Việt Nam đang chậm chân trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng ô tô của khu vực và thế giới, điển hình là chưa thể cạnh tranh được với ngành ô tô của Thái Lan, Indonesia…
Ngành ô tô Việt Nam đứng trước thách thức lớn. Ảnh minh họa: TTXVN
Theo lộ trình cắt giảm thuế quan của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc giữa các nước thành viên ASEAN sẽ giảm từ 30% hiện nay xuống còn 0%, kể từ ngày 1/1/2018.
Thực tế này đặt ra bài toán khó cho ngành ô tô Việt Nam vốn khá “èo uột” như hiện nay để tiếp cận, cạnh tranh trong khu vực, nơi được đánh giá là có tiềm năng lớn này.
Tại hội thảo “EVFTA: Tác động thay đổi vị thế của Việt Nam trong khối ASEAN”, tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh vừa qua, ông Chris Humphrey, Giám đốc điều hành của Hội đồng Doanh nghiệp EU – ASEAN, cho rằng, sự phát triển của thị trường ô tô Việt Nam những năm tới dựa trên hai yếu tố là giá xe và nhu cầu của người tiêu dùng.
Trong đó, việc cắt giảm hoàn toàn thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các quốc gia thành viên ASEAN sẽ tạo sự biến động đáng kể về giá, đưa giá ô tô tại Việt Nam tiến gần hơn với giá trị thực.
Theo phân tích của ông Chris Humphrey, khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc trong khu vực ASEAN trong năm 2016 còn ở mức 40%, thị trường ô tô Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng kỷ lục, tiêu thụ hơn 300.000 xe (tăng hơn 50.000 xe so với năm 2015). Điều này cho thấy, nhiều người dân Việt Nam thực sự có nhu cầu và đủ khả năng tài chính để mua ô tô làm phương tiện di chuyển cá nhân và cho gia đình.
Mặc dù đánh giá cao tiềm năng tiêu thụ song các chuyên gia lại không mấy lạc quan về tương lai của ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam. Một số chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang chậm chân trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng ô tô của khu vực và thế giới, điển hình là chưa thể cạnh tranh được với ngành ô tô của Thái Lan, Indonesia…
Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng trưởng ban, Ban Kế hoạch Chiến lược, Toyota Việt Nam cho hay, hiện chi phí sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam cao hơn một số nước trong khu vực lên đến 20%, chỉ có nội địa hoá linh kiện mới giúp giảm giá thành ô tô trong nước và tạo giá cạnh tranh với ô tô nhập khẩu.
Thực trạng nhập khẩu nhiều cũng khiến hoạt động sản xuất trong nước không phát triển. Việt Nam chỉ có lợi thế đối với những phụ tùng cồng kềnh, còn linh kiện chi tiết nhỏ, kỹ thuật cao thì gần như phải nhập khẩu.
Tại thị trường Việt Nam xe máy đã được nội địa hoá 90%, đồng thời xu hướng Việt Nam sẽ ô tô hoá từng gia đình vào năm 2020. Tuy nhiên, điểm yếu của Việt Nam là khả năng cung ứng linh kiện nội địa thấp, chỉ từ 10 – 30%, tùy theo dòng xe.
Trong khi đó, tỷ lệ nội địa hóa linh kiện của Thái Lan là 57%, Indonesia 40%. Bên cạnh đó, thiếu lao động có tay nghề cũng là nguyên nhân khiến ngành công nghiệp ô tô Việt Nam khó phát triển bứt phá như kỳ vọng.
Theo ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO), nếu nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 40% thì các doanh nghiệp hoạt động trong ngành ô tô Việt Nam có thể xuất khẩu sang các nước trong khu vực ASEAN.
Dư địa của thị trường nội địa và xuất khẩu là hoàn toàn có nhưng khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hoạt động trong ngành ô tô tại Việt Nam là đang thiếu nguyên vật liệu sản xuất, lắp ráp…
Trong đó, có thể kể đến một số nhu cầu cấp thiết của ngành là máy gia công cơ bản để giải quyết các vấn đề luyện kim, sơn tĩnh điện, khuôn; máy ép khuôn nhựa; nhà máy chuyên dụng hóa chất…
Nhật Bản được xem là quốc gia có tầm ảnh hưởng và chi phối lớn đối với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Hiện 4 hãng xe lớn của Nhật Bản là Toyota, Honda, Mazda, Suzuki đều có nhà máy lắp ráp ô tô tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp này cho biết, họ đang gặp khá nhiều áp lực về chi phí sản xuất; trong đó, nguyên vật liệu là yếu tố quyết định 60% khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nhưng trên thực tế số linh kiện ô tô nội địa của Việt Nam chỉ mới đạt 14,1%, còn lại doanh nghiệp chủ yếu phải nhập từ nước ngoài với thuế nhập khẩu cao.
Việt Nam cũng đang mất dần lợi thế về giá nhân công giá rẻ khi mức lương cơ bản liên tục được điều chỉnh tăng thêm từ 7 – 10%/năm. Trong khi đó, so với các quốc gia khác trong khu vực chi phí nhân công Việt Nam không có sự chênh lệch lớn.
Bên cạnh đó, ngành sản xuất ô tô tại Việt Nam phải chịu quá nhiều loại thuế, phí khác nhau, trong khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN được cắt giảm hoàn toàn.
Trước bối cảnh này, doanh nghiệp ô tô trong và ngoài nước đang hoạt động tại Việt Nam sẽ phải cân nhắc giữa việc tiếp tục lắp ráp ô tô tại Việt Nam hay nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước khác về Việt Nam tiêu thụ.
Ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Tp. Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: “Cơ hội cuối cùng” để Việt Nam tham gia vào ngành ô tô là tập trung vào việc sản xuất linh kiện, phụ tùng để cung cấp cho các nhà máy lắp ráp lớn trong khu vực. Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội này đòi hỏi Việt Nam phải đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và nâng cao trình độ tay nghề của lao động.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần nâng cao những tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật, công nghệ trong các sản phẩm linh kiện để phù hợp với tiêu chuẩn chung của ngành công nghiệp ô tô trong khu vực./.
Xuân Anh – Mỹ Phương/TTXVN