước mỗi khó khăn hay thất bại. Phẩm chất này loại bỏ tính đổ cho khách quan, kiêu căng tự mãn, thích nghe phỉnh nịnh.
4. Resiliance: Đây là tính kiên cường và quyết chí theo đuổi mục tiêu, dù phải vượt qua những thách thức và thất bại ghê gớm.
5. Reform: Đây là khả năng tạo nên những đổi thay căn bản trong cục diện phát triển của cá nhân và tổ chức mình lãnh đạo trên cơ sở dũng cảm nhận thức lại căn bản tính đúng đắn của chặng đường đã qua, những thách thức và cơ hội đang và sẽ đến, với tầm nhìn và trách nhiệm sâu sắc với tương lai.
Thay lời kết
Trong các nỗ lực cải cách giáo dục, đặc biệt là cải cách giáo dục đại học, phát triển, nuôi dưỡng, và rèn luyện tố chất lãnh đạo cần được coi là một nội dung trọng tâm, có vai trò quan trọng trong nền tảng thành công của đất nước. Tố chất lãnh đạo cần trở thành một lợi thế ưu tú của người Việt Nam trong tương lai, giúp họ phát huy hết khả năng tiềm tàng của mình không chỉ trong công cuộc xây dựng đất nước mà cả trong nỗ lực đóng góp vào tiến trình phát triển chung của nhân loại.
Nguồn: Saga Tổng hợp & Biên tập