Samsung ở tỉnh nào, ngôi vương sản xuất công nghiệp ở tỉnh đó; nhưng đó chưa hẳn là tin mừng

Sau khi đặt cứ điểm tại Bắc Ninh, Samsung đã góp phần đưa tỉnh này từ một tỉnh nông nghiệp thành một tỉnh công nghiệp vài năm sau đó. Nhưng đến năm 2014, Samsung ‘dồn lực’ vào Thái Nguyên, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh không khỏi tiếc nuối khi sản xuất công nghiệp tỉnh bạn tăng hơn 500%, còn tỉnh mình thì tăng trưởng âm.

[HCM] SAMSUNG Tuyển Dụng Nhiều Vị Trí

Bắc Ninh là một tỉnh nhỏ nhất cả nước về diện tích. Sau khi tái lập vào năm 1997, Bắc Ninh được biết đến là xứ sở của dân ca quan họ, một tỉnh thuần nông với tỷ trọng nông nghiệp chiếm 45% GRDP.

Với sự tham gia của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mà đáng kể nhất là “ông lớn” Samsung, Bắc Ninh đã có những bước tiến vượt bậc. Năm 2011, kinh tế Bắc Ninh tăng 16,2% – tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước, đưa Bắc Ninh lần đầu tiên có khả năng tự cân đối ngân sách và đóng góp vào ngân sách nhà nước.

Năm 2012, tỷ trọng công nghiệp và xây dựng đã chiếm tới 77,8% GRDP. Bắc Ninh dần trở thành một tỉnh công nghiệp.

Năm 2014, khi Samsung “kết duyên” với Thái Nguyên. Sản xuất công nghiệp Bắc Ninh đuối sức, trong khi sản xuất công nghiệp Thái Nguyên tăng lên hơn 500%.


Sản xuất của Thái Nguyên tăng vọt sau khi thu hút được Samsung. Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Sản xuất của Thái Nguyên tăng vọt sau khi thu hút được Samsung. Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Với việc Samsung chuyển dịch nhà máy sang tỉnh khác, ngoài việc mất ngôi vương hút FDI, sản xuất công nghiệp của Bắc Ninh cũng sụt giảm trong hơn 2 năm liên tiếp.

Báo cáo của UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết: Năm 2014 tổ hợp Samsung giảm kế hoạch sản xuất so với dự kiến, làm giảm giá trị sản xuất công nghiệp chung của tỉnh năm 2014 so với năm 2013.

Việc Công ty Samsung thay đổi cơ cấu đầu tư nhà máy sản xuất tại tỉnh Thái Nguyên đã làm sụt giảm giá trị sản xuất công nghiệp năm 2014, 2015 của tỉnh Bắc Ninh. Đây là lần đầu tiên sản xuất công nghiệp của tỉnh có xu hướng giảm” – báo cáo trên cho biết.

Đà sụt giảm sản xuất của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ năm 2014 tiếp tục kéo dài đến hết quý I/2015 đã tác động đến sản xuất công nghiệptrên địa bàn tỉnh những tháng đầu năm.

Đừng vội mừng khi giành ngôi vương FDI

Những dòng vốn hàng tỷ USD luôn “chảy” về những vùng trũng ưu đãi.

Chưa bao giờ Samsung ngừng gây bất ngờ với các ưu đãi vượt khung mà các tỉnh thành đã ưu ái dành riêng cho đơn vị này.

Bắc Ninh: UBND tỉnh này đã ký quyết định hỗ trợ ngân sách xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Yên Phong 1 – Khu công nghiệp mà tập đoàn Samsung đang đầu tư Samsung Display, với số tiền hỗ trợ dự kiến gần 300 tỷ đồng.

Các hỗ trợ là 50% phí sử dụng hạ tầng cho 46,28ha đất dự án (286,9 tỷ đồng), hỗ trợ kinh phí đào tạo lao động là người dân của tỉnh là 1,5 triệu/người (12 tỷ đồng). Ngoài ra, sau khi hết thời hạn miễn, giảm theo luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (miễn 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo), Samsung Display sẽ được giảm tiếp 50% thuế này cho 3 năm tiếp theo.

Đầu năm 2013, Bắc Ninh cũng đã phải rà soát và giải trình về những ưu đãi “vượt khung” cho doanh nghiệp này.

Thái Nguyên: Trong thời điểm sản xuất Thái Nguyên liên tục phát triển tăng vọt, Báo Thái Nguyên đăng tải bài viết “Vì sao Samsung chọn Thái Nguyên”. Theo đó, một trong những điểm mấu chốt khiến Samsung có mặt tại tỉnh này chính là được địa phương đồng ý đề xuất Chính phủ cho phép tiếp tục được áp dụng các chính sách ưu đãi đặc biệt như với Samsung Bắc Ninh.

Cụ thể, được hưởng ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp bằng 10% (các doanh nghiệp khác là 25%) trong 30 năm kể từ khi bắt đầu hoạt động; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và được giảm tới 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Ngoài ra, một số khoản thuế, phí khác liên quan đến hoạt động đầu tư của Samsung cũng được ưu tiên miễn, giảm.

Hà Nội: Với việc đầu tư Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), Samsung được miễn toàn bộ tiền thuê đất trong vòng 50 năm; miễn toàn bộ các khoản đóng góp hay thanh toán chi phí bồi thường, GPMB liên quan đến khu đất dự án; miễn thuế nhập khẩu đối với thiết bị, vật liệu xây dựng, trang thiết bị phục vụ hoạt động nghiên cứu, văn phòng; được miễn toàn bộ chi phí sử dụng hạ tầng…

Có thể thấy, sự gia nhập của các DN FDI, mà điển hình là Samsung thường đi kèm với những ưu đãi lớn, đa phần trong đó là ưu đãi tiền thuê đất. Điều này phù hợp với những gì một DN FDI cần: Đó là diện tích để xây dựng những nhà máy sản xuất lớn.

Quan trọng hơn, liệu những đóng góp của FDI có tương xứng với những gì họ được nhận?

Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, dòng vốn FDI đang gây ra 5 vấn đề tiêu cực tại Việt Nam:

– Công nghệ tiên tiến còn ít. Các doanh nghiệp FDI chủ yếu khai thác tài nguyên thiên nhiên, ít công nghệ nguồn. Các dòng vốn FDI cũng tập trung nhiều trong lĩnh vực chế biến, chế tạo.

– Chuyển giá và trốn thuế: 20-30% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ liên tiếp trong 2 – 3 năm, thậm chí 5 năm. Nhiều doanh nghiệp còn kê giá chi phí đầu vào tăng cao để báo lỗ.

– Cơ cấu đầu tư chưa cân đối: Các dự án FDI hiện đang tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, bất động sản, tập trung nhiều ở các địa phương có lợi thế về hạ tầng và nhân lực.

– Tác động xấu đến môi trường: Việc “xuất khẩu ô nhiễm” từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển ngày càng tăng.

Trung Quốc – công xưởng của thế giới là một ví dụ. Đất nước này đang phải hứng chịu tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề.

– Chiếm thế độc quyền trong một số ngành, lĩnh vực: Sau một số năm lỗ “kế hoạch”, doanh nghiệp FDI đã chiếm thế độc quyền một số ngành như ngành nước có gas, chất tẩy rửa, thức ăn gia súc…Việc một số doanh nghiệp FDI có khả năng kiểm soát ngành đã làm méo mó thị trường.

“Đóng góp của khối doanh nghiệp FDI vào ngân sách Nhà nước tăng từ 5,2% năm 2000 lên 14,3% năm 2014. Tuy nhiên, tỷ lệ đóng góp vào NSNN còn nhỏ so với những ưu đãi được hưởng” – trích báo cáo nghiên cứu “Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến doanh nghiệp Việt Nam” của Viện Nghiên cứu Kinh tế Xã hội Ailen (ESRI) và Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế – Xã hội Quốc gia Việt Nam.

Theo Trí Thức Trẻ