Quên DHL, FedEx đi, đã đến thời của những “người vận chuyển” Trung Quốc

Hãy tưởng tưởng tài sản của bạn tăng 2 tỷ USD chỉ trong 1 ngày. Đây là điều vừa xảy ra với ông chủ của công ty vận chuyển hàng hóa lớn nhất Trung Quốc – S.F.Express, khi công ty vừa tiến hành niêm yết, giúp Wang Wei trở thành người đàn ông giàu thứ ba Trung Quốc.

Tăng trưởng vượt bậc

Mọi chuyện bắt đầu khác hẳn với ánh hào quang hiện tại của S.F.Express. Theo Wang Wei, công ty bắt đầu bằng việc vận chuyển hàng hóa chui vào những năm 1990, khi chỉ bưu điện Trung Quốc được phép làm điều này.

Thủa ban đầu, những “người vận chuyển” của công ty đã đưa hàng hóa từ Đại Lục sang Hong Kong và ngược lại một cách trái phép trong 16 năm, cho tới khi được Chính phủ Trung Quốc chấp thuận.

Trong tuần trước, S.F.Express được tiến hành “niêm yết cửa sau” tại Sàn Giao dịch chứng khoán Thẩm Quyến, sau khi được giới chức nước này chấp thuận vào tháng 12/2016. Sau khi niêm yết, giá cổ phiếu của Công ty mẹ là S.F.Holding Co đã tăng 59%, giúp tài sản của Wang Wei đạt 26,5 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index.

ảnh 1

Wang Wei (ngoài cùng bên phải) cùng các khách mời trong sự kiện niêm yết tại Thẩm Quyến
Wang cùng 4 tỷ phú ngành vận chuyển hàng hóa khác, bao gồm cả người sáng lập ZTO Express Inc, công ty vừa niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán New York vào tháng 10/2016, đã chứng kiến khối tài sản của mình tăng vượt trội trong vòng 5 tháng qua, giúp tổng khối tài sản tăng thêm khoảng 47 tỷ USD.
Họ là một phần của sự bùng nổ mua sắm online, được khởi đầu từ Alibaba Group Holding Lts. Trong số các công ty vận chuyển, S.F.Express đang là người dẫn đầu về doanh thu so với hàng trăm đối thủ khác.

Một điểm chung của nhiều công ty tiến hành tìm vốn trên thị trường chứng khoán Đại lục thời gian qua là họ đều sử dụng biện pháp “niêm yết cửa sau” (backdoor listings), thay vì IPO – phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng.

Theo đó, niêm yết cửa sau là việc một công ty thất bại trong đáp ứng các yêu cầu niêm yết, hoặc chưa niêm yết thâu tóm quyền kiểm soát tại một công ty đã niêm yết. Việc sử dụng phương pháp này giúp các công ty tránh được các khoản thuế, phí của niêm yết thông thường, đồng thời nhanh chóng tìm kiếm được nguồn vốn mới trên thị trường.

Sở dĩ các công ty vận chuyện hàng hóa Trung Quốc cần “vội vã” tới vậy, bởi họ nhận thấy những nguy hiểm kề cận: tính chất cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt, lợi nhuận giảm xuống, từ thị trường của 1 người chơi duy nhất biến thành cuộc chơi nhiều bên, với sự tham gia của các tên tuổi nổi tiếng như FedEx Corp, United Parcel Service Inc và DHL Express.

ảnh 2

Các công ty vận chuyển cần nhanh chóng tìm vốn, mở rộng thị phần hơn nữa để tồn tại
Cũng vì lẽ này, cuộc đua thu hút vốn, mở rộng hơn nữa tới các thành phố nhỏ hơn tại Trung Quốc sẽ quyết định công ty nào tồn tại được trong trận chiến này.

“Ngành công nghiệp vận chuyển hàng hóa, phát triển mạnh nhờ vào làn sóng mua sắm online, đã trải qua giai đoạn phát triển rực rỡ đầu tiền. Hiện tại đã tới lúc các công ty cần củng cố tổ chức của mình, nếu không họ sẽ dần tàn lụi hoặc bị thâu tóm bởi đối thủ”, Su Baoliang, chiến lược gia tại Sinolink Securites Co cho biết.

Ông cũng dự báo tăng trưởng doanh thu của các công ty dịch vụ vận chuyển sẽ chậm xuống còn 15% trong 2 – 3 năm tới, so với mức hiện tại ở khoảng 40%.

Từ con ghẻ thành con cưng

Hiện tại, các công ty vận chuyển Trung Quốc vẫn tràn đầy hứa hẹn với các cơ hội mở rộng, nhất là khi tỷ phú Jack Ma, ông chủ của Alibaba đã có lời hứa với Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc tạo thêm 1 triệu việc làm dành cho các doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ với khách hàng Trung Quốc. Đây sẽ là “miếng bánh” tuyệt vời dành cho những nhà vận chuyển hàng hóa.

“Không chỉ thập kỷ này mà trong vài năm tới nữa vẫn là thời kỳ huy hoàng của các công ty vận chuyển Trung Quốc. Họ có tiềm năng rất lớn để khai thác và phát triển”, John Song, giám đốc tư vấn logistics và dịch vụ vận tải tại Deloitte cho biết.

ảnh 3

Các công ty vận chuyển hàng hóa đang trở thành “con cưng” của giới chức Trung Quốc
Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc đang có nhiều biện pháp hỗ trợ hết mực dành cho ngành công nghiệp này. Mặc dù cấm hoạt động vận chuyển hàng hóa tư nhân cho tới tận năm 2009, nhưng cho tới nay, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền, giá vận chuyển 1 kiện hàng trung bình đã giảm 57%, xuống còn 12,8 nhân dân tệ/kiện (1,86 USD), theo Cục Bưu điện Trung Quốc, cơ quan quản lý dịch vụ vận chuyển. Trong khi tại Mỹ, mức cước trung bình mỗi kiện hàng là 10 USD.

Sự ủng hộ của Chính phủ Trung Quốc còn thể hiện ở việc khuyến khích các công ty dịch vụ vận chuyển thu hút vốn thông qua thị trường chứng khoán, chấp thuận việc niêm yết cửa sau để tìm nguồn vốn nhanh hơn, mặc dù việc thâu tóm một công ty khác để tiến hành niêm yết, thậm chí ở lĩnh vực không có liên quan, thường không khiến giới chức “hài lòng”.

Trong năm ngoái, Ủy ban Giao dịch chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đã chấp thuận cho 4 công ty vận chuyển tiến hành niêm yết cửa sau chỉ trong thời gian ngắn. Thương vụ đầu tiên được chấp thuận là của STO Express, công ty thuộc sở hữu của Chen Dejun, người có khối tài sản hiện ở mức 2,3 tỷ USD và chị ông là Chen Xiaoying, với tài sản 2 tỷ USD.

Lam Phong (Theo Bloomberg)