Bộ Công Thương cho biết đã kết thúc quá trình điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá thép mạ nhập khẩu vào Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông) và Hàn Quốc.
Ngày 3/3/2016, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 818/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng thép mạ nhập khẩu vào Việt Nam có xuất xứ từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (bao gồm Hồng Kông) và Hàn Quốc (mã vụ việc AD02).
Căn cứ Điều 16 Pháp lệnh chống bán phá giá của Việt Nam, thời hạn điều tra để áp dụng biện pháp chống bán phá giá là không quá 12 tháng kể từ ngày có quyết định điều tra.
Ngày 3/ 3/2017, Cơ quan điều tra (Cục Quản lý cạnh tranh) đã kết thúc quá trình điều tra vụ việc AD02 và đã gửi Dự thảo Kết luận cuối cùng của vụ việc đến các bên liên quan.
Bộ Công Thương cho biết các bên liên quan trong vụ việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng thép mạ nhập khẩu vào Việt Nam có xuất xứ từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (bao gồm Hồng Kông) và Hàn Quốc nêu trên đã đăng ký làm bên liên quan của vụ việc mà chưa nhận được Dự thảo Kết luận điều tra cuối cùng cần liên hệ với Cục Quản lý Cạnh tranh để đảm bảo quyền và lợi ích của bên liên quan trong vụ việc.
Thép mạ nhập khẩu từ Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc vào Việt Nam bị điều tra chống bán phá giá
Trước đó, ngày 1/9 năm 2016, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 3584/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời sản phẩm thép mạ nhập khẩu vào Việt Nam.
Các sản phẩm thép mạ bị áp dụng thuế chống bán phá giá nhập khẩu vào Việt Nam được phân loại theo các mã HS sau: 7210.41.11; 7210.41.12; 7210.41.19; 7210.49.11; 7210.49.12; 7210.49.13; 7210.49.19; 7210.50.00; 7210.61.11; 7210.61.12; 7210.61.19; 7210.69.11; 7210.69.12; 7210.69.19; 7210.90.10; 7210.90.90; 7212.30.10; 7212.30.20; 7212.30.91; 7212.30.99; 7212.50.11; 7212.50.12; 7212.50.19; 7212.50.21; 7212.50.22; 7212.50.29; 7212.50.91; 7212.50.92; 7212.50.99; 7212.60.10; 7212.60.20; 7212.60.90; 7225.92.90; 7226.99.11; 7226.99.91 (35 mã HS).
Bên yêu cầu là bốn nhà sản xuất thép mạ của Việt Nam gồm: Công ty cổ phần China Steel Sumikin Việt Nam (CSVC), Công ty TNHH Tôn Phương Nam, Công ty cổ phần Thép Nam Kim và Công ty cổ phần Tôn Đông Á.
Theo các thông tin do Bên yêu cầu cung cấp trong hồ sơ, lượng nhập khẩu hàng hóa bị điều tra trong giai đoạn từ T7/2014-T6/2015 (POI) tăng hơn 400% so với giai đoạn trước đó.
Bên yêu cầu đã cáo buộc sản phẩm thép mạ, được phân loại theo các mã HS nêu trên, nhập khẩu từ Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông) và Hàn Quốc bán phá giá vào Việt Nam, gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất thép mạ trong nước.
Lượng hàng nhập khẩu ngày càng gia tăng với giá bán liên tục giảm kéo theo xu thế giảm giá của ngành công nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp sản xuất trong nước bị ảnh hưởng tiêu cực, như lỗ thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh tăng, hoạt động dưới công suất và ngăn cản các doanh nghiệp mới hình thành có thể đi vào sản xuất thương mại.
Theo Hải Minh – NDH