Giảm thuế ô tô: Mũi tên trúng hai đích

(HQ Online)- Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan xung quanh việc thu hẹp mức giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với dòng xe ô tô dưới 24 chỗ, có dung tích xi lanh dưới 2.000 cm3, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Bùi Đức Thụ cho rằng, không những người tiêu dùng được hưởng lợi mà còn khuyến khích phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Bùi Đức Thụ cho rằng việc giảm thuế TTĐB đối với dòng xe có dung tích  nhỏ thì người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi. Ảnh: T.Hằng.

Theo ông Bùi Đức Thụ, trong chương trình kế hoạch dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT, Luật thuế TTĐB và Luật Quản lý thuế; trong đó có nội dung sửa đổi thuế suất thuế TTĐB mặt hàng ô tô sẽ được thông qua vào kỳ họp Quốc hội trước nhưng để đảm bảo tính cẩn trọng và lắng nghe thêm ý kiến của người nộp thuế, cộng đồng DN nên Quốc hội đã yêu cầu các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát hoàn chỉnh để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.

“Đến giờ phút này công tác chuẩn bị, tiếp thu, giải trình dự án Luật đã được xem xét kỹ lưỡng và sẽ trình Quốc hội thông qua vào mấy ngày tới”- ông Bùi Đức Thụ trao đổi với phóng viên Báo Hải quan.

PV: Nếu vậy ngày 1-7 tới, thời điểm dự án Luật có hiệu lực thi hành cũng đồng nghĩa các dòng xe ô tô có dung tích nhỏ dưới 2.000 cm3 có mức thuế TTĐB giảm xuống 5%. Ông có cho rằng đây là mức thuế hợp lý?

Tôi rất đồng tình với Bộ Tài chính đã tiếp thu và không chia nhỏ dòng xe có dung tích xi lanh dưới 2.000 cm3 để tính thuế như đề xuất ban đầu. Theo đó, loại có dung tích xi lanh từ 1.500 cm3 trở xuống: Từ ngày 1-7-2016 đến hết ngày 31-12-2017 áp dụng thuế suất 40% (giảm 5% so với hiện hành) và từ năm 2018 sẽ  áp dụng thuế suất 35% (giảm 10% so với hiện hành); Tương tự đối với loại có dung tích xi lanh trên 1.500 cm3 đến 2.000 cm3: Từ ngày 1-1-2018 áp dụng thuế suất 40% (giảm 5% so với hiện hành).

Với mức thuế này sẽ góp phần bảo hộ các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước. Bởi theo thống kê hiện nay, số lượng xe có dung tích xi lanh từ 1.000 cm3 trở xuống nhập khẩu bán ra trong nước khá lớn. Mặt khác, theo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 sẽ tập trung ưu tiên phát triển đối với phân nhóm dòng xe có dung tích xi lanh nhỏ, sử dụng ít nhiên liệu, phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng của Việt Nam.

Và việc tăng thuế TTĐB đối với dòng xe có dung tích xi lanh trên 2.500 cm3 đến 3.000 cm3 lên 5% và đến năm 2018 lên 10% có hợp lý, thưa ông?

Với mức thuế suất lũy tiến tăng dần như  trên là phù hợp với thực tiễn. Vì mục tiêu của thuế TTĐB là thu vào người tiêu dùng sản phẩm hàng hóa mà nhà nước không khuyến khích. Cụ thể ở đây đối với mặt hàng ô tô có dung tích lớn là do hạn chế tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Hiện nay, dòng xe ô tô có dung tích lớn chưa phù hợp với mức sống phổ biến của người dân; cũng như những tác động đến lưu thông, xả khí thải lớn ra môi trường.

Ông có kỳ vọng tới đây các dòng xe ô tô có dung tích nhỏ sẽ giám giá?

Nguyên tắc giá xe phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Giá nhập khẩu hay chi phí sản xuất ô tô trong nước; Phụ thuộc vào các chính sách thuế, nếu thuế suất điều chỉnh tăng thì giá xe tăng. Tôi xin nhấn mạnh, chính sách thuế ở đây là thuế TTĐB, thuế GTGT và các loại thuế gián thu khác. Về nguyên tắc hạch toán thuế gián thu làm tăng giá bán. Ngoài ra, giá bán còn phụ thuộc cung cầu, nếu cung quá lớn, sản xuất cao và nhập khẩu ồ ạt thì giá sẽ giảm. Tuy nhiên, thực tế khi nhà nước điều chỉnh thuế gián thu theo hướng giảm thì sẽ tác động giá bán ô tô giảm và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi.

Xin cảm ơn ông!

Thu Hằng (Thực hiện)