Việt Nam cạn kiệt cát vẫn xuất khẩu: Sẽ nhập cát như…than?

Nếu không có kế hoạch khai thác một cách hợp lý và hiệu quả, viễn cảnh Việt Nam phải nhập khẩu cát hoàn toàn có thể xảy ra.

Nghịch lý đáng lo

Theo số liệu từ Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), hiện nay nguồn cát được cấp phép khai thác của Việt Nam chỉ đáp ứng khoảng 60-65% nhu cầu của các thành phố lớn. Việt Nam đang phát triển hạ tầng rất nhanh và mạnh nên nhu cầu về nguyên liệu này không ngừng tăng cao.

Với tốc độ xây dựng như hiện nay, các chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu xây dựng cho rằng, chỉ chưa đầy 15 năm nữa, nguồn cung cát sẽ cạn kiệt.

Trong khi đó, hiện nay, việc khai thác nguồn tài nguyên cát đã không có một quy hoạch  khoa học, tình trạng khai thác cát quá mức cho phép và trái phép diễn ra triền miên tại các địa phương. Đáng lo ngại hơn, nhiều doanh nghiệp còn tận thu cát để xuất khẩu sang các quốc gia khác.

Viet Nam can kiet cat van xuat khau: Se nhap cat nhu...than?
Dù đứng trước nguy cơ thiếu cát nhưng Việt Nam vẫn xuất khẩu cát Ảnh: Nhân dân

Trao đổi với Đất Việt,  TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Hội Tưới tiêu Việt Nam, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam), cho rằng những lo ngại trên hoàn toàn có cơ sở.

Theo vị chuyên gia, cát là một tài nguyên quý giá, một thành phần quan trọng của hệ sinh thái tự nhiên. Nó là một trong những yếu tố tạo nên dòng sông, dòng chảy và sự ổn định cho lòng, bờ, bãi sông, cho cuộc sống con người và hệ sinh thái ở thượng lưu, hạ lưu phụ thuộc vào con sông…

Hiện nay cát phục vụ nhu cầu xây dựng, sản xuất của các địa phương có 2 nguồn chính. Một là từ các mỏ cát ở vùng núi, ở các bãi sông lớn. Hai là cát ở dưới đáy các dòng sông.

“Việc khai thác cát dưới lòng sông để bán hiện đang  mang lại siêu lợi nhuận. Do đó các doanh nghiệp liên tục đẩy mạnh khai thác cát, kể cả chính thức hoặc khai thác lậu.

Việc này diễn ra công khai tại nhiều dòng sông chảy qua các tỉnh, thành  cả nước. Thậm chí cát còn được xuất khẩu. Nếu cứ tình trạng này diễn ra, tôi nghĩ  không đến 15 năm nữa, chúng ta sẽ cạn kiệt nguồn cát”, ông Tứ lo ngại.

TS Đào Trọng Tứ khẳng định, dư luận đã nhiều lần đề cập đến việc tận thu cát tại các dòng sông và những hiểm họa khôn lường có thể gặp phải đối với các con sông, đến phát  triển kinh tế, ổn định xã hội  của các địa phương và đất nước và cuộc sống của người dân.

Đến thời điểm này, tình trạng mực nước tại sông Hồng bị xuống thấp hay hiện tượng sạt lở đất tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long là minh chứng rõ nhất cho việc khai thác cát không được quy hoạch và kiểm soát.

“Trên sông Hồng, theo một số kết quả nghiên cứu gần đây của các cơ quan khoa học của Bộ NN-PTNT, lượng cát khi thác hằng năm giao động khoảng hơn 10 triệu m3 khiến cho lòng sông Hồng bị hạ thấp dẫn đến  mực nước sông hạ thấp.

Việc này tác động rất lớn đến việc lấy nước của các công trình lấy nước tưới cho Đồng bằng sông Hồng, tác động tiêu cực đến môi trường và cảnh quan và cuộc sống của cộng đồng ven sông.

Một trong những  thí dụ về tác động của lượng bùn cát trên sông giảm có thể thấy ở  hệ thống sông chảy qua nhiều tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Hiện tượng sạt lở bờ sông, bờ biển đã và đang diễn ra ngày càng nhiều gây thiệt hại vô cùng lớn về đất đai, tài sản, hoa màu cho người dân.

Ngoài vấn đề tác động của thiên nhiên, giảm đáng kể phù sa đến đồng bằng sông Cửu Long từ thượng nguồn và thay đổi dòng chảy…  thì việc khai thác cát tại chỗ quá mức cũng là một nguyên nhân”, ông Tứ dẫn chứng.

Cấp phép nhưng thiếu hoặc hạn chế trong hậu kiểm

Lý giải nghịch lý trên, TS Đào Trọng Tứ cho rằng, nguyên nhân chính nằm ở chỗ khai thác, tận thu cát tạo ra siêu lợi nhuận cho những tổ chức và cá nhân liên quan. Ngoài ra dù cấp phép nhưng thiếu hoặc hạn chế trong hậu kiểm khiến tài nguyên của chung  bị  khai thác bừa bãi, ngân sách nhà nước không thu được là bao.

“Tôi nghĩ dư luân đặt vấn đề lợi ích nhóm và bảo kê khi cát tặc, cát lậu diễn ra thường xuyên là có cơ sở. Thực tế, các đối tượng hút cát trái phép thường dùng những tàu công suất lớn để hút và vận chuyển.

Việc đi lại hết sức nhộn nhịp, thậm chí họ còn sẵn sàng đe dọa người dân. Rõ ràng việc này không tinh vi như các đối tượng buôn bán đồ cấm. Vì vậy làm sao có thể nói họ lén lút khai thác? Đây là công khai hút cát”, ông Tứ nhấn mạnh.

Ngoài ra, việc quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, chồng chéo nên tình trạng trên vẫn diễn ra dù được đề cập đến nhiều.

Viễn cảnh nhập cát

Nhìn nhận một cách toàn diện tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam, TS Đào Trọng Tứ thừa nhận, nghịch lý trên không chỉ tồn tại với cát mà đã từng xảy ra than, quặng sắt hay vật liệu xây dựng.

Đối với nguồn tài nguyên cát, nếu không có kế hoạch khai thác một cách hợp lý và hiệu quả, vị TS này cho rằng viễn cảnh tương tự than, quặng sát hay vật liệu xây dựng hoàn toàn có thể xảy ra.

“Với nguồn tài nguyên cát, có cung thì ắt sẽ có cầu. Do vậy các cơ quan nhà nước cần đánh giá cụ thể trữ lượng và vấn đề cung – cầu trong nước để có những định hướng, quy hoạch rõ ràng cho quá trình khai thác.

Thứ hai, các tỉnh, thành phố, phải tăng cường lực lượng bảo vệ và phải có sự quyết liệt với các đối tượng khai thác trái phép.

Thứ ba, trách nhiệm của các bộ, ngành cũng cần phải rõ ràng, tránh chồng chéo như hiện nay. Người dân không thể tự bảo vệ việc này nếu như cơ quan nhà nước không siết chặt quản lý. Cuối cùng chế tài xử phạt cần phải nghiêm khắc hơn nữa.

Nguyễn Hoàn 
Báo Đất Việt