Hơn 10 năm trước, ở Việt Nam thương mại điện tử mới chỉ nảy mầm, đâm chồi nhưng nay chúng đã bắt đầu nở hoa cùng với một làn sóng đầu tư tạo nên luồng sinh khí mới.
Theo sau Quyết định 689/QĐ-TTg ngày 11-5-2014 của Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014-2020, môi trường thương mại điện tử Việt Nam ngày nay đã khác xa so với 10 năm trước, và những cuộc chạy đua phát triển, tranh giành thị trường, kéo theo những cuộc rượt đuổi và cả khả năng lật đổ đã bắt đầu.
Một cuộc khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam thực hiện trong năm 2014 cho thấy trong số 217 trang thương mại điện tử lớn nhỏ hiện hữu thì Lazada Việt Nam, công ty theo mô hình Amazon đang dẫn đầu với 36% thị phần, theo sau là Sendo thuộc FPT chiếm 14,4%, và thứ ba là Zalora. Cả Lazada và Zalora đều hoạt động tại nhiều nước châu Á và Đông Nam Á, và đều được thành lập bởi công ty nhân bản mô hình thương mại điện tử nổi tiếng Rocket Internet đặt đại bản doanh tại Đức. Mục đích của Rocket Internet là thiết lập nên những công ty thương mại điện tử tại các nước bên ngoài Mỹ và Trung Quốc, đưa chúng vào hoạt động hiệu quả, rồi bán lại cho các nhà đầu tư tại địa phương tiếp tục khai thác.
Trong một kết quả báo cáo khác, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin thuộc Bộ Công Thương cho biết giao dịch thương mại điện tử tại Việt Nam trong năm 2014 đã lên đến 2,97 tỉ đô la Mỹ, chiếm 2,12% tổng thị trường bán lẻ toàn quốc.
Công ty tư vấn quản trị toàn cầu AT Kearney và Viện nghiên cứu CIMB ASEAN cho biết giao dịch thương mại điện tử hiện nay của sáu “ông lớn” Đông Nam Á gồm Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan vào khoảng 7 tỉ đô la, chiếm gần 1% tổng giá trị bán lẻ, trong đó Singapore đạt 1,7 tỉ, theo sau là Malaysia và Indonesia, mỗi nước 1,3 tỉ đô la.
Thị trường bắt đầu phân hạng
Dẫu con số giao dịch hiện nay là bao nhiêu, các nhà chuyên môn đều cho rằng tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử ở Việt Nam đang hồi tăng tốc, đạt gấp đôi sau mỗi năm kể từ năm 2012, và lượng vốn đầu tư vào các công ty thương mại điện tử cũng tăng lên rất nhanh. Tờ Tech in Asia trong khi liệt kê 15 công ty thương mại điện tử khởi nghiệp được đầu tư mạnh nhất tại Việt Nam thì cũng cho thấy xuất hiện những nhà đầu tư thương mại điện tử chính vào thị trường này. Tiger Global Management đầu tư vào Foody.vn chuyên ngành nhà hàng ăn uống, trong khi Cyberagent Ventures đầu tư vào Tiki.vn chuyên ngành buôn bán, Vexere cung cấp hệ thống bán vé tàu xe, và cổng thương mại điện tử DKT.JSC. Seedcom chủ yếu đầu tư vào giai đoạn ươm mầm ở công ty Tiki.vn, công ty hỗ trợ thành lập doanh nghiệp Haravan và công ty cung ứng logistics Giaohangnhanh.
Unitus Impact đầu tư vào dịch vụ tài chính iCare; 24H đầu tư vào dịch vụ siêu thị cho mẹ và bé Deca.vn và trang trực tuyến Timviecnhanh; 500 Starups và Ookbee cùng đầu tư vào nền tảng bán vé trực tuyến Ticketbox; JFDI Asia đầu tư vào thương hiệu Taembe; Captii Ventures đầu tư vào cổng giao dịch điện tử Ononpay; Yello Media Shoping Group vào trang so sánh giá cả Websosanh. Nhiều trang thương mại điện tử như Muabannhanh nhận được cả những khoản đầu tư tư nhân, trong khi các nền tảng thương mại điện tử lớn như Sendo có cả một dàn những nhà đầu tư quan trọng gồm Beenos Inc., SBI Holdings và Econtext Asia. Cũng trên tờ Tech in Asia, tác giả Anh-Minh Do tiết lộ Vingroup đã âm thầm lập trang thương mại điện tử VinEcom lớn nhất Việt Nam kể từ cuối năm 2014 với mức đầu tư ban đầu lên đến 50 triệu đô la.
Cuối năm 2015, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, ông Trần Hữu Linh cho biết Việt Nam đang tìm cách phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm giúp các công ty xuất khẩu hàng hóa qua Internet. Thương mại điện tử xuyên biên giới đang phát triển mạnh trên toàn thế giới, đặc biệt tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Đơn cử như eBay của Mỹ liên kết với NetPrice Nhật Bản, trong khi Alibaba của Trung Quốc cũng liên kết với công ty này. Hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới giữa Nhật Bản và Việt Nam cũng đã manh nha từ vài năm nay. Trong khi đó vào tháng cuối năm 2015 thì Lazada, được sự hỗ trợ của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam và Sở Công Thương TPHCM đã tổ chức tháng khuyến mãi thương mại điện tử giảm giá đến 50% với sự tham gia của 20 nhãn hiệu và 40 đối tác tại Việt Nam, bao gồm các ngân hàng. Cũng trong dịp này thegoididong.com hợp tác với Apple để bán hàng ngàn điện thoại đời mới, iPhone 6s và iPhone 6s Plus cho khách hàng tại Việt Nam.
Môi trường thương mại điện tử mới ở Việt Nam và Đông Nam Á
Một cuộc chạy đua thương mại điện tử ráo riết đang diễn ra trong khu vực Đông Nam Á, không chỉ giữa bộ đôi aCommerce và DKSH từ Thụy Sĩ với Singpost và Alibaba từ Trung Quốc mà giữa hàng loạt các nhà đầu tư khác nhau, hoặc nổi lên từ bên trong mỗi quốc gia như MatahariMall ở Indonesia hay Sendo ở Việt Nam, hoặc hợp tác với các nền tảng thương mại điện tử đã có kinh nghiệm từ bên ngoài. Thương mại điện tử Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam trở thành điểm đến của các nhà đầu tư khi chỉ sau 4-5 năm nữa khu vực này sẽ trở thành thị trường lớn thứ ba châu Á, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Nền kinh tế của khu vực đang chuyển nhanh từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, và giá trị thị trường thương mại điện tử được dự báo đạt đến 34,5 tỉ đô la vào năm 2018.
Trong khi Rocket Internet với sự thành công tuyệt vời của Lazada Việt Nam, chỉ sau ba năm, chứng minh cho thấy môi trường thương mại điện tử Việt Nam đã đến lúc chín muồi và gặt hái thành quả thì các công ty thương mại điện tử khác như Transcosmos từ Nhật Bản cũng gia tăng đầu tư vào Việt Nam. Tháng 8-2015, công ty này mua 30% cổ phần của Hotdeal Việt Nam sau khi đã bỏ vốn vào Metrodeal ở Philippines, Ookbee ở Thái Lan và Luxola ở Singapore. Người sáng lập Hotdeal cho biết việc đầu tư của Transcosmos giúp cho họ có khả năng thực hiện thương mại xuyên biên giới, với những sản phẩm chất lượng cao và những trải nghiệm mua sắm tốt hơn cho khách hàng. Đầu tư chiến lược xuyên biên giới vào một công ty thương mại điện tử tại một thị trường, chủ yếu để thiết lập hạ tầng phân phối, đang trở thành một kênh xuất khẩu mới.
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) với hơn 620 triệu dân, 10 nước và bảy ngôn ngữ chính vừa được thành lập vào cuối năm 2015 mở ra môi trường thuận lợi, một hệ sinh thái lớn cho việc phát triển thương mại điện tử đồng đều trong khu vực này với việc dở bỏ các luật cản xuyên biên giới và những giới hạn bên trong mỗi nước. Trước đây nền kinh tế của Trung Quốc bắt đầu nở rộ khi những hạn chế đối với doanh nghiệp tư nhân bị bãi bỏ từ năm 2005, và nền kinh tế Ấn Độ phát triển cực nhanh kể từ năm 2010 nhờ sự phát triển mậu dịch quốc tế theo sau khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ngày nay, AEC với sáu quốc gia lớn là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam cũng đang có được những cơ hội phát triển ngoạn mục như vậy.
Phát triển độc lập hay hội nhập?
Rõ ràng môi trường thương mại điện tử mới ở Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á không cho phép các công ty, các trang bán hàng trực tuyến hay các nhà cung cấp giải pháp thương mại điện tử hoạt động phân mảnh, rời rạc, thậm chí lặp đi lặp lại cùng một nội dung trên cùng một địa bàn. Thương mại điện tử ngày nay không còn là chuyện mạnh ai nấy làm mà là một sự tính toán chọn lựa, hoặc phát triển độc lập với nhu cầu đầu tư tài lực và công nghệ đủ sức cạnh tranh, hoặc phát triển hội nhập theo cả hai nghĩa đa quốc gia hay đa kênh giữa trực tuyến, ngoại tuyến và hệ thống cửa hàng, siêu thị. Văn hóa kinh doanh ở Việt Nam vẫn còn xa lạ, thậm chí thành kiến với hoạt động mua bán-sáp nhập giữa các doanh nghiệp với nhau. Nhưng đã đến lúc chúng ta phải coi đó là một kênh đầu tư tổng hợp tạo nên sức mạnh, mặt khác cũng để loại bỏ những cạnh tranh nội bộ không đáng có.
Trong môi trường thương mại thế giới, sự liên kết thể hiện bởi quá trình mua bán, sáp nhập doanh nghiệp chung quanh một vài công ty đầu tàu, và đây chính là nhu cầu tái cấu trúc để Việt Nam có những công ty thương mại điện tử xứng tầm quốc gia và khu vực, cho dù nguồn vốn đầu tư và công nghệ đến từ trong nước hay từ nước ngoài. Tại Diễn đàn doanh nghiệp ASEAN tổ chức đầu năm 2015, các diễn giả nhấn mạnh năm việc đặc biệt quan trọng để phát triển thương mại điện tử khu vực Đông Nam Á gồm gia tăng khả năng truy cập Internet, chấp nhận những công ty mới, bảo đảm an toàn mạng, ấn định những hệ thống thanh toán, và cuối cùng tạo hệ thống logistics thích hợp. Ở giai đoạn sơ khai của những năm trước, nhiều trang thương mại điện tử đã không coi trọng hoặc không đủ sức thiết lập hạ tầng kho chứa và phương tiện chuyên chở, nhưng nay chúng trở thành mối quan tâm đặc biệt, nhất là khi thực hiện thương mại điện tử xuyên biên giới.
Hoàng Việt
TBKTSG Online