“Phát sốt” với đề xuất nhập khẩu gà từ Trung Quốc

Nhiều ý kiến của doanh nghiệp và người chăn nuôi cho rằng, chủ trương nhập khẩu chính ngạch gà thịt và gà giống từ Trung Quốc không phù hợp.

“Phát sốt” với đề xuất nhập khẩu gà từ Trung Quốc

Trước việc Cục Thú y vừa đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhập khẩu chính ngạch gà thịt và gà giống 1 ngày tuổi của Trung Quốc , nhiều ý kiến của doanh nghiệp và người chăn nuôi cho rằng, chủ trương này không phù hợp.

Theo ông Trần Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và dịch vụ cổ đông Sơn Tây(Hà Nội), Việt Nam hoàn toàn có những giống gia cầm chất lượng đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất của ngành chăn nuôi hiện nay: “Chúng tôi không đồng tình với việc nhập gà giống và gà thịt từ Trung Quốc sang. Nếu nhập giống chất lượng của Mỹ, Pháp và các nước có nền chăn nuôi phát triển thì có thể nhập 1 loại giống cụ, kỵ, ông, bà còn nhập con giống Trung Quốc thì không.

Chất lượng con giống gia cầm của Việt Nam nuôi thương phẩm đang rất tốt, thứ hai là giá cả ổn định vì sao phải nhập. Người làm giống đã đầu tư làm giống thì phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất để dễ điều phối và kiểm soát chất lượng”.

Trung bình mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 1,8 triệu tấn thịt gà trong khi năng lực sản xuất trong nước đã đạt 3 triệu tấn/năm tức là gần gấp rưỡi nhu cầu. Trong khi đó, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới thời gian qua vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Ông Trần Công Khanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho rằng, việc nhập khẩu sản phẩm gia cầm phải có hàng rào kỹ thuật đủ mạnh, tránh tình trạng thương lái lợi dụng chính sách thông thương để hợp thức hóa một số sản phẩm gia cầm đông lạnh tạm nhập tái xuất từ Trung Quốc và “tuồn” hàng lậu, hàng kém chất lượng vào Việt Nam.

“Khi chưa cho phép nhập khẩu thì chúng ta đã chưa kiểm soát được gian lận thương mại gà nhập lậu kém chất lượng, gà thải loại. Nếu bây giờ hợp pháp hóa thì có cách nào để phân biệt nào gà nào là gà nhập chính ngạch, gà nào là nhập lậu. Đây là lo ngại nhất của người chăn nuôi”- ông Trần Công Khanh nói.

Lý giải vấn đề này, Cục Thú y cho biết, việc vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm qua biên giới hai nước đã và đang diễn ra, cụ thể là gà thịt, gà giống 1 ngày tuổi từ Trung Quốc sang Việt Nam và trâu, bò, lợn từ Việt Nam sang Trung Quốc. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, các cơ quan chức năng của Việt Nam và Trung Quốc chưa ký kết thỏa thuận nào về xuất khẩu, nhập khẩu gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm giữa hai nước. Do vậy, các hoạt động vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm qua biên giới hai nước đều là bất hợp pháp.

Những gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm vận chuyển qua biên giới phần lớn đều không xác định được nguồn gốc, có nguy cơ mang mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh… do không có sự quản lý, giám sát của chuyên môn thú y.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc ngăn cấm thương mại quốc tế là rất khó, các nước chỉ có thể áp dụng hàng rào kỹ thuật để hạn chế thương mại, bảo hộ cho sản xuất trong nước. Việc này cũng không ngoại lệ với thương mại động vật, sản phẩm động vật, các hàng rào kỹ thuật sẽ giúp hạn chế sản phẩm nhập khẩu, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Tùng, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông, Cục Thú y cho biết: “Hiện tại các hoạt động xuất nhập khẩu động vật và sản phẩm động vật của Việt Nam đều phải theo quy định và quy trình đánh giá của quốc tế. Cụ thể là xác định được vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định của quốc tế, bên cạnh đó có sự tham gia đánh giá của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO).

Tiếp đó cơ quan thú y 2 nước mới tổ chức dự thảo các yêu cầu cụ thể về vệ sinh thú y, quy trình và thủ tục nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật chặt chẽ nhằm đảm bảo không có mầm bệnh xâm nhập vào Việt Nam và an toàn sức khỏe cho con người. Sau đó sẽ tổ chức đánh giá tại nước xuất khẩu, và kết quả đánh giá này sẽ được báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét quyết định có cho phép nhập khẩu hay không nhập khẩu.

Chưa biết hàng rào kỹ thuật sẽ được xây dựng như thế nào nhưng những lo lắng của doanh nghiệp và người chăn nuôi là hoàn toàn có cơ sở, khi mà hàng loạt lô thịt gà kém chất lượng nhập lậu từ biên giới phía Bắc liên tiếp bị các cơ quan chức năng phát giác trong thời gian qua. T

hứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám khẳng định, đề xuất của Cục Thú y đang được lãnh đạo Bộ xem xét, chưa có bất thông tin nào về việc có được thông qua hay không./.

Theo Minh Long

VOV