Trong 1 năm tới, khi thuế nhập khẩu ôtô từ ASEAN về Việt Nam về 0%, ngành sản xuất, kinh doanh ô tô Việt sẽ phải đối mặt không ít thách thức.
0% từ đầu năm 2018
Tại buổi tọa đàm do Bộ Công Thương vừa tổ chức, ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương), cho biết, từ ngày 1/1/2018, thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ một số thị trường truyền thống sẽ về mức 0%.
Điều này tạo sức ép lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp xe trong nước.
Các nhà sản xuất sẽ buộc phải đặt mình trước quyết định mới, hoặc sắp xếp lại hệ thống sản xuất khu vực hoặc là tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất trong nước hay chấp nhận rút lui hoạt động sản xuất khỏi thị trường Việt Nam và chuyển sang thương mại đơn thuần.
Một nhược điểm khác của ngành sản xuất ô tô Việt Nam là phần lớn các doanh nghiệp mới thực hiện ở mức độ lắp ráp đơn giản. Dây chuyền sản xuất chủ yếu gồm 4 công đoạn chính là hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra.
Cũng tham dự tọa đàm, ông Toru Kinoshita – Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam cho rằng, thuế nhập khẩu ô tô về mức 0% từ đầu năm 2018, xét về góc độ thị trường thì đây là tín hiệu tốt, song đối với nền sản xuất ô tô trong nước thì lại là áp lực lớn.
Thuế nhập khẩu ô tô về nước năm 2018 chỉ 0% |
“Làm thế nào để mức thuế đó trở thành cú hạ cánh mềm là một câu hỏi rất lớn cần giải đáp”, vị Tổng giám đốc nhấn mạnh.
Trong một diễn biến liên quan, theo thống kê của Bộ Công Thương, thị trường ô tô Việt Nam trong những năm gần đây có mức tăng trưởng cao, đạt gần 40%/năm. Riêng năm 2016, tổng số xe mới đưa vào lưu thông tại thị trường Việt Nam là 459.634 chiếc, trong đó sản xuất trong nước 341.077 chiếc, nhập khẩu 118.557 chiếc.
Hiện tổng năng lực sản xuất, lắp ráp ô tô của Việt Nam đạt khoảng 500.000 xe/năm, với 12 hãng xe nước ngoài có hoạt động sản xuất, lắp ráp, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe trong nước; tổng sản lượng thị trường xe du lịch khoảng 210 ngàn xe/năm trong năm 2016.
Ô tô Việt: 20 năm, chỉ là số 0 tròn trĩnh
Từ thực tế trên, câu hỏi được đặt ra, việc này có đồng nghĩa với sự thất bại của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam?
Trên thực tế, cách đây 4 năm, ông Lê Dương Quang, khi đó là Thứ trưởng Bộ Công Thương đã lần đầu tiên đề cập đến “thất bại” của ngành này tại Quảng Nam. Từ đó đến nay, dù thừa nhận sự thất bại cùng những khó khăn, Việt Nam vẫn xác định phải tìm kiếm các chính sách để phát triển ngành công nghiệp ô tô. Quan điểm của Chính phủ là phù hợp, nhưng vấn đề lại ở chỗ: thiếu giải pháp cụ thể.
Trước đó, tại cuộc họp bàn về một số giải pháp phát triển ngành ô tô Việt Nam, ông Đào Phan Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội cơ khí Việt Nam (VAMI ),
vấn đề phát triển ngành công nghiệp ô tô đã được đặt ra cách đây 20 năm, tới nay là thời điểm 2018, thời điểm Việt Nam phải thực hiện các cam kết giảm thuế nhập khẩu với ASEAN đang đến gần. Vì vậy cần xác định rõ vai trò của doanh nghiệp thế nào, vai trò cơ quan quản lý nhà nước như thế nào.
“Ở các nước họ chỉ chọn một vài dòng xe để tập trung làm. Như ở ta Vinaxuki rất hăng hái làm xe ô tô nhưng vì cách làm nên đổ bể. Cần có chính sách để các doanh nghiệp phát triển”, ông Long đề xuất.
Theo ông Long, nếu chỉ bàn riêng cơ chế thuế cũng là một vấn đề lớn trong phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô. Thuế giải quyết lợi nhuận cho nhiều doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp tham gia làm ô tô cho Việt Nam thì lợi nhuận và trách nhiệm Nhà nước hỗ trợ thế nào.
Từng trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Văn Chiến – đoàn ĐBQH Hà Nội chỉ rõ: “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn tới năm 2020, đặt mục tiêu nâng tỉ lệ nội địa hóa lên 50%. Cho tới thời điểm này Bộ Công thương đã thừa nhận thất bại.
Thế nhưng, bây giờ Bộ Công thương tiếp tục đề ra viễn cảnh cho ngành công nghiệp ôtô Việt Nam giai đoạn 2025-2035, theo đó, công nghiệp ôtô trở thành ngành công nghiệp quan trọng, tăng tỷ lệ nội địa hóa lên tới 80%.
Đề ra chiến lược song lại không có mục tiêu, giải pháp cụ thể để hiện thực hóa giấc mơ trên.
Như vậy không khác nào nhìn thấy thất bại của một chiến lược trước mà vẫn đề ra một chiến lược mới chung chung, không cụ thể”.
Sự thất bại của Vinaxuki chính là hệ quả trực tiếp của một chiến lược xác định mục tiêu phát triển không chuẩn. Điều này khẳng định tầm quan trọng trong việc xây dựng chiến lược phát triển của ngành ôtô là điều kiện tiên quyết quyết định sự thành công hay thất bại của ngành công nghiệp này.
Mộc Miên (Tổng hợp)