Nhận rất nhiều ưu đãi, bao gồm không có thuế nhập khẩu, giá vận chuyển thấp, thuế môi trường rẻ hơn, thuế tiêu thụ đặc biệt thấp hơn, chi phí định mức cao hơn, không phải nộp quỹ bình ổn xăng dầu… cơ chế chính sách rất ưu tiên so với xăng truyền thống, nhưng xăng E5 vẫn không thể cạnh tranh được. Tất cả đều xuất phát từ việc giá thành ethanol của Việt Nam quá cao.
Theo lộ trình đã được Thủ tướng phê duyệt, từ 1-12-2015 xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên toàn quốc là xăng E5. Xăng E10 sẽ được sử dụng đồng bộ trên toàn quốc từ đầu 2017. Trong bối cảnh được tạo điều kiện hết mức về cơ chế như vậy, các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học của Việt Nam vẫn lụn bại dần vì không thể cạnh tranh được với xăng truyền thống, và cơ chế phổ biến sử dụng xăng sinh học vẫn chưa đi đến đâu.
Theo báo cáo gần đây nhất của Sở Công Thương Hà Nội: Các đại lý bán lẻ xăng dầu, thương nhân nhượng quyền, cửa hàng bán lẻ xăng dầu chưa mặn mà với kinh doanh E5, do đầu tư, cải tạo cột bơm xăng E5 tốn kém (khoảng 400 triệu đồng/cửa hàng), bảo quản mặt hàng này cũng phức tạp hơn và quan trọng nhất là khách hàng không mặn mà, lợi nhuận thấp. Không chỉ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hồi đầu năm cũng đã có kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo xây dựng cơ chế để tạo điều kiện cho nhà máy ethanol hoạt động.
Thống kê của TP lớn nhất cả nước cho thấy, đến hết tháng 10-2016, đã có 282/532 cửa hàng có bán xăng E5, tăng lên rất nhiều so với con số 58 cửa hàng vào cuối 2014, nhưng lượng tiêu thụ khá khiêm tốn (bình quân 8.330m3). Theo UBND TP Hồ Chí Minh, các cửa hàng kinh doanh xăng E5 có sản lượng tiêu thụ chậm, tồn kho và tỷ lệ hao hụt rất cao, trong khi chiết khấu không cao, dẫn đến doanh thu thấp so với xăng khoáng A92, A95, không bù đắp được chi phí hoạt động. Do đó, đã có một số doanh nghiệp có văn bản đề nghị tạm ngưng kinh doanh xăng E5. UBND TP còn lo ngại, nếu thay thế 100% xăng khoáng bằng E5, người dân sẽ đổ sang dùng xăng A95 (dù giá hiện đắt hơn xăng A92 khoảng 700 đồng/lít và đắt hơn E5 khoảng 1.000 đồng/lít), dẫn đến thiếu hụt nguồn cung.
Qua trao đổi với PV Báo CAND, Petrolimex – anh cả của ngành hàng xăng dầu Việt Nam cũng cho biết: Trong 9 tháng năm 2016, với 341 cửa hàng kinh doanh E5 trên 59 tỉnh/thành, sản lượng bán mặt hàng này đạt khoảng 278.000m3/tháng, chỉ bằng 10% sản lượng xăng khoáng.
Xăng E5 vẫn lận đận trên con đường cạnh tranh với xăng truyền thống. |
Nguyên nhân vì đâu E5 bị ghẻ lạnh như vậy? Đầu tiên không thể không kể đến do thói quen tiêu dùng của người dân chưa thay đổi và còn một số nghi ngại về chất lượng E5, dù Bộ Khoa học & Công nghệ đã nhiều lần khẳng định. Trao đổi với PV, một nhà khoa học đầu ngành cho biết: Ethanol có đặc tính hấp thụ nước rất mạnh, nên E5 có nhược điểm là dễ bị tách nước nếu để lâu, dẫn đến động cơ khó nổ. Tuy nhiên, với kỹ thuật hiện nay, nhược điểm này hoàn toàn có thể khắc phục được. Vấn đề chính của E5 là giá.
Theo điều hành của Bộ Tài chính, giá xăng E5 được đưa vào tính giá cơ sở của 3 tháng đầu năm là 13.833,08 đồng/lít (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Trong khi đó, giá xăng khoáng đã bao gồm thuế nhập khẩu, chi phí vận chuyển về đến Việt Nam mới ở khoảng 10.600 đồng/lít, thấp hơn hẳn 3.200 đồng/lít. Với mức chênh lệch quá lớn này, dù không phải chịu thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ có 8% thay vì mức 10% của xăng khoáng; thuế bảo vệ môi trường thấp hơn 150 đồng; không phải trích quỹ bình ổn xăng dầu 300 đồng/lít; chi phí định mức cao hơn 200 đồng/lít… xăng E5 cố lắm cũng chỉ thấp hơn xăng khoáng được 260 đồng/lít, quá thiếu hấp dẫn để người tiêu dùng lựa chọn. Bởi vậy, cơ chế đã “dọn” sẵn, các nhà máy xăng sinh học trong nước vẫn không thể hoạt động được.
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, hơn 5.400 tỷ đồng đã nằm chết ở 3 nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ, Dung Quất và Bình Phước của PVN và các đơn vị thành viên đầu tư. Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ có tổng mức đầu tư được điều chỉnh lên gần 2.500 tỷ đồng đã dừng thi công từ tháng 11-2011 và hiện đã trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Dự án Dung Quất có tổng mức đầu tư điều chỉnh lên gần 1.887 tỷ đồng, đã xong, nhưng hầu như không vận hành thương mại do giá thành sản phẩm quá cao. Dự án Bình Phước đội vốn lên 84,533 triệu USD, cũng đã xong, nhưng hầu như không vận hành thương mại, lỗ mỗi năm khoảng 200 tỷ đồng khấu hao tài sản cố định, lãi vay và chi phí quản lý, bảo dưỡng máy móc, bảo hiểm, bảo vệ….
Tính đến tháng 3-2013, nhà máy chỉ hoạt động 5 đợt, sản xuất được 16,286 triệu lít ethanol với giá thành lên tới… 21.500 đồng/lít, tăng 10.459 đồng/lít (95%) so với giá thành khi lập dự án. Mức giá trên trời này hoàn toàn không thể cạnh tranh nổi với xăng truyền thống trong bối cảnh hiện nay. Các dự án này đang có mặt trong danh sách dự án nghìn tỷ đắp chiếu chờ “dọn dẹp”. Một số có phương án nằm chờ thời – tức là chờ giá xăng khoáng trên thị trường thế giới lên để quay lại sản xuất. Nhưng sự chờ đợi này không khác gì “ôm cây đợi thỏ”.
Trao đổi với PV Báo CAND về câu hỏi “giải pháp nào cho các nhà máy này”, một chuyên gia đầu ngành cho biết: Giá thành ethanol của Việt Nam cao chủ yếu do đầu tư công nghệ không đúng, đã lạc thời. Giá nguyên liệu đầu vào của Việt Nam cao đã đành, công nghệ lại chuyển hóa không tốt, giá cao là không thể tránh khỏi. “Đầu tư phải đầu tư cho đúng, đừng ham rẻ. Giờ giá nhiên liệu sinh học của Brazil rẻ bèo, các nhà máy Việt Nam với công nghệ này thì đừng mong cạnh tranh” – vị chuyên gia chia sẻ.