Chi phí cho 1 container hàng xuất khẩu từ Hà Nội đi Hải Phòng mất 400 USD. Trong khi cũng container đó đi từ Hải Phòng đến Nhật Bản chỉ mất 100 USD.
Một so sánh tưởng chừng như không tồn tại này đã được ông Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công ty TNHH Nam Việt đưa ra trong hội thảo “Tận dụng quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan trong các FTA thế hệ mới cho các doanh nghiệp dệt may, da giày Hà Nội”, do Sở Công thương Hà Nội tổ chức ngày 6/4.
Dẫn chứng của ông Chung đã khiến ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công thương người chủ trì buổi Hội thảo tỏ ra bất ngờ.
Lấy tay chỉnh lại cặp kính, ông Hải hỏi lại: “Đó là bao gồm những chi phí gì?”.
Ông Chung thẳng thắn: “400 USD này là chúng tôi cộng nhiều loại chi phí, bao gồm cả chi phí không chính thức. Chính các loại phí không chính thức đang là gánh nặng rất lớn cho doanh nghiệp chúng tôi…”.
Nghe câu trả lời của ông Chung xong ông Hải thở dài: “Cái này chúng ta đã đề cập đến nhiều, đó đúng là gánh nặng của doanh nghiệp…”.
Ông Chung tiếp lời; “Chỉ cần làm phép tính so sánh đơn giản sẽ thấy doanh nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh về giá. Phí không chính thức để xuất 1 lô hàng bị đẩy lên quá lớn, đây là rào cản lớn cho doanh nghiệp… Chúng tôi là doanh nghiệp, công dân chứ không phải “ăn xin” ở cửa cơ quan Nhà nước nhưng lần nào cũng bị “hành”…”.
“Dĩ nhiên không để đòi hỏi ngay một lúc nhưng những người làm doanh nghiệp chúng tôi cũng mong rằng các cơ quan ban ngành hãy hiểu quy trình xuất khẩu lô hàng gồm bao nhiêu công đoạn phải chi phí để từ đó mới có thể tính toán xem có thể cạnh tranh được không và cảm thông cho doanh nghiệp…” ông Chung nói.
Ông Trần Thanh Hải thông tin thêm: “Hiện Việt Nam có tới 14 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang chuẩn bị ký kết. Tuy nhiên, muốn tận dụng được ưu đãi mà các FTA mang lại, các doanh nghiệp phải đáp ứng được yêu cầu về quy tắc xuất xứ. Với một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành dệt may thì việc đáp ứng được vấn đề quy tắc xuất xứ là rất khó khăn…”.
Khi nhắc đến quy tắc xuất xứ, ông Chung gần như đứng bật dậy xin được có ý kiến tiếp: “Các FTA mang lại nhiều ưu đãi, trong đó có vấn đề về quy tắc xuất xứ, nhưng trong thực tế để xin được giấy chứng nhận quy tắc xuất xứ không phải là dễ…”.
Để chứng minh cho lời nói của mình ông Chung dẫn chứng: “Theo quy định của TPP thì nguyên phụ liệu của hàng dệt may phải được nhập khẩu từ các nước thuộc TPP. Tuy nhiên, để có 1 sản phẩm dệt may hoàn chỉnh phải trải qua hàng trăm công đoạn và với doanh nghiệp nhỏ và vừa thì mỗi công đoạn lại thuộc về một chủ khác nhau… Nếu truy xuất về xuất xứ của một sản phẩm dệt may có lẽ phải đi hàng trăm doanh nghiệp khác nhau… Đây chính là rào cản mà doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay không đáp ứng được, nếu đáp ứng được thì chi phí có thể đội lên rất cao…”.
Bà Dương Thị Liên Hương, Công ty Tân Bắc Đô cũng cho rằng hiện nay có rất nhiều loại chi phí khác tác động đến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường. Đó phần lớn là những chi phí mà doanh nghiệp “khó nói lên thành lời”.
Ông Tạ Tương Hải, chủ một doanh nghiệp Dệt may thì cho biết; “Cái cần của doanh nghiệp dệt may lúc này là thông tin khi nào được ưu đãi về thuế để có kế hoạch làm việc với đối tác để xuất hàng bởi hiện nay đã có khách hàng nhưng công ty chưa dám ký hợp đồng…”.
Giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp, ông Trần Thanh Hải lưu ý: “Ngay lúc này các doanh nghiệp phải kiểm tra mã hàng xuất khẩu của mình có nằm trong diện ưu đãi hay không trước khi ký hợp đồng để có kế hoạch chuẩn bị tốt nhất, hưởng lợi nhất…”.
“Còn về quy tắc xuất xứ, đó là bắt buộc do đó doanh nghiệp cần chủ động trong việc này…”, ông Hải nhấn mạnh.
Theo Hà Đan
VnEconomy