Kinh doanh ảm đạm, số doanh nghiệp vận tải vẫn tăng?

Sau khi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) siết chặt tải trọng xe từ năm 2014, thị trường xe container đã phát triển nhanh cả về số doanh nghiệp lẫn số xe. Thế nhưng có một nghịch lý đang xảy ra là trong tình trạng kinh doanh ảm đạm, số lượng doanh nghiệp vận tải vẫn tăng…

doanh nghiệp vận tải
Năm 2015 tổng số doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container trên địa bàn thành phố là 1.370 doanh nghiệp với 11.467 xe. Ảnh: THÀNH HOA

Theo số liệu báo cáo của Ban An toàn giao thông TPHCM, năm 2015, tổng số doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container trên địa bàn thành phố đã là 1.370 doanh nghiệp, tăng 34% so với năm 2014; tổng số xe là 11.467 xe, tăng 49% so với năm 2014. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, tình trạng xe nằm chờ hàng cũng khá nhiều. Vậy điều gì đang xảy ra?

Đầu tiên, có thể thấy chính sách kiểm soát chặt tải trọng xe từ cảng đến nhà máy của Bộ GTVT buộc các doanh nghiệp phải đầu tư thêm xe để đáp ứng nhu cầu chở hàng. Tình trạng đầu tư ồ ạt xe container bắt đầu “nóng” từ giữa năm 2014 đến hết năm 2015. Nếu như trước đây doanh nghiệp thường cơi nới thùng hàng để chở quá tải – gấp đôi, gấp ba, thì nay, để chở đúng tải, họ phải mua thêm 2-3 chiếc, trong đó, nhiều doanh nghiệp đầu tư mua xe container.

Từ khi bị siết tải trọng xe, nhu cầu vận tải của doanh nghiệp cũng thay đổi. Trước đây, nông sản thường được chở bằng xe tải cơi nới thùng, nay chuyển qua vận tải bằng container và container lạnh. Ưu điểm của container là chở được khối lượng lớn hàng, thậm chí nếu sử dụng container lạnh thì còn bảo quản nông sản được lâu.

Ông Vinh, chủ một doanh nghiệp vận tải thường xuyên chở hàng từ TPHCM đi Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết trước đây, khi xe chở quá tải thì chi phí thấp, nay chở đúng tải thì chi phí tăng cao, đặc biệt, nếu dùng xe tải nhỏ thì chi phí cao hơn nhiều so với chở bằng xe container. Ví dụ chở một chuyến hàng 30 tấn từ TPHCM đi Bà Rịa – Vũng Tàu, nếu thuê xe 8 tấn và chở đúng tải thì phải chở 4 chuyến với tổng chi phí 16 triệu đồng; nếu thuê xe 15 tấn thì chỉ 2 chuyến với tổng chi phí là 12 triệu đồng; còn thuê xe 30 tấn thì chỉ mất 9 triệu đồng. Do vậy, các doanh nghiệp thường đầu tư xe lớn để cạnh tranh và cũng dễ có khách hàng hơn.

Ông Khánh, Giám đốc một doanh nghiệp vận tải bằng container tại TPHCM, cho biết tình hình kinh doanh vận chuyển bằng container của doanh nghiệp ông trong khoảng hai năm nay rất ảm đạm, nhất là khi Bộ GTVT siết tải trọng xe, doanh nghiệp còn phải đầu tư nhiều hơn cho đội xe để chấp hành chở đúng tải. “Chi phí đầu vào cao, trong khi giá cước không thể tăng tương ứng nên lợi nhuận giảm mạnh”, ông nói.

Số liệu thống kê lượng hàng về các cảng cho thấy hàng hóa xuất khẩu năm sau luôn tăng hơn năm trước. Bên cạnh đó, một số luồng tàu đã được nạo vét xong như luồng Soài Rạp, luồng sông Hậu, lượng hàng về nhiều hơn nên lượng xe container cũng tăng mạnh. Nhưng qua theo dõi tình hình kinh doanh thực tế của các doanh nghiệp, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, cho biết cũng còn nhiều xe nằm bãi mà không có hàng chở. Để giảm xe nằm bãi, một số doanh nghiệp phải chấp nhận giảm giá cước.

Nếu như số lượng xe tăng mạnh có thể thấy được từ chính sách kiểm soát chặt tải trọng và lượng hàng hóa về cảng ngày càng tăng, thì việc số doanh nghiệp vận tải tăng đến 34% so với năm 2014 được cho là chưa có lời giải đáp thỏa đáng.

Trao đổi với TBKTSG, ông Quản cho rằng trước đây nhiều doanh nghiệp chỉ đăng ký sử dụng xe tải 11-15 tấn, nay họ chuyển sang vận tải container hoặc đầu tư đội xe riêng. Có thể những doanh nghiệp này trước đây chưa đăng ký dịch vụ vận tải container mà chỉ mới đăng ký sau này nên con số thống kê doanh nghiệp bị trùng lặp và lầm tưởng là doanh nghiệp mới thành lập. Người đứng đầu Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM cũng cho biết thêm là trong năm vừa qua, số doanh nghiệp vận tải container gia nhập vào hiệp hội có tăng hơn so với năm 2014, tuy nhiên đây là những doanh nghiệp cũ trước đây chưa tham gia hiệp hội.

Ông Quản tỏ ra nghi ngờ đối với con số doanh nghiệp vận tải container tăng 34% trong năm 2015. Theo ông, số liệu này có thể là “thống kê bong bóng” trong giai đoạn thị trường vận tải container phát triển “nóng”. Ông cho rằng cơ quan quản lý cần thực hiện thống kê chính xác để quy hoạch lượng xe container phù hợp với nhu cầu vận chuyển của thị trường, tránh “đầu tư bong bóng”!

Về góc độ làm ăn của doanh nghiệp, ông Khánh cho rằng nếu thực sự số lượng doanh nghiệp vận tải đang tăng nhanh, đó là dấu hiệu báo tin tình hình cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn trong thời gian tới.

Lê Anh

TBKTSG