Theo Trí Thức Trẻ
Mặc dù đã có chính sách hỗ trợ về giá hay bắt buộc sử dụng xăng E5 tại một số tỉnh thành…, một nhà máy sản xuất xăng E5 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mới đây đã ngừng sản xuất, cho các kỹ sư, công nhân nghỉ việc không lương, để chờ thị trường và các cơ chế hỗ trợ chính sách.
Giữa tháng 3 vừa rồi, CTCP Nhiên liệu Sinh học Dầu khí miền Trung đã buộc phải tạm dừng hoạt động nhà máy Bio Ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi) sau 4 năm đưa vào vận hành do nguồn cung không ổn định, chi phí sản xuất cao…
Nhà máy Bio Ethanol Dung Quất có vốn gần 1.900 tỷ đồng, công suất 100 triệu lít ethanol/năm, được đưa vào vận hành thương mại tháng 2/2012. Một năm sau, do kinh doanh không hiệu quả, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã giao nhà máy nhiên liệu sinh học Bio Ethanol Dung Quất về Công ty TNHH MTV lọc- hóa dầu Bình Sơn quản lý, vận hành.
Trao đổi trên Zing, ông Phạm Văn Vượng- Giám đốc CTCP Nhiên liệu Sinh học Dầu khí miền Trung cho biết, nguyên nhân thua lỗ là do giá bán ethanol trên thị trường thấp hơn 2.000 đồng mỗi lít so với giá thành sản xuất. Nhà máy hoạt động cầm chừng dẫn đến chi phí tiêu hao nguyên liệu càng tăng. Hệ quả là kinh doanh thua lỗ nên tạm dừng sản xuất.
Nhà máy ngừng hoạt động, 128 kỹ sư, công nhân nghỉ chờ việc không lương từ giữa tháng 3/2016. Công ty đã ký hợp đồng với Công ty TNHH lọc – hóa dầu Bình Sơn cung ứng 38 kỹ sư, công nhân làm việc tại nhà máy lọc dầu Dung Quất để để chờ động thái tiếp theo từ Nhà máy.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 3/2016, nhà máy Bio Ethanol Dung Quất vẫn chưa có kế hoạch tái sản xuất vì chờ thị trường, hỗ trợ cơ chế chính sách.
Sự ra đời của xăng E5 và diễn biến không mấy triển vọng trong 10 năm qua
* Ngày 20/11/2007, Thủ Tướng Chính Phủ đã chính thức phê duyệt “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”, trong đó đưa ra mục tiêu đến 2010 sản xuất 100.000 tấn xăng E5/năm và 50.000 tấn B5/năm, đảm bảo 0,4% nhu cầu nhiên liệu cả nước và đến năm 2025 sẽ có sản lượng hai loại sản phẩm này đủ đáp ứng 5% nhu cầu thị trường nội địa.
* Từ năm 2008 đến nay Việt Nam đã có 4 dự án sản xuất ethanol sinh học từ sắn lát hoặc rỉ đường để trộn với xăng thành gasohol.
* Tính đến nay, cả nước có 7 nhà máy sản xuất ethanol với tổng công suất 535 triệu lít/năm, xây dựng theo quy hoạch tại những vùng trồng sắn trọng điểm, đủ khả năng cung cấp Ethanol để pha chế xăng E5, E10 trong năm nay và các năm tới.
Riêng PVN có 3 nhà máy sản xuất ethanol sinh học ở Dung Quất – Quảng Ngãi (nhà máy 1.900 tỷ đồng nói trên), Phú Thọ (miền Bắc), Bình Phước (miền Nam), với tổng công suất tới 300 triệu lít ethanol/năm, nhưng hiện mới đi vào hoạt động duy nhất 1 nhà máy NLSH Dung Quất. Tuy nhiên, từ khi đi vào hoạt động đến nay, phần lớn sản phẩm của nhà máy phải xuất khẩu với giá thấp, vì vậy phải sản xuất cầm chừng.
* Việc bán xăng sinh học E5 cũng được “cưỡng bức” để thay thế xăng khoáng trên một số tỉnh – thành. Theo văn bản công bố đầu năm nay của Văn phòng Chính phủ, 8 tỉnh thành gồm Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh phấn đấu đến ngày 01/6/2016 đạt 100% số lượng cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại địa phương bán xăng E5 và 100% lượng xăng RON 92 được thay thế bằng xăng E5.