Cho đến nay, nhiều người vẫn nhầm tưởng quản lý chuỗi cung ứng và quản lý logistics là một nên dùng hai thuật ngữ này thay thế cho nhau. Thật ra, trong các công ty sản xuất, quản lý logistics chỉ liên quan đến công việc quản lý về mặt kho bãi, vận chuyển, giao nhận và phân phối hàng hóa. Còn quản lý chuỗi cung ứng là việc quản lý cả một hệ thống bao gồm phát triển sản phẩm, sản xuất, mua bán, tồn kho, phân phối và các hoạt động hậu cần…
Chuyên viên quản lý chuỗi cung ứng – Họ là ai?
Quản lý chi phí trong chuỗi cung ứng- Không phải chỉ “cắt” là được!
Khi nền kinh tế suy giảm, khả năng điều chỉnh và thay đổi qui mô của các hoạt động trong chuỗi cung ứng cũng như việc tiết kiệm chi phí rất quan trọng. Quản lý và tiết kiệm chi phí hiệu quả sẽ góp phần làm giảm giá thành sản phẩm, từ đó làm tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Trách nhiệm của chuyên viên quản lý chuỗi cung ứng cũng vì thế mà trở nên nặng nề hơn.Tuy nhiên, khi cắt giảm chi phí, chúng ta cần phân biệt giữa “cắt” (cutting) và “giảm” (reducing). Hiện nay, nhiều nhà quản lý xem cắt và giảm chi phí là một. Đây là một sai lầm lớn vì nếu cứ “cắt” một cách vô tội vạ, đánh đồng tất cả các chi phí theo kiểu “cá mè một lứa” thì sẽ dẫn tới sự đình trệ hoạt động và giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Tuy chi phí là yếu tố tối quan trọng trong việc xây dựng một chuỗi cung ứng hiệu quả nhưng mức độ đáp ứng nhu cầu khách hàng về thời gian, số lượng và chất lượng vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Home Depot, nhà bán lẻ hàng trang trí nội thất hàng đầu của Mỹ, đã từng chủ trương cắt giảm chi phí bằng cách sa thải những kỹ sư nhiều kinh nghiệm để thay bằng những người làm việc bán thời gian hoặc ít kinh nghiệm. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, do khách hàng phản ứng về chất lượng phục vụ càng lúc càng đi xuống, Home Depot đã buộc phải điều chỉnh lại chính sách của mình.Chính vì thế, muốn quản lý chi phí trong chuỗi cung ứng hiệu quả, đầu tiên chuyên viên quản lý chuỗi cung ứng cần xác định rõ đâu là chi phí nên tiếp tục duy trì, đâu là chi phí cần giảm và đâu là chi phí phải cắt. Kế tiếp, họ cần thực hiện các biện pháp mạnh mẽ và cương quyết nhằm cắt (hoặc giảm) những chi phí cần thiết thông qua việc cải tiến qui trình để giảm thiểu những khâu thừa và điều phối hoạt động của chuỗi cung ứng hợp lý hơn. Chẳng hạn, họ có thể áp dụng chính sách tồn kho an toàn (safety stock) để duy trì tồn kho ở mức hợp lý mà không phải hy sinh chất lượng dịch vụ. Bên cạnh đó, chuyên viên quản lý chuỗi cung ứng cũng cần tăng cường khả năng lập kế hoạch và dự báo để phản ứng kịp thời với các biến động cũng như nâng cao chất lượng hệ thống thông tin của chuỗi để giúp các bộ phận phối hợp ăn ý với nhau hơn.
Chuyên viên quản lý chuỗi cung ứng – Học để vươn đến đỉnh cao sự nghiệp
Quản lý chuỗi cung ứng là một ngành nghề đầy biến động. Vì thế, muốn đạt đến và trụ vững ở đỉnh cao của nghề quản lý chuỗi cung ứng, bạn cần thường xuyên cập nhật kiến thức qua các khóa đào tạo tổng quát về Quản lý Chuỗi cung ứng, các khóa học chuyên sâu về từng bộ phận của chuỗi như Quản lý mua hàng, Quản lý và kiểm soát tồn kho, Hoạch định nguồn lực doanh nghiệp…cũng như các khóa học nâng cao kỹ năng như kỹ năng truyền thông, thuơng thuyết, làm việc nhóm …Khi đã vững kiến thức nền tảng, họ có thể học tiếp các chương trình nâng cao như Thạc sĩ về Quản lý Công nghiệp hay Quản lý Chuỗi cung ứng. Đương nhiên, nếu muốn cập nhật kiến thức liên tục như thế, bạn sẽ phải bỏ ra một khoản chi phí đáng kể. Tuy nhiên, những gì bạn nhận được từ nghề này cũng rất xứng đáng. Mức lương hàng tháng của bạn sẽ dao động từ 500 – 4000 USD. Con đường thăng tiến của bạn cũng sẽ rất sáng sủa. Bằng chứng là nhiều CEO của các công ty lớn hiện nay có xuất thân từ ngành quản lý chuỗi cung ứng!Cách đây hơn 2000 năm, Alexander Đại đế – một trong những nhà chiến lược quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại – đã từng tuyên bố “Người làm logistics cần biết rằng nếu chiến dịch của tôi thất bại, họ sẽ là người đầu tiên bị xét xử”. Điều này đã cho thấy tầm quan trọng của hậu cần đối với việc gầy dựng cơ nghiệp của các danh tướng ngày xưa. Hiện nay, các doanh nhân không phải đụng đến binh đao như Alexander Đại đế. Tuy nhiên, không phải vì thế mà cuộc chiến của họ trên thương trường kém khốc liệt hơn. Chỉ cần quản lý chuỗi cung ứng kém hiệu quả, khiến giá thành sản phẩm cao hơn đối thủ cạnh tranh một chút là đủ để doanh nghiệp lao đao, đặc biệt khi kinh tế suy giảm. Chính vì thế, họ luôn cần những chuyên viên quản lý chuỗi cung ứng tài năng.